Sóc Trăng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác chống IUU (12-11-2024)

Tỉnh Sóc Trăng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017, Nghị định số 42-NĐ-CP của Chính phủ và nhiều văn bản khác có liên quan; đặc biệt kiện toàn Văn phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nhằm kiểm soát tốt các tàu cá xuất/nhập cảng cũng như sản lượng hàng hóa qua cảng.
Sóc Trăng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác chống IUU
Ảnh minh họa

Trong thời gian qua, cùng với cả nước, tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều nỗ lực nhưng sau 7 năm bị Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu, hành trình “gỡ thẻ” của Việt Nam nói chung và của tỉnh Sóc Trăng nói riêng vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế nhất định. Ngư trường khai thác bị hạn chế khiến sản lượng thủy sản khai thác sụt giảm đáng kể, thu nhập của ngư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụm từ “thẻ vàng” trở thành nỗi ám ảnh của hàng chục nghìn ngư dân trong suốt quá trình vươn khơi, bám biển.

Trước bối cảnh này, sự ra đời của Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản đã góp phần phát huy tốt vai trò của các tổ chức cơ sở đảng trong nhiệm vụ gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, phát triển nghề cá theo hướng bền vững, hiện đại. Chỉ thị số 32-CT/TW là văn bản chỉ đạo cao nhất trong công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Để cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư cũng như Nghị quyết số 52-NQ/CP của Chính phủ, ngày 17/7/2024,  Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Chương trình hành động số 56-Ctr/TU, yêu cầu xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Ngay sau đó, ngày 20/8/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình số 56 Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, phân công rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị, địa phương trong công tác gỡ cánh báo “thẻ vàng”.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Ban quản lý Cảng cá Trần Đề tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cùng nhiều văn bản khác có liên quan. Kiện toàn Văn phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là Tổ IUU) nhằm kiểm soát tốt các tàu cá xuất/nhập cảng cũng như sản lượng hàng hóa qua cảng.  Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện và ngư dân tuân thủ tốt việc ghi chép nhật ký khai thác, đảm bảo duy trì tín hiệu thiết bị giám sát hành trình tàu cá, khai thác đúng ngư trường cho phép. Phối hợp cùng các địa phương ven biển tổ chức đối thoại trực tiếp nhằm kịp thời hỗ trợ chủ tàu và ngư dân tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản.

Tiếp tục tăng cường giải pháp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các tờ rơi, pa nô, áp phích. Phối hợp Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức các phiên tòa giả định, xử lý các vụ vi phạm về chống khai thác IUU để vừa tuyên truyền, vừa hướng dẫn cho bà con tuân thủ các quy định trong khai thác thủy sản một cách tốt nhất. Tăng cường công tác rà soát đội tàu về đăng ký, đăng kiểm, các thủ tục khi ra/vào cảng. Tăng cường giám sát hàng hóa qua cảng, đảm bảo nhật ký hành trình rõ ràng, minh bạch về sản lượng khai thác. Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để nâng cao ý thức của bà con ngư dân, tiến đến nghề khai thác cá có cách nhiệm và bền vững.

Nhiều năm liền, Sóc Trăng không có tàu cá vi phạm khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Hiện tỉnh có đội tàu 774 chiếc. Trong đó, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên là 345 tàu; riêng huyện Trần Đề chiếm đến 338 tàu, tập trung tại thị trấn Trần Đề, xã Trung Bình và xã Đại Ân 2, với sản lượng khai thác thủy sản hằng năm trên 51.000 tấn. Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Chương trình số 56-Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Trần Đề đã ban hành Kế hoạch số 116-KH/HU, ngày 29/8/2024 triển khai đến các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp phù hợp; phân công, giao nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho các cấp, các ngành để triển khai thực hiện. Các cấp ủy đảng, chính quyền phát huy tốt vai trò nòng cốt của từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền trực quan, sân khấu hóa, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội: Zalo, facebook,… tổ chức hội nghị, tập huấn, phổ biến cho cộng đồng ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến chống khai thác IUU”.

Với phương thức, cách làm linh hoạt, đến nay, toàn tỉnh có 100% tàu cá chiều dài 15 m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các quy định về ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản. Ngoài ra, tàu khi ra/vào cảng đều thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký với Tổ IUU cũng như trạm kiểm soát Biên phòng địa phương. Tàu cá khi đăng kiểm đều được đánh dấu theo đúng quy định, các thiết bị giám sát bị hư hỏng, lỗi mạng đều đã được khắc phục. Một số tàu mất kết nối ngoài khơi cũng thực hiện báo cáo vị trí tọa độ 6 tiếng một lần về Cục Thủy sản.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tàu cá đang hoạt động trên biển

Việc gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) không chỉ góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” nhiều năm qua cho các mặt hàng thủy, hải sản xuất khẩu của cả nước, mà còn được xem là đợt lập lại trật tự trong công tác quản lý khai thác biển tại Sóc Trăng. Đây cũng là hướng đi quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển nghề cá tỉnh nhà một cách bền vững, hiện đại. Chính vì vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai công tác phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định một cách bài bản, quyết liệt theo đúng yêu cầu, nhiệm vụ của Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư.

Trong đó, chú trọng nêu gương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và phê phán, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nếu có. Tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân về mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển thủy sản bền vững. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp đã ký kết với các tỉnh ven biển và lực lượng chức năng nhằm quản lý, kiểm soát tàu cá hoạt động trong vùng biển của tỉnh theo đúng quy định.

Tỉnh sẽ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ 100% tàu thuyền xuất/ nhập cảng, để thực hiện bước đầu tiên là đảm bảo kiểm soát ngay từ trong bờ, tàu thuyền đủ điều kiện mới được phép hoạt động trên biển. Các tàu phải đảm bảo duy trì tốt tín hiệu giám sát hành trình. Khi hoạt động trên biển, phải ghi chép đầy đủ nhật ký khai thác và khi cập bến thì nhật ký đó phải tương đồng với sản lượng hàng hóa qua cảng.

Riêng với tỉnh Sóc Trăng, sự ra đời của Chỉ thị 32-CT/TW còn là trợ lực quan trọng để tỉnh vừa thực hiện hiệu quả mục tiêu hiệp sức cùng các tỉnh, thành ven biển sớm tháo gỡ “án phạt” của Ủy ban Châu (EC), vừa khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển của một địa phương sở hữu đến 72 km chiều dài bờ biển; góp phần duy trì tốt tốc độ tăng trưởng kinh tế đối với ngành hàng mũi nhọn của tỉnh, cả ở lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến. Từng bước hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong các nghị quyết, chủ trương của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 20245; các quy hoạch, chiến lược, chương trình quốc gia liên quan đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngành thủy sản. Quan trọng là duy trì sinh kế, nâng cao đời sống cho cộng đồng ngư dân vùng ven biển theo đúng mục tiêu cốt lõi của Ban Bí thư đã đề ra.

Ngọc Thúy (soctrang.dcs.vn)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác