Tăng cường công tác thú y, thủy sản và phòng, chống động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (26-04-2022)

Vừa qua, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ngãi có văn bản số 1506/UBND-KTN gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị- xã hội tỉnh; Công an tỉnh; các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Nội vụ, Giao thông vận tải; Cục Quản lý thị trường tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Quảng Ngãi về việc tăng cường công tác thú y, thủy sản và phòng, chống động vật thủy sản.
Tăng cường công tác thú y, thủy sản và phòng, chống động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Ảnh minh họa

Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, các loại dịch bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính đã bắt đầu xảy ra ở một số vùng nuôi tôm của tỉnh. Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, đồng thời tăng cường công tác quản lý thú ý, thủy sản, đặc biệt là tổ chức phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo đúng quy định, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương khẩn trương triển khai thực hiện cụ thể như sau:

UBND các huyện, thị xã và thành phố: chỉ đạo các đơn vị chức năng hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy sản thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định như, tổ chức hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản kê khai ban đầu theo cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; chấp hành lịch thời vụ, cơ cấu giống và kỹ thuật nuôi trồng từng loại thủy sản; khai báo với UBND cấp xã khi nhập giống để kiểm tra chất lượng giống trước khi thả nuôi theo quy định; đặc biệt nuôi tôm chân trắng vùng triều rất dễ bị dịch bệnh nên phải tuân thủ mật độ nuôi không quá 80 con/m2, kích cỡ thả giống ≥ PL12, thả nuôi trong ao ương từ 20 đến 25 ngày sau đó mới thả ao nuôi tôm.

Đồng thời, tập trung huy động các nguồn lực để chủ động phòng bệnh, giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để khi ổ dịch mới xuất hiện ở hồ, lồng, bè đầu tiên trong vùng nuôi; áp dụng các biện pháp phòng bệnh, chống dịch, xử lý ổ dịch theo quy định; định kỳ kiểm tra vùng nuôi thủy sản, xử lý động vật trung gian truyền bệnh và động vật thủy sản nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ao, hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, môi trường nước, thức ăn, phương tiện, dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi để tiêu diệt mầm bệnh.

Tổ chức kiểm soát, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật thủy sản làm giống trên địa bàn; tổ chức các hoạt động tập huấn và thông tin, tuyên truyền để hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản chủ động thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh thủy sản nguy hiểm; tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng, ngưng sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch, không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong y tế để phòng, trị bệnh cho động vật thủy sản nhằm hạn chế tối đa dư lượng kháng sinh và giảm thiểu nguy cơ kháng sinh; đẩy mạnh xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản ngay từ đầu vụ nuôi; đặc biệt lưu ý những địa bàn có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh hoặc những khu vực thường xuyên xảy ra dịch bệnh, có thủy sản bị thiệt hại nhiều trong các vụ nuôi trước đây.

Sở Nông nghiệp và PTNT: chỉ đạo các đơn vị chức năng triển hai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2022 khi được phê duyệt; chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh để kịp thời cảnh báo, hướng dẫn thực hiện các giải pháp xử lý dứt điểm các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan; hướng đẫn việc xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm dịch chặt chẽ việc vận chuyển động vật thủy sản sử dụng làm giống theo quy định hiện hành, đảm bảo cung cấp thủy sản giống đạt chất lượng cho các vùng nuôi trong tỉnh; xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về việc buôn bán, sử dụng thuốc thú y, thức săn thủy sản, chế phẩm sinh học không đúng quy định, không có nguồn gốc, ngoài danh mục được phép lưu hành; sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong y tế trong nuôi trồng thủy sản.

Cục Quản lý thị trường tỉnh: tăng cường ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật thủy sản làm giống trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển nhập tỉnh không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.

Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Quảng ngãi: chủ động phối hợp các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh động vật thủy sản, cách nuôi trồng và biện pháp phòng, chống dịch bệnh; cơ chế, chính sách hỗ trợ và chế tài xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh để người dân chủ động thực hiện.

Các Sở, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản đang có chiều hướng diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh,..

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác