Ngư trường, nguồn lơi và dự báo ngư trường
Ngư trường, nguồn lợi là những đặc trưng cơ bản của nghề khai thác hải sản; việc ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến phù hợp với ngư trường, nguồn lợi là điều kiện hỗ trợ khai thác hải sản an toàn, hiệu quả.
Khu hệ cá biển Việt Nam mang đặc điểm của vùng biển nhiệt đới, cận ôn đới. Nguồn lợi hải sản đa loài, vòng đời ngắn, sinh trưởng nhanh, sinh sản quanh năm, phân bố phân tán, tập trung chủ yếu vùng ven bờ và thềm dốc lục địa (khoảng 60% trữ lượng). Hầu hết các loài cá kinh tế có tập tính di cư ngày-đêm, số loài cá nổi di cư xa theo mùa (mùa gió Đông Bắc, từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau; mùa gió Tây Nam, từ tháng 4-10 hàng năm) như: cá ngừ, cá nục, cá trích, ... tạo thành đàn cỡ nhỏ và vừa (bán kính đàn thường <50m). Trong mùa gió Đông Bắc do nhiệt độ thấp nên các đàn cá có xu hướng di cư ra vùng biển sâu hơn. Các đàn cá nổi lớn di cư xa như: cá ngừ đại dương, cá kiếm, cá nục heo, mực xà... phân bố hoặc di cư qua vùng biển xa bờ nước ta với mật độ lớn vào mùa gió Đông Bắc.
Địa hình đáy biển ở các vùng biển nước ta tương đối đồng nhất. Các vùng biển vịnh Bắc Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ có nền đáy mềm, bằng phẳng, ít dốc, độ sâu dưới 150m, tạo điều kiện thuận lợi các các nghề khai thác đáy hoạt động. Vùng biển miền Trung có nền đáy phổ biến cứng, gồ ghề, nhiều rạn, dốc, phù hợp cho một số nghề cá nổi như: lưới vây, lưới rê, câu và lồng bẫy hoạt động.
Dự báo ngư trường được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, thời gian qua công tác dự báo ngư trường bước đầu đã dự báo được theo mùa vụ, hằng tháng; dự báo theo nghề khai thác, loài khai thác.
Tàu cá và trang thiết bị trên tàu
Tàu cá: Đa số tàu cá của chúng ta là tàu vỏ gỗ, cỡ nhỏ, có chiều dài thiết kế dưới 20m, lắp máy công suất dưới 90CV (chiếm khoảng 70%) chủ yếu máy cũ, máy bộ, khả năng chịu đựng sóng gió thấp. Gần đây, nhờ có chính sách của Nhà nước cộng với việc chuyển giao khoa học công nghệ được áp dụng, ngư dân đã mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ gỗ, vỏ thép, vỏ vật liệu mới, có kích thước lớn hơn, có tàu chiều dài toàn bộ lớn hơn 45m và lắp máy công suất lớn (có tàu có tổng công suất lớn hơn 1500CV), khả năng chịu đựng sóng, gió lớn hơn đã được đưa vào hoạt động.
Trang thiết bị: qua thống kê có tới hơn 90% tàu cá được trang bị các máy móc và thiết bị tối thiểu như: tời ma sát, cẩu, là bàn, định vị vệ tinh, máy thông tin liên lạc, hầm cách nhiệt bảo quản sản phẩm; một số tàu lớn hơn, khai thác ở vùng biển xa bờ có trang bị các thiết bị và máy móc hiện đại như: máy dò cá ngang, ra đa, máy thông tin tầm xa, máy thu lưới dẫn động bằng thủy lực,... Sản phẩm khai thác chủ yếu được bảo quản bằng nước đá, một số tàu có thể bán cá tươi ngay trên biển, hoặc phơi khô bằng ánh nắng mặt trời.
Trình độ của ngư dân
Trình độ văn hóa của lao động trên tàu cá thấp, hơn 50% ngư dân có trình độ văn hóa cấp I. Tuy nhiên, họ ở độ tuổi khá trẻ (khoảng 70% ngư dân ở độ tuổi từ 18-40) có kinh nghiệm và khả năng tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Gần đây, tình trạng thiếu lao động đã xảy ra phổ biến ở các địa phương, nên việc ứng dụng KHCN để giảm sức lao động trên tàu cá là cần thiết.
Trong quá trình hoạt động sản xuất, các tàu cá thường được tổ chức thành nhóm để chia sẻ thông tin về ngư trường, thị trường; hỗ trợ, cứu nạn trên biển... Thời gian chuyến biển tùy theo từng nghề và ngư trường khai thác; thời gian chuyến biển của các tàu khai thác ở vùng khơi từ 20-30 ngày; tàu khai thác ở vùng lộng từ 3-7 ngày; tàu khai thác ở vùng ven bờ từ 1-2 ngày.
Phạm Ngọc Tuấn