Bốn nhóm thủy sản có giá trị cao (cá ngừ, tôm hùm, tôm và nhuyễn thể chân đầu) đạt kỷ lục sản lượng mới trong năm 2014. Tổng sản lượng cá ngừ và các loài giống cá ngừ đạt gần 7,7 triệu tấn. Tây Bắc Thái Bình Dương vẫn là khu vực đạt sản lượng cao nhất của nghề khai thác, tiếp theo là Trung Tây Thái Bình Dương, Đông Bắc Đại Tây Dương và Đông Ấn Độ Dương. Ngoại trừ khu vực Đông Bắc Đại Tây Dương thì các khu vực này đều có sự gia tăng về sản lượng so với mức trung bình của giai đoạn 2003-2012. Khu vực Địa Trung Hải sản lượng đã giảm 1/3 từ năm 2007, chủ yếu là do sản lượng các loài cá nổi nhỏ giảm, như cá cơm, cá mòi nhưng làm ảnh hưởng đến hầu hết các nhóm loài. Năm 2014, sản lượng thủy sản nước ngọt trên toàn thế giới đạt khoảng 11,9 triệu tấn, tiếp tục xu hướng tích cực, thập kỷ trước đã tăng 37% . 16 quốc gia có sản lượng thủy sản nước ngọt hàng năm vượt 200.000 tấn và chiếm 80% tổng sản lượng thủy sản nước ngọt trên thế giới. Năm 2014, sản lượng của nghề nuôi trồng thủy sản là 73,8 triệu tấn, ước tính doanh thu đạt 160,2 tỷ USD, trong đó: 49,8 triệu tấn cá có vây (99,2 tỷ USD), 16,1 triệu tấn nhuyễn thể (19 tỷ USD), 6,9 triệu tấn giáp xác (36,2 tỷ USD) và 7,3 triệu tấn các loài thủy sản khác như lưỡng cư (3,7 tỷ USD). Năm 2014, Trung Quốc đạt 45,5 triệu tấn, chiếm hơn 60% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn thế giới. Các nước tiếp theo là Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh và Ai Cập. Bên cạnh đó, nghề nuôi trồng thủy sản còn đạt 27,3 triệu tấn thực vật thủy sinh (5,6 tỷ USD). Nuôi trồng thực vật thủy sinh, chủ yếu là tảo biển, đang phát triển nhanh và hiện được trồng ở 50 quốc gia. Các loài nuôi không cần cho ăn đóng vai trò quan trọng về mặt môi trường và an toàn thực phẩm, chiếm khoảng ½ sản lượng nuôi trồng thủy sản cuả thế giới là gồm: cá mè, các loài động vật ăn lọc (như: nhuyễn thể hai mảnh vỏ) và các loài tảo biển. Tuy nhiên, sự gia tăng sản lượng của các loài được cho ăn có thể nhanh hơn so với các loài không được cho ăn.
Lao động trong nghề cá
Năm 2014, ước tính có 56,6 triệu người tham gia vào nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản trực tiếp, trong đó có 36% tham gia toàn thời gian và 23% bán thời gian, số còn lại thỉnh thoảng tham gia hoặc tình trạng không xác định. Tiếp theo một thời gian dài có xu thế gia tăng, những con số này vẫn duy trì khá ổn định từ năm 2010, trong khi tỷ lệ người lao động tham gia vào ngành nuôi trồng thủy sản tăng từ 17% năm 1990 lên 33% năm 2014. Năm 2014, 84% lao động tham gia nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản trên thế giới là người Châu Á, tiếp đến là Châu Phi (10%), Mỹ Latinh và Caribe (4%). Năm 2014, phụ nữ chiếm 19% số lao động trực tiếp tham gia vào khai thác và nuôi trồng thủy sản, nhưng lại chiếm khoảng ½ lực lượng lao động gián tiếp (như: chế biến và kinh doanh thủy sản).
Tàu thuyền
Năm 2014, tổng số tàu thuyền khai thác thủy sản trên thế giới ước tính đạt 4,6 triệu chiếc, tương đương với số liệu năm 2012. Số lượng tàu thuyền ở Châu Á cao nhất, gồm 3,5 triệu chiếc và chiếm 75% tổng số tàu thuyền khai thác thủy sản trên toàn thế giới, tiếp đến là Châu Phi (15%), Mỹ Latinh và Caribe (6%), Bắc Mỹ (2%) và Châu Âu (2%). Theo báo cáo, năm 2014 toàn thế giới có 64% tàu thuyền được lắp máy, trong đó 80% thuộc châu Á, các khu vực còn lại chiếm dưới 10%. Năm 2014, khoảng 85% tàu thuyền lắp máy trên thế giới có tổng chiều dài nhỏ hơn 12m, và số lượng tàu thuyền nhỏ này chiếm đa số ở tất cả các khu vực. Ước tính số lượng tàu có chiều dài từ 24m trở lên khai thác cá biển năm 2014 khoảng 64000 chiếc, bằng năm 2012.
Nhìn chung, tình trạng nghề cá biển trên thế giới không có cải thiện mặc dù có sự phát triển đáng chú ý ở một vài khu vực. Theo báo cáo đánh giá phân tích của FAO về sản lượng nghề cá thương phẩm, mức sản lượng bền vững sinh học đã giảm từ 90% năm 1974 xuống 68,6% năm 2013. Vì vậy, 31,4% trữ lượng cá được đánh giá là bị khai thác ở mức không bền vững về mặt sinh học và bị khai thác quá mức. Tổng trữ lượng cá được đánh giá năm 2013, trữ lượng cá được khai thác đủ chiếm 58,1% và trữ lượng khai thác dưới mức là 10,5%. Trữ lượng khai thác dưới mức giảm liên tục từ năm 1974 đến năm 2013, nhưng trữ lượng khai thác đủ giảm từ năm 1974 đến năm 1989, và sau đó tăng lên 58,1% trong năm 2013. Theo đó, tỷ lệ trữ lượng được khai thác ở mức không bền vững về mặt sinh học tăng lên, đặc biệt là cuối những năm 1970 và 1980, từ 10% năm 1974 lên 26% năm 1989. Sau năm 1990, trữ lượng loài bị khai thác ở mức không bền vững tiếp tục tăng lên, mặc dù tăng chậm hơn. Năm 2013, 10 loài năng suất nhất chiếm 27% sản lượng nghề khai thác cá biển trên toàn thế giới. Tuy nhiên, phần lớn trữ lượng các loài này được khai thác đủ mà không có khả năng tăng sản lượng; phần còn lại bị khai thác quá mức và gia tăng sản lượng chỉ có thể đạt được sau khi phụ hồi nguồn lợi thành công.
Sản lượng thủy sản dùng làm thực phẩm
Phần sản lượng thủy sản trên toàn thế giới được sử dụng cho mục đích tiêu thụ trực tiếp của con người tăng đáng kể trong các thập kỷ gần đây, từ 67% trong những năm 1960 lên 87% (tương đương 146 triệu tấn) trong năm 2014. Còn lại 21 triệu tấn được dành cho các sản phẩm phi thực phẩm (non-food products), trong đó 76% được giảm cho bột cá và dầu cá năm 2014, còn lại sử dụng cho các mục đích khác như nguyên liệu thô làm thức ăn trực tiếp trong nuôi trồng thủy sản. Sử dụng các sản phẩm phụ (by-products) đang dần trở thành một ngành công nghiệp quan trọng, tập trung vào việc xử lý các sản phẩm này theo cách vệ sinh, an toàn và được kiểm soát, và để giảm thiểu lãng phí.
Năm 2014, 46% (67 triệu tấn) cá dành cho tiêu thụ trực tiếp của con người là ở dạng tươi sống hoặc đông lạnh, các dạng sản phẩm này được ưa chuộng và có giá cao ở một số thị trường. Phần sản lượng còn lại dành cho mục đích để ăn được chế biến ở các dạng khác nhau, trong đó 12% (17 triệu tấn) ở dạng khô, ướp muối, xông khói hoặc các dạng khác, 13% (19 triệu tấn) ở dạng sơ chế và đóng hộp, và 30% (khoảng 44 triệu tấn) ở dạng đông lạnh. Đông lạnh là phương pháp chính trong chế biến thủy sản phục vụ tiêu thụ của con người, chiếm 55% tổng lượng chế biến phục vụ tiêu thụ của con người và 26% tổng sản lượng cá năm 2014.
Bột cá và dầu cá
Bột cá và dầu cá vẫn được xem là thành phần có nhiều dinh dưỡng nhất và dễ tiêu hóa trong thức ăn nuôi thủy sản. Để bù lại giá cao, do nhu cầu thức ăn nuôi thủy sản gia tăng nên lượng bột cá và dầu cá được dùng trong hỗn hợp thức ăn nuôi thủy sản thể hiện chiều hướng giảm, với mục tiêu được sử dụng mang tính chọn lọc như các thành phần chiến lược có hàm lượng thấp hơn và dành cho từng giai đoạn nuôi cụ thể, đặc biệt là thức ăn cho giai đoạn ương nuôi, con giống và chuẩn bị thu hoạch.
Vũ Hậu (Theo http://www.fao.org)