Hợp tác thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (10-06-2019)

Ngày 05/5/2015, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc”. Ngày 16/12/2015, Bộ Ngoại giao hai nước đã thống nhất Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực kể từ ngày 20/12/2015.
Hợp tác thương mại Việt Nam - Hàn Quốc
Ảnh minh họa

Ngày 10/12/2014, nhân dịp Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng thống nước Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) đã tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định. Ngày 05/5/2015, Lễ ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã được tổ chức tại Hà Nội; là Hiệp định mang tính toàn diện, bao gồm các nội dung cam kết về tự do hoá thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư và các hoạt động hợp tác kinh tế khác giữa Việt Nam - Hàn Quốc.

Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc đã tích cực khai thác các ưu đãi thương mại mà hai Bên đã cam kết trong Hiệp định, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư song phương. Trên cơ sở lợi ích chung, ngành Thủy sản hai nước đã tìm hiểu và tiến hành hợp tác: Cải thiện điều kiện đầu tư trong lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; Đáp ứng các nhu cầu của nhà đầu tư trong lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản phù hợp với luật và quy định tương ứng của mỗi Bên; và Quản lý tài nguyên thủy sản.

Diễn biến hợp tác thương mại Việt Nam - Hàn Quốc

Sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực, phía Hàn Quốc đã cam kết dành cho Việt Nam ưu đãi xóa bỏ thuế quan và mở hạn ngạch đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, nông sản, các mặt hàng công nghiệp (tôm, cá, trái cây nhiệt đới, sản phẩm dệt may, cơ khí). Đối với một số mặt hàng thuế suất cao từ 241-420%, Hàn Quốc đã cam kết mở cửa thị trường, tạo lợi thế đáng kể cho Việt Nam cạnh tranh với các đối thủ khác trong khu vực.

Về phía Việt Nam, so với cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Việt Nam đã cam kết bổ sung thêm hơn 200 mặt hàng tự do hóa theo lộ trình của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Lộ trình xóa bỏ thuế quan được xây dựng trên nguyên tắc các mặt hàng trong nước có nhu cầu nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu chủ lực. Các mặt hàng (trong nước đã sản xuất được) có lộ trình xóa bỏ thuế quan dài (từ 3-15 năm) để tạo điều kiện cho các ngành sản xuất trong nước có thời gian phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Lộ trình cắt giảm thuế quan ngắn (từ 3-7 năm) tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc nhập khẩu nguyên vật liệu với chi phí thấp, giúp nâng cao hiệu quả nhập khẩu phục vụ các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực; nhờ đó gia tăng tính cạnh tranh khi xuất khẩu.  

Trong lĩnh vực thuế quan, ngày 16/12/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 201/2015/TT-BTC ban hành “Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2015-2018”. Thông tư 201/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 cùng thời điểm với thời điểm có hiệu lực của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.

Ngày 01/9/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 131/2016/NĐ-CP ban hành “Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2016-2018”.

Ngày 26/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 149/2017/NĐ-CP ban hành “Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2018-2022”. Nghị định 149/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, bãi bỏ Nghị định 131/2016/NĐ-CP.

Hợp tác xuất khẩu thủy sản

Sau bốn năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã nhận định: Mở cửa thị trường nhưng cá ngừ Việt Nam vẫn khó vào thị trường Hàn Quốc. Trái lại, đối với xuất khẩu tôm thì nhận được nhiều thuận lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.

Theo VASEP, so với các Hiệp định Thương mại tự do khác mà Việt Nam đã ký với các nước, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc không thực sự mang lại nhiều thuận lợi cho ngành cá ngừ. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Hàn Quốc chỉ chiếm 0,3% tổng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Hàn Quốc hiện chỉ ở mức dưới 2 triệu USD. Một trong những nguyên nhân chính, đó là: Hàn Quốc rất khắt khe về chất lượng sản phẩm và nguồn gốc cá ngừ khai thác. Vì vậy, các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam cần chú trọng giám sát chất lượng sản phẩm, đảm bảo nguồn cá khai thác không vi phạm quy định quốc tế, tận dụng tối đa thuận lợi về mặt địa lý và thuận lợi về mặt thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Hàn Quốc.

Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 5 của Việt Nam: Trong giai đoạn 2008-2013, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc dao động trong khoảng 85-225 triệu USD. Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc tăng từ 285-386 triệu USD trong giai đoạn 2016-2018. So với Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), hai bên đã dành thêm nhiều ưu đãi cho nhau trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tùy chọn sử dụng Hiệp định Thương mại tự do nào có lợi hơn.

Theo cam kết trong Hiệp định VKFTA, 07 mặt hàng tôm của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc được giảm mức thuế từ 20% xuống 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực gồm: tôm nước lạnh đông lạnh đã bóc vỏ, tôm nước lạnh chưa bóc vỏ, tôm và tôm prawn khác đã bóc vỏ, tôm và tôm prawn khác chưa bóc vỏ, tôm nước lạnh sống/tươi/ướp lạnh, tôm và tôm prawn khác sống/tươi/ướp lạnh, tôm và tôm prawn không đóng hộp kín khí. Và hạn ngạch tôm được miễn thuế từ Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc đạt 10.000 tấn trong năm đầu tiên VKFTA có hiệu lực (trong khi Thái Lan, Indonesia, Malaysia chỉ được cấp hạn ngạch 5.000 tấn). 5 năm tiếp theo kể từ khi VKFTA có hiệu lực, Hàn Quốc sẽ tiếp tục nâng hạn ngạch tôm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc lên mức 15.000 tấn (tăng 10% mỗi năm).

Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc, chiếm thị phần áp đảo 50,5% (trong khi các đối thủ khác là Ecuador 13,5%, Thái Lan 9,6%, Trung Quốc 5,2%). Cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc đã giúp tôm Việt Nam cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc. Cũng theo VASEP, mặc dù có nhiều ưu đãi nhưng việc tận dụng Hiệp định VKFTA chưa đạt hiệu quả cao. Cụ thể, Việt Nam được miễn thuế tôm nhập khẩu vào Hàn Quốc với hạn ngạch 10.000 tấn/năm, đến 2020 là 15.000 tấn/năm, nhưng hiện tại Việt Nam mới tận dụng được 2.500 tấn/năm. Để nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi mà VKFTA mang lại, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần nâng cao ý thức chủ động tiếp cận thông tin về VKFTA để lựa chọn các ưu đãi phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp; đồng thời, thay đổi công nghệ, định hướng phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc