Việt Nam và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) tăng cường hợp tác trong nông nghiệp (15-01-2019)

Ngày 11/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh đã có buổi tiếp Đại sứ Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) Ông Obaid Saeed Bintaresh Al Dhaheri. 
Việt Nam và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) tăng cường hợp tác trong nông nghiệp

Hiện UAE là một trong những đối tác thương mại, đầu tư và lao động hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị nhiều mặt với UAE và luôn mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hợp tác nhiều mặt với UAE, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Đại sứ triển khai một số công việc trong thời gian tới để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Đại sứ Obaid Saeed Bintaresh Al Dhaheri khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng đối với UAE trong khu vực ASEAN, vì vậy nhiệm vụ của Đại sứ là thúc đẩy phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại.

UAE thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council- GCC) được đánh giá là có nhiều tiềm năng cho thương mại, đầu tư đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, UAE là thị trường có khả năng thanh toán cao, là địa bàn trung chuyển lớn nhất tại khu vực, có sức mua lớn và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đa dạng với kim ngạch nhập khẩu năm 2017 khoảng 265 tỷ USD.

Tiềm năng mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang UAE còn rất lớn, tập trung ở một số mặt hàng như thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, rau quả, dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng…Nhóm hàng thủy sản gồm các mặt hàng như cá tra, tôm đông lạnh… cũng là những mặt hàng có lợi thế, nhiều tiềm năng mà doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu sang UAE. Đến nay hàng thủy sản Việt Nam bước đầu đã có chỗ đứng tại thị trường UAE, đặc biệt là mặt hàng cá da trơn, đây là mặt hàng được đánh giá là tiềm năng của Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ cá ở UAE là rất lớn.

Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản truyền thống có thế mạnh của Việt Nam như hạt tiêu (tiêu đen), cà phê… đã dần tìm được chỗ đứng tại thị trường UAE nói riêng, cũng như tái xuất sang các thị trường lân cận tại Trung Đông khác và khu vực Bắc Phi.

Điểm đáng lưu ý là thị trường UAE có đặc điểm riêng là mọi hoạt động giao thương, tiếp cận đối tác được tiến hành thông qua các hội chợ triển lãm chuyên ngành được tổ chức thường xuyên và diễn ra sôi động quanh năm, chủ yếu tập trung tại Dubai.

Trong 10 năm qua, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng trưởng vượt bậc, từ xấp xỉ 500 triệu USD trong năm 2008 lên 5,6 tỷ USD năm 2017, tăng gấp 11 lần. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, tính tới hết tháng 9/2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng 4,77 và nhập khẩu 363,2 triệu USD, giảm 12,06% so với cùng kỳ.

Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, đối với nhóm mặt hàng nông sản, 9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang UAE phần lớn đều sụt giảm, trong đó giảm nhiều nhất là hạt tiêu. Nguyên nhân giảm do hàng nông sản Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt với các đối thủ cạnh tranh chính như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines. Các mặt hàng sụt giảm có thể kể tới như hạt điều, hạt tiêu, chè…

Bên cạnh đó, các mặt hàng thế mạnh khác của Việt Nam như gạo, rau quả, trái cây tươi và đặc biệt là hàng thủy sản có sự tăng trưởng khả quan, lần lượt 19%; 17,82% và 78,75%.

NN

Ý kiến bạn đọc