Hội nghị trực tuyến FAO khu vực Châu Á- Thái Bình Dương lần thứ 35 (07-09-2020)

Từ ngày 1 – 4/9/2020 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến FAO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 35 (APRC35). Hơn 400 đại biểu đến từ 46 quốc gia trong khu vực đã tham dự Hội nghị trực tuyến. Tổng Giám đốc FAO, Chủ tịch Hội đồng FAO, Chủ tịch Uỷ ban An ninh lương thực FAO và nhiều quan chức cao cấp của FAO và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã thay mặt Thủ tướng Vương quốc Bhutan phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng APRC35.
Hội nghị trực tuyến FAO khu vực Châu Á- Thái Bình Dương lần thứ 35

Hội nghị APRC35 tập trung thảo luận về tác động của Covid-19 đến lương thực và nông nghiệp ở Châu Á – TBD; hiện trạng nông nghiệp, những cơ hội và thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đại dịch; dinh dưỡng, thực phẩm an toàn; hệ thống nông nghiệp bền vững; và những nội dung các thành viên và FAO cần ưu tiên hợp tác nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Trong hai ngày đầu tiên, từ ngày 1-2/9/2020 đã diễn ra Hội nghị APRC35 của các Quan chức cao cấp. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về tác động của đại dịch Covid-19 đến lương thực và nông nghiệp: FAO ước tính khoảng 83 – 132 triệu người trên thế giới bị đói và khoảng 6,7 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng năm. Nhiều nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bị tác động nặng nề của đại dịch Covid-10: chuỗi cung ứng lương thực bị đứt gãy; sản xuất lương thực, an ninh lương thực bị ảnh hưởng, đời sống của người dân nông thôn, đặc biệt cuộc sống của những đối tượng yếu thế, những người dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng nặng nề... Các nước và FAO cũng chia đã chia sẻ những hoạt động để ứng phó và khắc phục hậu quả do Covid-19 gây ra cho ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, các đại biểu thảo luận về hiện trạng nông nghiệp và lương thực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó tập trung vào triển vọng trong tương lai và các vấn đề mới nổi, góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trước thánh thức của nguồn lực suy giảm, nhất là thách thức của các hiện tượng thời tiết cực đoan và dịch bệnh. Các nước đã đề nghị FAO hỗ trợ kỹ thuật về chính sách để phát triển bền vững nông, lâm, thủy sản và hệ thống lương thực; các giải pháp dài hạn để khắc phục hậu quả của Covid-19 và phòng tránh những đại dịch trong tương lai, dịch bệnh xuyên biên giới; thúc đẩy cơ giới hóa, thương mại, đa dạng hóa cây trồng và đầu tư nông nghiệp thích ứng với BĐKH; giảm tổn thất và thất thoát sau thu hoạch; ứng dụng những sáng kiến và áp dụng công nghệ trong sản xuất và chuyển đổi hệ thống lương thực.

  Ngoài ra, Hội nghị còn thảo luận về quản lý sử dụng nước cho nông nghiệp trong điều kiện khan hiếm nước ngày càng gia tăng. Tình trạng khan hiếm nước và giảm nguồn nước ngầm ngày càng gia tăng, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sản xuất lương thực. Các nước đề nghị FAO ứng dụng công nghệ trong quản lý tài nguyên nước, xây dựng dữ liệu về nguồn nước và chương trình khu vực về nước (water scarity programme) để nguồn tài nguyên này được minh bạch và được quản lý, sử dụng bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Nâng cao khả năng chống chịu của nghề cá quy mô nhỏ để đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng ở các nước trong khu vực. Các bên đã đề nghị FAO: Hỗ trợ lồng ghép sản phẩm thủy sản như là một nguồn thực phẩm lành mạnh trong kế hoạch đảm bảo dinh dưỡng và an ninh lương thực; tăng khả năng chống chịu và đẩy mạnh quản lý liên ngành cho thủy sản; thúc đẩy lập kế hoạch và quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên; hỗ trợ tăng cường khả năng chống chịu của nghề cá quy mô nhỏ trước thiên tai, rủi ro khác và biến đổi khí hậu; hỗ trợ kỹ thuật để giải quyết các vấn đề nghề cá thông qua tiếp cận hệ thống và chuỗi giá trị thực phẩm; thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong toàn chuỗi giá trị, đảm bảo bình đẳng giới và sự tham gia gia các nhóm dễ bị tổn thương; chuyển đổi bền vững  từ nghề khai thác ven bờ, đầm phá quy mô nhỏ sang khai thác đại dương, cá nổi quy mô nhỏ; hỗ trợ thực hiện các chính sách và mục tiêu của khu vực và quốc tế đối với nghề cá ven bờ nhằm hỗ trợ quản trị và quản lý nghề cá quy mô nhỏ, bao gồm hỗ trợ chống khai thác IUU.

Ngày 3 và 4 Hội nghị cấp Bộ trưởng APRC35 đã được diễn ra dưới sự chủ tọa của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Bhutan. Các đại biểu tập trung về việc khôi phục hệ thống lương thực do tác động của đại dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu không còn nạn đói (Zero Hunger); Chia sẻ và đề xuất các hoạt động ưu tiên của quốc gia và FAO khu vực; Xem xét báo cáo kết qủa hoạt động của FAO khu vực từ APRC34 cho đến nay; và thảo luận về “Thúc đẩy sáng tạo và nông nghiệp số để đáp ứng với các mục tiêu phát triển bền vững (SDG)”.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm Trưởng đoàn, với các thành viên của Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Thủy lợi, Vụ Hợp tác quốc tế và Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT. Tại Hội nghị, Thứ trưởng đã chia sẻ về những thách thức và các ưu tiên của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay và đề nghị FAO, nhà tài trợ và các đối tác hợp tác, giúp Việt Nam: i) hoàn thiện thể chế chính sách, cùng với các giải pháp công nghệ sáng tạo hỗ trợ thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và PTNT theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; ii) huy động các nguồn lực tài chính, kỹ thuật để thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp bền vững và bao trùm tại Việt Nam,  trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp; iii) tăng cường chia sẻ thông tin và hợp tác Nam-Nam và hợp tác khu vực để thúc đẩy việc áp dụng những cách tiếp cận mới về hệ thống lương thực bền vững, một sức khỏe, cảnh quan nông nghiệp bền vững, nông nghiệp thông minh…

Hội nghị cũng đã thông qua địa điểm cuộc họp Hội nghị FAO khu vực Châu Á – TBD lần thứ 36 sẽ được tổ chức tại Bangladesh vào năm 2020.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác