Lào Cai: Thực hiện bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản năm 2020 (02-04-2020)

Ngày 18 tháng 02 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch năm 2020, tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, hướng đến nghề cá có trách nhiệm và bền vững, đảm bảo đúng theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Lào Cai: Thực hiện bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản năm 2020
Ảnh minh họa

Thực trạng nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Lào Cai có mạng lưới sông, suối, hồ chứa tương đối nhiều, đặc biệt 02 con sông lớn là sông Hồng và sông Chảy có ảnh hưởng đến chế độ thủy văn của tỉnh. Trên hệ thống sông, suối, hồ chứa này, có rất nhiều loài thủy sản quý hiếm, giá trị kinh tế cao (như: cá chiên, cá lăng, cá bỗng). Bên cạnh đó, còn có các bãi đẻ tự nhiên nằm trong hệ thống bãi đẻ Quốc gia (như: Ngòi Nhù, Ngòi Bo, Ngòi Đum, bãi Soi Cờ). Tất cả đều là những điều kiện thuận lợi cho các loài thủy sản sinh sản, bảo tồn và phát triển; phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển thủy sản, khai thác thủy sản ở các lưu vực sông, suối, hồ chứa.

Nguồn lợi thủy sản tự nhiên và khu hệ cá phân bố trên các loại thủy vực tự nhiên ở Lào Cai tương đối phong phú. Đến nay, chưa có dự án nghiên cứu điều tra về thành phần các loài giáp xác và các loài nhuyễn thể, nhưng đã có một số đề tài nghiên cứu về khu hệ cá của hệ thống sông Hồng, sông Chảy và các thủy vực tự nhiên. Theo kết quả nghiên cứu, hệ thống sông Hồng, sông Chảy có trên 120 loài, thuộc 10 bộ, trong đó phần lớn thuộc họ cá Chép (Cypriniformes), bộ cá Vược (Percifomes), bộ cá Nheo (Siluniformes). Về tính chất của khu hệ cá, có nhiều nét độc đáo: Trong số hơn 120 loài có 07 loài là cá nhập nội vào nuôi và đã phát tán ra sông (thuộc nhóm cá Trôi Ấn Độ); 116 loài là cá nguồn gốc địa phương (cá Việt Nam), trong đó 13 loài cá quý hiếm (như: cá Chiên, cá Bỗng, cá Lăng, cá Chày đất, cá Hoa, cá Thần, cá Rầm xanh, cá Anh vũ, cá Chày chàng, Chạch chấu, Rầm vàng, cá Sỉnh, cá Mỡ).

Một số loài cá đẻ tự nhiên trên sông thuộc địa phận tỉnh Lào Cai. Khu vực cầu Cốc Lếu (thành phố Lào Cai), Ngòi Bo, Ngòi Nhù (huyện Bảo Thắng) là bãi đẻ tự nhiên của cá Chiên; bãi Sọi Cờ (huyện Bảo Thắng) là bãi đẻ của cá Trắm, cá Bỗng; các bờ lau sậy ven sông Hồng là bãi đẻ của cá Trôi, cá Chép... Tuy nhiên sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh Lào Cai những năm gần đây không cao, do nguồn nước bị suy giảm chất lượng, các vùng nước gần khu dân cư và khu công nghiệp bị ô nhiễm; người dân làm nghề khai thác thủy sản mang tính tự phát, nhỏ lẻ, không theo quy hoạch; đặc biệt còn khai thác vào mùa vụ sinh sản của cá nên giảm đáng kể nguồn lợi thủy sản.

Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Tại Lào Cai, sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên trên sông, suối còn thấp. Năm 2019, tổng sản lượng khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 90 tấn. Việc quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên chưa chặt chẽ, hình thức đánh bắt có tính hủy diệt cao (như: kích điện, ruốc cá, nghề lưới mắt nhỏ, khai thác cá trong mùa sinh sản) còn phổ biến. Hiện nay, diện tích hồ chứa đã và đang tăng đáng kể (do một số hồ thủy điện được đưa vào khai thác) đòi hỏi công tác quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên phải có định hướng và giải pháp tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả.

Trong những năm gần đây, với mục tiêu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi, nuôi trồng thủy sản. Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước đã được các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quan tâm; chất lượng giống thủy sản đã đáp ứng được các yêu cầu sản xuất hàng hóa. Sản lượng thủy sản nhờ đó tăng nhiều lần so với những năm trước.

Mục đích chính của Kế hoạch năm 2020

Lào Cai thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng đến cộng đồng dân cư sinh sống trong lưu vực hồ chứa (đặc biệt các hộ dân làm nghề khai thác thủy sản các bãi đẻ, đường di cư sinh sản của các loài thủy sản) để họ hiểu và thực hiện hành vi khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, khuyến khích, huy động các nguồn lực tham gia vào hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản thông qua các tổ chức, cá nhân, các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống trên địa bàn.

Bảo vệ, bảo tồn đa dạng thủy sinh vật (đặc biệt là các loài quý hiếm, có giá trị kinh tế). Bảo vệ cảnh quan môi trường và hệ sinh thái thủy sinh trên địa bàn tỉnh, trọng tâm các loại hình mặt nước thuộc lưu vực 02 dòng sông Hồng, sông Chảy và các hồ chứa. Phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản trong các lưu vực sông và hồ chứa. Đồng thời, kết hợp giữa bảo vệ nguồn lợi thủy sản với phát triển tổng thể kinh tế, bảo vệ môi trường tài nguyên thủy sinh vật và lợi ích của các ngành và địa phương trong tỉnh nhằm: Tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các các thủy vực, nâng cao mật độ thủy sản tự nhiên ở các thủy vực, nâng cao mức sống cho người dân sống ven sông, hồ.

Bên cạnh đó, nâng cao ý thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho cộng đồng (thông qua các lớp tập huấn, tài liệu tuyên truyền); Xây dựng mạng lưới thông tin dữ liệu về bảo vệ nguồn lợi thủy sản từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các cơ sở. Nâng cao thu nhập cho nhân dân trong khu vực sông, hồ (thông qua quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn thủy sản tại các sông, hồ này).

Triển khai Kế hoạch

Trong năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai sẽ phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lào Cai, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh; báo cáo kết quả triển khai thực hiện các cơ quan, đơn vị liên quan theo quy định. Hướng dẫn kỹ thuật cho các cán bộ quản lý nhà nước về thủy sản cấp huyện, xã; tập huấn kỹ thuật cho cán bộ, người dân trong phạm vi sông, hồ cần bảo vệ, tái tạo nguồn lợi. Đặc biệt, huy động tối đa nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tham gia bổ sung nguồn lợi thủy sản trên các sông, hồ.

Về phía Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, tiến hành chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trong phạm vi lưu vực sông, hồ lớn; Tổ chức tuyên truyền, tập huấn về các văn bản quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thủy sản đến tất cả các cán bộ làm công tác chuyên môn của huyện, xã và các hộ nuôi trồng, khai thác thủy sản (đặc biệt là văn bản quản lý và khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản). Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý nhà nước đối với giống thủy sản (đặc biệt quản lý, khai thác đối với các loài quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng và bảo vệ nguồn lợi tại các lưu vực sông, hồ). Bên cạnh đó, định hướng người dân đưa các quy tắc về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành quy ước, hương ước của thôn, bản. Tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (theo quy định của Luật Thủy sản 2017). Xử lý nghiêm các trường hợp khai thác thủy sản không theo quy định của pháp luật (Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt hành chính lĩnh vực thủy sản).

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác