Sóc Trăng: sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt gần 29 nghìn tấn (27-07-2022)

Theo Chi cục thủy sản Sóc trăng, sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 28.858 tấn. Trong đó, khai thác biển là 27.199 tấn, khai thác nội địa là 1.659 tấn, đạt 42,8% kế hoạch chỉ tiêu khai thác biển của tỉnh.
Sóc Trăng: sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt gần 29 nghìn tấn
Ảnh minh họa

Trong tháng 6/2022 giá dầu và nguyên liệu tăng đột biến, tàu cá nằm bờ khoảng 40% chủ yếu đội tàu lưới kéo đơn, nghề vây và rê hoạt động tương đối có hiệu quả. Hiện nay các tàu cá bắt đầu đi khai thác lại, dự kiến sản lượng khai thác trong tháng 7 và các tháng tiếp theo sẽ tăng trở lại.

Theo thống kê, tổng số tàu thuyền trong tỉnh hiện nay là 998 tàu, với tổng công suất 201.108 CV, trong đó tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động vùng khơi là 337 chiếc, công suất 174.807 CV. Đến nay đã có 337/337 Số lượng tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt tỷ lệ 100%.

Cơ quan chức năng đã thực hiện 06 lượt tuần tra, kiểm tra, giám sát tàu cá hoạt động trên biển; kiểm tra 70 tàu cá trong và ngoài tỉnh đang hoạt động trên biển, lập biên bản 02 trường hợp, đang xác minh để xử lý theo quy định hiện hành. Triển khai phương án quản lý, kiểm soát tàu thuyền; kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập cảng; tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển tập trung nhiều tàu cá khai thác hải sản; ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

 Tổ kiểm soát nghề cá tại cảng (tổ IUU) thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát  24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần đối với các tàu cá ra, vào cảng. Trong 6 tháng đầu năm đã kiểm 1.432 lượt tàu cá cập, rời cảng đối với tàu cá trong và ngoài tỉnh, phần lớn tàu cá đủ điều kiện xuất bến và cập bến, trong đó 167 lượt tàu cập cảng và 1.265 lượt tàu rời cảng. Thực hiện thanh tra, kiểm tra 08 cuộc/19 lượt, 100 cơ sở và tàu cá, ban hành 10 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 184.100.000 đồng.

Bên cạnh đó, đã lồng ghép tuyên truyền trực tiếp cho 1.432 lượt cho chủ tàu và thuyền trưởng khi đến làm giấy ra, vào cảng và 04 phóng sự về điều kiện đảm bảo an toàn cho người và tàu cá đang hoạt động, về chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU, cấp phát hơn 600 tài liệu bướm. Tiếp tục thông báo trên Đài phát thanh huyện Trần Đề, Ban quản lý cảng cá Trần Đề về việc đề nghị các chủ tàu cá nhanh chóng khắc phục tình trạng tàu các mất kết nối với máy giám sát hành trình.

Tham mưu tổ chức lễ mít-tinh và thả 4,3 triệu con sú giống và cua giống về biển để tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam 01/4. Phối hợp Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm, UBND xã Long Bình, Ba Trị sự Hưng Long Tự tổ chức Lễ phát động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, qua đó đã tuyên truyền về ý nghĩa hoạt động tái tạo nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản, trong dịp này Chi cục Thủy sản đã mua 30.000 con cá lóc đồng giống, 50 kg cá rô đồng giống và vận động được 15 kg cá rô giống từ phật tử ấp Tân Trung xã Long Bình thả về tự nhiên, tương đương khoảng 40.000 con giống,..

Nhìn chung, tình hình thời tiết trong 06 tháng đầu năm 2022 diễn biến thuận lợi, không ảnh hưởng đến mùa vụ khai thác của bà con ngư dân. Tuy nhiên, đội tàu lưới kéo, lưới rê khai thác sản lượng thấp, tàu nghề lưới vây có sản lượng cao. Còn nhiều tàu cá nằm bờ do thiếu lao động nghề cá, giá dầu tăng quá cao ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác hải sản trên biển. Vẫn còn một bộ phận nhỏ ngư dân chưa nhận thức được việc chấp hành các quy định trong việc ghi nhật khai thác, báo cáo khai thác, dánh dấu tàu cá, thiết bị VMS bị mất kết nối…cũng ảnh hưởng đến công tác quản lý.

Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm 2022, Chi cục Thủy sản phối hợp với Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan hỗ trợ ngư dân trong quá trình hoạt động sản xuất trên biển. Tổ chức tuyên truyền các quy định mới của Luật Thủy sản 2017 và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. Thường xuyên theo dõi các tàu cá hoạt động qua phần mềm quản lý giám sát hành trình, lập hồ sơ thông tin kịp thời đến ngư dân đối với những trường hợp tàu mất kết nối, không báo cáo vị trí. Nghiên cứu, cập nhật các thông tin chuyên ngành thủy sản để phát triển hoạt động khai thác xa bờ, ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác xa bờ, thúc đẩy nghề cá theo hướng hiện đại, đảm bảo bền vững.

Công tác quản lý khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản, tiếp tục phối hợp BQL Cảng cá Trần Đề hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện xác nhận và chứng nhận thủy sản khai thác theo quy định. Tiếp tục tuyên truyền vận động ngư dân chấp hành quy định giữ gìn vệ sinh trên tàu cá; tổ chức thực hiện kế hoạch công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại 6 xã trọng điểm; kế hoạch thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản nội đồng, khảo sát đánh giá hiện trạng khai thác nghêu, thực hiện đồng quản lý nghề cá ven bờ năm 2022,..

Tiếp tục phối hợp các đơn vị cung cấp thiết bị VMS kiểm tra và khắc phục lỗi mất kết nối các tàu cá đã về bờ và phối hợp tham mưu xử lý tàu cá cải hoán không có văn bản chấp thuận và thực hiện duy trì điều kiện cơ sở đăng kiểm tàu cá;.. tiếp tục duy trì kiểm tra, kiểm soát trên biển, tại cảng cá và bến cá, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU.

Tăng cường công tác tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017, các Chỉ thị và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Thường xuyên thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú để cộng đồng ngư dân ven biển, các tổ chức, cá nhân và thành phần kinh tế có liên quan biết và chủ động thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác IUU, đáp ứng các quy định, thông lệ của quốc tế, đặc biệt là các văn bản liên quan đến việc chống khai thác IUU. Ngoài ra, tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài,..

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác