Đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp (30-06-2020)

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm.
Đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp
Ảnh minh họa

Bộ đã ban hành 01 Chỉ thị về tăng cường phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ (số 117/CT-BNN-BVTV ngày 07/01/2020), 02 Kế hoạch (hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020, triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới), 01 Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ (Quyết định số 1802/QĐ-BNN-QLCL ngày 22/5/2020); tổ chức 09 Hội nghị, cuộc họp trực tuyến triển khai các biện pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn duy trì ổn định sản xuất nông lâm thủy sản đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Việc phổ biến, vận động, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp quy mô nhỏ áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thực hành sản xuất tốt (GMP), HACCP trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản được các địa phương chú trọng. Tính đến 20/6/2020 theo báo cáo từ địa phương, cả nước đã có 603 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích nuôi trồng thủy sản là 6.363 ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng gấp 1,2 lần năm 2019).

Bên cạnh đẩy mạnh thông tin, phổ biến về chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, Bộ cũng đã chỉ đạo tăng cường giám sát, cảnh báo, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) đảm bảo tính răn đe, cụ thể: Tổ chức lấy mẫu giám sát đối với các sản phẩm chủ lực, tiêu dùng  nhiều, nguy cơ cao, kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất xử lý 07/1.054 mẫu thủy sản nuôi và thủy sản chế biến vi phạm chỉ tiêu ATTP (chiếm 0,67%) giảm so với cùng kỳ năm 2019 (1,42%).Trước tình hình tỷ lệ vi phạm giảm nhưng còn ở mức cao, Bộ đã yêu cầu Tổng cục Thủy sản, các Cục chuyên ngành chỉ đạo tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, đặc biệt tại khâu buôn bán, lưu thông, sử dụng sản phẩm vật tư nông nghiệp trong nuôi trồng thủy sản.

Các địa phương tổ chức thẩm định, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản: đến tháng 6/2020, các địa phương đã thực hiện thẩm định đánh giá phân loại và định kỳ 1851 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, trong đó 1801 cơ sở được xếp loại A, B (chiếm 97%, giảm so với cùng kỳ năm 2019 (98%)); thực hiện thẩm định lại 06/50 cơ sở loại C (chiếm 12%, giảm so với cùng kỳ năm 2019 (17%)); kết quả 06 cơ sở lên hạng A, B (chiếm 100%, tăng hơn cùng kỳ năm trước (83%)).

Mặc dù do dịch bệnh Covid, số lượng cơ sở được thanh, kiểm tra theo kế hoạch có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tỷ lệ cơ sở bị phát hiện vi phạm tăng hơn so với năm 2019, cụ thể: theo báo cáo của các Tổng Cục, Cục chuyên ngành và 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ đầu năm đến nay toàn Ngành nông nghiệp đã kiểm tra 29.200 cơ sở, xử phạt hành chính 1.740 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản (chiếm 5,9%), tăng hơn 06 tháng đầu năm 2019 (5,7%)).

Trước tình hình dịch Covid -19, Bộ NN&PTNT đã giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nông lâm thủy sản tại các thị trường trọng điểm: Nhật Bản chấp nhận nhập khẩu vải của Việt Nam, Trung Quốc đã chấp thuận bổ sung 05 cơ sở bao gói và 62 cơ sở nuôi tôm sú/thẻ chân trắng; 05 cơ sở bao gói và 55 cơ sở nuôi tôm hùm, cua sống của Việt Nam; EU chấp thuận bổ sung 02 vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ mới; Liên bang Nga chấp thuận bổ sung 03 doanh nghiệp Việt Nam vào danh sách được phép xuất khẩu...; đồng thời đã chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc, EU, Qatar, Hàn Quốc, Hoa Kỳ....; hoàn thiện hồ sơ bổ sung cho Ả rập xê út, chuẩn bị đón tiếp đoàn thanh tra EU sang kiểm tra IUU, đoàn thanh tra Hoa Kỳ sang kiểm tra tương đương xuất khẩu cá da trơn...

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao cho cán bộ quản lý chất lượng ATTP trong toàn ngành được chú trọng. Toàn Ngành đã tổ chức 55 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản (lấy mẫu nông sản, thanh tra chuyên ngành, giám sát giết mổ, đảm bảo ATTP...) cho 7.736 lượt cán bộ trung ương và địa phương.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác