Thức ăn chăn nuôi làm từ côn trùng sẵn sàng lên ngôi (30-01-2019)

Trong năm 2018, chúng ta đã chứng kiến việc đầu tư vào công nghiệp sản xuất côn trùng đạt cao hơn 40% so với tổng 4 năm trước cộng lại và ngành này đã bắt đầu đáp ứng tiềm năng phát triển của chúng.
Thức ăn chăn nuôi làm từ côn trùng sẵn sàng lên ngôi
Giá trị đầu tư vào sản xuất côn trùng giai đoạn 2014 - 2018

Vì thế, Beyhan De Jong, nhà phân tích hải sản tại Rabobank, cho rằng sự lớn mạnh của ngành sản xuất côn trùng - đặc biệt dùng trong thức ăn cho nuôi trồng thủy sản - cần được tiếp tục phát triển nhanh chóng.

De Jong lưu ý rằng việc đầu tư vào ngành này đang được quan tâm ưu đãi, các công ty sản xuất ruồi lính đen (black soldier fly - BSF) như: công ty AgriProtein của Anh, Protix của Hà Lan, InnovaFeed và Ynsect (sản xuất bột giun) của Pháp đang nhận được những khoản đầu tư lớn nhất trong năm 2018.

De Jong giải thích: “Các công ty này nổi bật nhờ các mô hình kinh doanh, ví dụ dựa vào việc thiết lập các quan hệ đối tác với các bên có liên quan từ những liên kết khác nhau trong chuỗi giá trị hoặc sự mở rộng nhanh chóng về địa lý và bộ sản phẩm. Các quan hệ đối tác gồm các công ty liên doanh chuyên về kỹ thuật để chế biến, đến việc hợp tác với các siêu thị hàng đầu để bán các sản phẩm protein động vật được làm từ côn trùng. Một vài công ty này cũng đã cho biết rằng họ đã có những đơn đặt hàng trước”.

De Jong lưu ý, mặc dù hiện nay chỉ có một vài tấn protein côn trùng đang được sản xuất ở Châu Âu, nhưng Diễn đàn Quốc tế về Côn trùng dùng làm Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi (the International Platform of Insects for Feed and Food - IPIFF) hy vọng đến năm 2015 sẽ sản xuất được 1,2 triệu tấn do một số nhà máy sản xuất lớn được đưa vào hoạt động.

Để tham gia tốt hơn vào thị trường thức ăn dùng trong nuôi trồng thủy sản, De Jong nhận xét: “các nhà sản xuất cần mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về protein côn trùng, đồng thời giảm chi phí sản xuất để có thể cạnh tranh với bột cá và các sản phẩm thay thế khác. Tuy nhiên, protein côn trùng bổ sung chức năng có thể bán được với giá cao hơn khi dùng trong nuôi hải sản (thực tế chúng làm giảm sự phụ thuộc vào các loại nguyên liệu có nguồn gốc từ biển, hoặc các lợi ích về dinh dưỡng của chúng) - nếu protein côn trùng chức năng phù hợp được sản xuất ổn định và với số lượng lớn hơn”.

De Jong cho biết rằng, cũng như cải thiện khả năng tiếp cận vốn đầu tư, ngành sản xuất côn trùng “có thể phát triển nhanh hơn nữa nếu các rào cản pháp lý được gỡ bỏ”. Sản xuất côn trùng của EU đang gặp rắc rối, bởi thực tế là EU có quy định riêng áp dụng đối với sản xuất và đưa ra thị trường các loại côn trùng làm thực phẩm hoặc làm thức ăn chăn nuôi, trong khi thức ăn cần thiết để nuôi côn trùng lại được điều chỉnh bởi một loại quy định khác.

“Kể từ tháng 7/2017, các quy định của EU cho phép protein côn trùng được có mặt trong thức ăn dùng trong nuôi trồng thủy sản. Ngành này hy vọng rằng protein côn trùng cũng sẽ được phép sử dụng trong thức ăn cho lợn và gia cầm vào giữa năm 2019, đồng thời trong hai năm tới, phạm vi của các chất được phép dùng trong thức ăn chăn nuôi sẽ được mở rộng hơn nữa. Thật khó để đánh giá khi nào những cải cách này sẽ biến thành luật, nhưng khi chúng xảy ra, chúng tôi hy vọng việc sản xuất côn trùng sẽ phát triển, thậm chí còn với tốc độ nhanh hơn”, De Jong kết luận.

Anh Chi (Theo The Fish Site)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác