Tổng kết công tác phòng chống thiên tai chuyển ngành năm 2019 và triển khai Kế hoạch năm 2020 (18-03-2020)

Ngày 6/3/2019, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2019 và triển khai Kế hoạch năm 2020. Đ/c Nguyễn Quang Hùng – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản chủ trì Hội nghị, tham dự có đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo PCTTTW, Cục Cứu hộ, cứu nạn, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, Cục Cảnh sát giao thông...
Tổng kết công tác phòng chống thiên tai chuyển ngành năm 2019 và triển khai Kế hoạch năm 2020

Năm 2019, tình hình thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng vẫn mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền của cả nước với 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 12 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3 với 08 cơn bão và 04 ATNĐ (giảm 02 cơn bão so với năm 2018); thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng, làm133 người chết và mất tích (giảm 40% so với năm 2018). Trong đó thiệt hại về lĩnh vực thủy sản là: về diện tích nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại: 55,2 ha và 181 ao đìa; Lồng bè nuôi tôm, cá bị thiệt hại: 44 lồng và 21 bè bị trôi mất, 50 lồng bị hư hỏng; về tàu cá xẩy ra 10 vụ/18 tàu/78 người, hậu quả: chết 05 người (giảm 24 người so với năm 2018), mất tích: 05 người (giảm 02 người), Chìm: 08 tàu; Cứu được: 10 tàu/68 người. Thông qua đường dây nóng giữa Việt Nam với các nước: có 02 vụ/23 tàu/130 người tàu Việt Nam xin Tránh trú bão tại các đảo Trung Quốc (23 tàu và 130 người đều an toàn).

Năm 2019, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, cụ thể  (1) Duy trì, tổ chức và triển khai thực hiện công tác trực ban 24/24 có hiệu quả. Khai thác có hiệu quả Hệ thống giám sát tàu cá và Hệ thống Trạm bờ (VX-1700) phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển tránh, trú bão kịp thời. Hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão, ATNĐ trên biển gây ra; (2) Chủ động ứng phó với các tác động của biển đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết, Tổng cục Thủy sản đã cập nhật và ban hành hướng dẫn tàu thuyền tránh, trú, neo đậu và các giải pháp bảo vệ ao, đầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi có bão, ATNĐ. (3) Công tác phối hợp với các đơn vị đã được tăng cường, trao đổi thông tin, các biện pháp kịp thời tháo gỡ, khó khăn vướng mắc. (4) Hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 3727/CT-BNN-TCTS ngày 05/5/2017 về việc tăng cường công tác quản lý khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển và đôn đốc các địa phương tăng cường thực hiện việc kiểm tra, giám sát cơ sở đóng tàu và hướng dẫn thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép theo Công văn số 3797/BNN-TCTS ngày 09/5/2017; rà soát tham mưu trình Bộ công bố 66 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện.

Kết quả: số vụ tai nạn tàu cá năm 2019 đã giảm đáng kể so với năm 2018 (giảm 25 vụ), đặc biệt là tàu cá ít bị thiệt hại bởi ảnh hưởng của bão lốc, áp thấp nhiệt đới trên biển.

Đề thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2020, Ban chỉ huy PCTT&TKCN chuyên ngành Thủy sản tập trung vào triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi tổ chức thông báo, cảnh báo và kịp thời tham mưu chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

2. Tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai: nâng cao trách nhiệm của chính quyền và người dân, quán triệt thực hiện “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và 3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả;

3. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện các chuyên mục, chương trình, chuyên đề tuyên truyền, hướng dẫn cho ngư dân công tác PCTT&TKCN phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam;

4. Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, các Chi cục Thủy sản địa phương tổ chức các lớp tập huấn cho bà con ngư dân nhằm thực hiện có hiệu quả các quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá.

5. Tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Cục cảnh sát giao thông, Cục Lãnh sự - Bộ ngoại giao, Viện Y học biển, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải để trao đổi thông tin cũng như kịp thời hỗ trợ, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cho tàu cá và ngư dân hoạt động trên biển;

6. Sử dụng hiệu quả đường dây nóng các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa Việt Nam và các nước, đồng thời tăng cường phối hợp chặt chẽ với Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao để kịp thời hỗ trợ cho ngư dân gặp sự cố do thiên tai khi hoạt động khai thác trên biển;

7. Đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh xảy do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai. Hướng dẫn kịp thời cho ngư dân các kỹ thuật, biện pháp phòng chống dịch bệnh; khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra tại các vùng nuôi trồng thủy sản;

8. Tiếp tục triển khai quy hoạch và kế hoạch đầu tư cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá giai đoạn 2016 -2020. Rà soát, cập nhật và tham mưu công bố đóng, mở mới các cảng cá, công bố danh sách khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên cả nước theo quy định;

9. Rà soát, chỉ đạo việc lồng ghép phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch phát triển ngành thủy sản.Tiếp tục tham mưu tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.

Lê Đình Trọng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác