Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (27-06-2019)

Ngày 26/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị “Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do”.
Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là 2 hiệp định ở thế hệ mới, đẳng cấp mới với quy mô giao thương kinh tế, sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các nước tham gia hiệp định có trình độ kinh tế rất cao.

CPTPP và EVFTA chiếm trên 30% GDP toàn cầu, 35% giao dịch thương mại toàn cầu. Nhận định đây là cơ hội song Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh các FTA này cũng đặt ngành nông nghiệp nhiều thách thức. Nếu không vươn lên thì toàn ngành không chỉ mất cơ hội xuất khẩu mà còn mất ngay thị trường “sân nhà”.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Ngày 30.6.2019 tới đây, cả 2 Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam sẽ được ký kết. Đây là những Hiệp định thương mại tự do mang lại cơ hội rất lớn đối với lĩnh vực nông nghiệp, tạo cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu (XK) cũng như nâng cao năng lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam vốn còn nhiều dư địa. Tuy nhiên, khi tham gia vào các Hiệp định FTA, nền kinh tế nói chung của Việt Nam và ngành nông nghiệp nói riêng cũng đối diện nhiều thách thức.

Với vị thế là nước đứng đầu trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông sản như cà phê đứng thứ 2 thế giới, gạo đứng thứ 3 thế giới, thủy sản đứng thứ tư thế giới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, không có giới hạn cho năng lực sản xuất nếu Việt Nam có thể tận dụng tối đa cơ hội về thị trường và có được điều kiện để tái cơ cấu, đưa công nghệ và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, hữu cơ và gắn với việc hình thành phát triển các chuỗi giá trị. Các FTA chính là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là ngành nông nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh của thế giới đang diễn biến ngày càng phức tạp, xuất hiện chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa đơn phương và đã trực tiếp đe dọa đến năng lực sản xuất, khả năng lực cạnh tranh và thâm nhập thị trường của sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, việc ký kết các FTA sẽ là nền tảng cho hội nhập của Việt Nam; giúp Việt Nam khẳng định được thế đứng, vị thế của mình, để chúng ta có thể hội nhập thành công hơn nữa, tạo ra công cụ cho các ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó có tái cơ cấu nông nghiệp, đổi mới sản xuất gắn với lợi thế cạnh tranh và thị trường toàn cầu hóa.

Bên cạnh đó, điều kiện thuận lợi nhất không chỉ đến từ cắt giảm thuế quan mà còn có điều kiện thực thi chính sách phát triển tại các thị trường, đảm bảo môi trường bình đẳng, lành mạnh mà các quốc gia tham gia hội nhập cùng cam kết thực hiện. Đồng thời, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất lao động, mô hình sản xuất nông nghiệp.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Lương Hoàng Thái, khi các Hiệp định Thương mại tự do lớn như: EVFTA, CPTPP được thực hiện, hàng hóa Việt Nam sẽ gặp sự gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu (NK) khi hàng rào thuế quan dần được cắt giảm; các quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước NK hàng hóa ngày càng chặt chẽ và khắt khe hơn; vấn đề sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, minh bạch hóa thông tin về lao động được đề cao…Gạo Việt Nam sẽ bị gạo Thái Lan, Campuchia, Myamar cạnh tranh; thủy sản trong đó đặc biệt là tôm và cá tra của Việt Nam sẽ bị các sản phẩm của Agentina, Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh cạnh tranh.

Tại Hội nghị, các hiệp hội, ngành hàng, địa phương đã cùng trao đổi, xác định những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trước ngưỡng cửa hội nhập, để từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, định hướng giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu thách thức, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn lên tầm cao mới.

NN

Ý kiến bạn đọc