Chế biến, tiêu thụ thủy sản nội địa - Thực trạng và giải pháp (16-05-2018)

Trong những năm gần đây, chế biến, tiêu thụ thủy sản nội địa có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh về sản lượng cũng như giá trị. Các sản phẩm thủy sản chế biến hết sức phong phú và có thể chia thành các nhóm: thủy sản đông lạnh, thủy sản khô, đồ hộp và nước mắm. Các cơ sở chế biến nội địa (CBNĐ) được phân bố chủ yếu ở các tỉnh, thành phố ven biển và ở các thành phố lớn. Trong số các cơ sở chế biến xuất khẩu (CBXK) cũng có nhiều cơ sở tham gia cả CBNĐ.
Chế biến, tiêu thụ thủy sản nội địa - Thực trạng và giải pháp
Ảnh minh họa

Thực trạng chế biến, tiêu thụ thủy sản nội địa

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong giai đoạn 2013-2017, sản lượng các sản phẩm thủy sản CBNĐ tăng lên từ 478 ngàn tấn lên đến 548 ngàn tấn vào năm 2017, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5,5%/năm. Về giá trị, CBNĐ tăng từ 13.146 tỷ đồng lên đến 20.321tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,00%/năm. Sự gia tăng nhanh về giá trị so với sản lượng là do các sản phẩm thủy sản CBNĐ ngày càng đa dạng về chủng loại, chất lượng ngày một được nâng cao, đồng thời còn do xu thế giá các mặt hàng thủy sản cũng không ngừng tăng cao.

Theo cơ cấu tỷ trọng giá trị các sản phẩm thuỷ sản tiêu thụ nội địa toàn quốc năm 2017, thủy sản đông lạnh chiếm tỷ trọng cao nhất là 36.7%, theo sau là nước mắm 23,7%, mực khô 10,6%, cá khô 10,4%, tôm khô 7,0% mắm các loại 6,0%, các sản phẩm khác 4,0%, đồ hộp 1,60%.

Xét theo cơ cấu sản phẩm CBNĐ năm 2017, thuỷ sản đông lạnh là nhóm sản phẩm quan trọng nhất, tiếp đó là nước mắm, mực khô, cá khô, tôm khô, mắm các loại, các sản phẩm khác và sau cùng là đồ hộp. Tuy nhiên, diễn biến sản lượng và giá trị của các nhóm sản phẩm đều đang ở xu thế chững lại hoặc đi xuống; trừ thủy sản đông lạnh, tôm khô và các loại sản phẩm khác là 3 nhóm sản phẩm có xu thế tăng trưởng tốt trong toàn giai đoạn do sự gia tăng nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng là tôm, cá tra.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT các tỉnh thành phố, năm 2017, toàn quốc có 140 doanh nghiệp và 3.838 cơ sở/hộ gia đình tham gia chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa. Số cơ sở chế biến nước mắm là nhiều nhất gồm 59 DN và 1.441 cơ sở quy mô hộ gia đình, chiếm tương ứng tỷ lệ là 42,1% và 38,6% so với tổng số các doanh nghiệp và hộ CBNĐ toàn quốc. Chế biến nước mắm từ lâu nay vẫn mang tính truyền thống, chủ yếu tập trung ở 2 vùng có sản lượng lớn là Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (Nha Trang, Cam Ranh -Khánh Hòa và Phan Thiết-Bình Thuận) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Phú Quốc, Rạch Giá- Kiên Giang). Đây là những địa phương có sản phẩm khá nổi tiếng trong nước, riêng nước mắm Phú Quốc đã nổi tiếng trên toàn thế giới. 

Số cơ sở CBNĐ thuỷ sản đông lạnh  gồm 33 doanh nghiệp và 70 cơ sở, chiếm tỷ trọng tương ứng 23,6% và 1,1%. Một số DN không chỉ  CBNĐ mà còn là cơ sở chế biến cấp đông nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy CBXK. Ngược lại, một số doanh nghiệp CBXK, nhưng lại chế biến thêm các phụ phẩm và các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn XK để đưa sang thụ nội địa, hoặc có hẳn riêng phân xưởng CBNĐ. Bên cạnh đó có một số doanh nghiệp quy mô công nghiệp thuộc các vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung do không đủ điều kiện CBXK đã tập trung CBNĐ. Một số hộ chế biến ở các vùng ven biển, nơi gần các cảng cá bến cá, từ thu mua thủy sản đã chuyển sang cấp đông để dự trữ cho tiêu thụ nội địa.

Về các cơ sở thu mua, sơ chế, hiện có 17 doanh nghiệp và 967 cơ sở quy mô hộ gia đình, tương ứng chiếm 12,1% và 25,2% so với tổng các doanh nghiệp và cơ sở quy mô hộ gia đình, tham gia thu mua nguyên liệu của các tàu khai thác, các chủ nuôi tôm và cá, sau đó phân phối lại cho các cơ sở sản xuất. Trang thiết bị của cơ sở còn khá đơn giản chỉ là các thùng cách nhiệt, cân, kệ, máy xay đá.… Hiện tại hệ thống này vẫn đóng vai trò quan trọng trong khâu điều hòa nguyên liệu cho CBXK, CBNĐ và tiêu thụ tươi sống, đồng thời cấp vốn (thông qua cấp dầu, thực phẩm, ngư lưới cụ cho các tàu cá) để thu mua hải sản của các tàu, cũng như thu mua tôm của các hộ nuôi nhỏ lẻ; tiến hành phân loại để cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ kể trên. Bên cạnh mặt tích cực, đây cũng là khâu yếu nhất về đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, cả về điều kiện sản xuất và ý thức chấp hành các quy định của luật pháp.

Số cơ sở chế biến hàng khô tiêu thụ nội địa cả nước theo điều tra có 3 doanh nghiệp (chiếm 2,3% so với tổng số doanh nghiệp CBNĐ) và 838 cơ sở (chiếm 21,8% so với tổng số cơ sở chế biến thủy sản) chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, được phân bố xung quanh các cảng cá, bến cá. Các cơ sở chế biến cá khô hấp sử dụng lò luộc, hấp bằng củi, than. Điều kiện xử lý cá, ướp muối, rửa và hấp cá không đảm bảo vệ sinh, không xử lý nước thải trước khi thải trực tiếp ra sông gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Về cơ sở chế biến đồ hộp thủy sản, hiện có 17 cơ sở chế biến đồ hộp với công suất 60 ngàn tấn /năm  vào năm 2017. Về số lượng cơ sở và công suất tuy tăng không đáng kể, nhưng trình độ công nghệ sản xuất của các nhà máy  đã được nâng lên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng hiện nay. 

Qua khảo sát, có thể thấy, các cơ sở chế biến thủy sản từ Phú Yên trở ra phía Bắc đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, do thiếu nguyên liệu sản xuất  (mùa vụ, tính không tập trung sản lượng các nhóm sản phẩm có giá trị hàng hóa tập trung), tính chuyên nghiệp trong kinh doanh, dẫn đến một loạt hệ quả như: không có đủ hàng để cung cấp cho khách hàng lớn, hiệu suất sử dụng thiết bị thấp, chi phí sản xuất tăng, không giữ được lao động thường xuyên..., từ đó làm cho sản xuất kém hiệu quả, chậm đổi mới thiết bị công nghệ  để đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày một cao. Từ  Khánh Hòa trở vào phía Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển chế biến thủy sản, mà cơ bản nhất là do nguồn nguyên liệu còn nhiều tiềm năng phát triển, cũng như tính năng động của các doanh nghiệp trong phát triển CBTS cho cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Một số giải pháp phát triển chế biến, tiêu thụ thủy sản nội địa

Để khắc phục những tồn tại cũng như phát triển chế biến, tiêu thụ thủy sản nội địa, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Giải pháp về chính sách quản lý nhà nước:  Rà soát điều chỉnh các quy hoạch đến nay do nhiều nguyên nhân không còn phù hợp và xây dựng mới quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, kinh doanh thuỷ sản đối với từng địa phương. Cần có quy hoạch cho các làng nghề truyền thống ở địa phương. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm thủy sản truyền thống. Tăng cường sự quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng và bảo vệ bản quyền, bảo vệ thương hiệu hàng hoá.

Giải pháp về tài chính tín dụng:  Các ngân hàng và tổ chức tín dụng phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, sàng lọc đảm bảo hoạt động hiệu quả cho các dự án triển khai trên địa bàn, kiên quyết không để các dự án không có tính khả thi được vay vốn. Tập trung nguồn vốn đầu tư cho các dự án khả thi thuộc lĩnh vực chế biến, bảo quản thuỷ sản, đặc biệt là vốn lãi suất thấp. Kết hợp các nguồn vốn tín dụng, đầu tư của ngân hàng, các quỹ tín dụng nhân dân, quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia, quỹ xúc tiến việc làm, vốn nhàn rỗi của nhân dân gửi ngân hàng, nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tổ chức Quốc tế cho các dự án chế biến, bảo quản thuỷ sản phát huy hiệu quả.

Giải pháp về cải tiến chất lượng và quản lý chất lượng: Tăng cường kiểm tra việc duy trì điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm thủy sản truyền thống theo Quy chế kiểm tra, công nhận điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Áp dụng các công nghệ tiên tiến trong điều kiện sản xuất - kinh doanh với quy mô hộ cá thể. Từng bước chấn chỉnh hoạt động sản xuất – kinh doanh thực hiện theo các quy định của pháp luật góp phẩm giảm ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm. Xây dựng các tiêu chuẩn về thực phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng cho hoạt động của cơ sở.

Giải pháp về chất lượng lao động: Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nghề cá. Tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về chính sách, pháp luật, về kỹ thuật sản xuất, kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh thị trường, tiếp thị, quảng cáo….Nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ thuật cho cán bộ, công nhân.

Giải pháp về thị trường: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng thủy sản của các làng nghề ở địa phương đến được các thị trường lớn. Không ngừng quảng cáo chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng thủy đặc sản của các địa phương. Chú ý đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng hàng hoá, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng kí thương hiệu. Cải tiến mẫu mã, bao bì để chiếm lĩnh thị trường, tiến tới xuất khẩu trực tiếp. Thành lập các trung tâm nghiên cứu và dự báo thị trường, thường xuyên cung cấp thông tin về thị hiếu tiêu dùng, yêu cầu chất lượng, giá cả các loại sản phẩm và dự báo xu thế, khuynh hướng, phát triển thị trường,... Thực hiện đăng ký nhãn mác, thương hiệu, mã số, mã vạch cho các sản phẩm thuỷ sản truyền thống; đa dạng hoá mẫu mã, sản phẩm; tăng cường công tác quảng bá thương hiệu; mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm .

Giải pháp về nguồn nguyên liệu và sản phẩm: Bố trí quy hoạch các nhà máy chế biến phải gắn liền với quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung. Doanh nghiệp phải kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá cả hợp lý. Nguyên liệu phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe của công nghiệp chế biến cũng như thị trường. Đảm bảo đồng đều về kích thước, trọng lượng,.. Sạch bệnh, dư lượng thuốc, chất kích thích nằm trong giới hạn cho phép, an toàn cho người tiêu dùng; Cung cấp đầy đủ và liên tục nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.

 Giải pháp về thiết bị, máy móc, công nghệ: Phát huy công suất máy móc thiết bị đã có đồng thời mạnh dạn thay thế các máy móc. Thiết bị, công nghệ cũ kỹ, lạc hậu. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ vào sản xuất, trực tiếp góp phần phát triển nuôi trồng thuỷ sản và khai thác các nguồn lợi thuỷ sản; Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghịêp. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sản xuất mới, công nghệ thông tin vào lĩnh vực quản lý. Chú trọng đầu tư trang thiết bị công nghệ xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đẩy mạnh công tác đầu tư, đổi mới công nghệ, trang thiết bị máy móc tạo ra sản phẩm chất lượng cao và ổn định. Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về sản phẩm thủy sản truyền thống nhằm rút ngắn thời gian sản xuất, tăng cường chất lượng sản phẩm.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác