Hợp tác Việt Nam - Indonesia (29-10-2018)

Việt Nam và Indonesia đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/12/1955. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống hơn 60 năm qua đã được xây dựng trên nền tảng vững chắc. Trong 5 năm xây dựng và phát triển Quan hệ Đối tác Chiến lược, hai nước đã liên tục phấn đấu thúc đẩy để mối quan hệ này ngày càng phát triển sâu sắc. Hiện hai bên đang tích cực triển khai Chương trình hành động cho 5 năm tới, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiện thực hóa những cơ hội hợp tác mới.
Hợp tác Việt Nam - Indonesia

Tháng 9/2018, Hai bên đã nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác biển, xúc tiến thành lập Cơ quan hợp tác để thảo luận, hợp tác kinh tế biển, hợp tác nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, phát triển nghề cá, nuôi trồng thủy sản bền vững và bảo hộ ngư dân (xây dựng khuôn khổ thuận lợi cho ngư dân hai nước hoạt động đánh bắt hải sản an toàn, bền vững và hợp pháp); Triển khai hiệu quả thỏa thuận hợp tác hàng hóa nông sản và nghiên cứu lập liên doanh, liên kết trong chế biến - nuôi trồng thủy sản.

Cùng là thành viên ASEAN, hai bên xác định duy trì tham vấn về các vấn đề liên quan đến an ninh và chiến lược ở khu vực; phối hợp xây dựng ASEAN đoàn kết, thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu ​​trúc khu vực và phát huy vai trò của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề chiến lược ở khu vực. Hai bên đánh giá cao và cam kết tiếp tục hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương khác, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM. Trong tháng 9 vừa qua, giữa hai nước đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình Hành động triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2019-2023 và Thông cáo chung về tự nguyện tham gia Hợp tác quốc tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thúc đẩy quản lý nghề cá bền vững.

Trong bối cảnh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng đang đứng trước những thay đổi sâu sắc, mang lại cả cơ hội và thách thức đan xen, lãnh đạo hai nước đều nhất quán rằng cần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược theo hướng ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Theo đó, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương; và trao đổi, thống nhất lập trường trong các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Về kinh tế, hai bên vẫn còn nhiều tiềm năng và thế mạnh có thể khai thác; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt 10 tỷ USD theo hướng cân bằng thông qua nhiều biện pháp, trong đó có hạn chế áp dụng các rào cản và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết song phương và đa phương. Indonesia ghi nhận đề xuất của Việt Nam về việc không tiếp tục áp dụng các quy định về tỷ lệ nội địa hóa đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam; ưu tiên cho hàng nông, lâm, thủy sản, thép, sản phẩm chế biến, chế tạo, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị điện của Việt Nam tiếp cận hơn nữa thị trường Indonesia.

Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại

Quan hệ hai nước 5 năm qua đã đạt được rất nhiều thành tựu. Thương mại giữa hai nước đã có sự tăng trưởng đột biến, gấp 4 lần từ năm 2012 đến năm 2017. Năm 2017, thương mại hai nước đạt 6,7 tỉ USD với đà tăng trưởng mỗi năm khoảng 6,5%. Tính đến ngày 20/8/2018, Indonesia đứng thứ 29/129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 72 dự án có tổng vốn đăng ký lên tới 583,28 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam có 8 dự án đầu tư ở Indonesia trị giá 51 triệu USD. Mặc dù hợp tác đầu tư giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn, tuy không lớn như giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore nhưng dòng vốn đầu tư của Indonesia vào Việt Nam tiếp tục tăng. Các nhà đầu tư Indonesia đang bắt đầu tận dụng tiềm năng và cơ hội thị trường do Việt Nam cung cấp.

Hai nước đang phấn đấu đưa Hợp tác Kinh tế trở thành trụ cột chính của Đối tác Chiến lược; quyết tâm đưa thương mại song phương phát triển mạnh mẽ, cân bằng và bền vững, phấn đấu đưa kim ngạch đạt 10 tỷ USD trong thời gian sớm nhất, dựa trên nền tảng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và môi trường kinh doanh mở, ổn định. Tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa thuộc thế mạnh của mỗi nước tiếp cận thị trường; hạn chế áp dụng rào cản kỹ thuật; xóa bỏ các rào cản và biện pháp thương mại không cần thiết và không phù hợp với quy định cũng như thông lệ thương mại của khu vực và quốc tế; đơn giản hóa thủ tục hải quan; hợp tác chặt chẽ trong kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, và kiểm dịch.

Đối với hoạt động nhập khẩu thủy sản vào Indonesia, Chính phủ Indonesia đã đưa ra quy định mới "Indonesia chỉ nhập khẩu sản phẩm thủy sản khi có giấy phép mà Bộ Thương mại quy định" liên quan đến các vấn đề như: kho lạnh và việc vận chuyển lạnh phải được kiểm soát, các sản phẩm thủy sản (đóng gói) phải có nhãn bằng cả tiếng Indonesia và tiếng Anh nêu rõ tên thương mại và khoa học, trọng lượng tịnh, tên và địa chỉ của cả nhà nhập khẩu và xuất khẩu... Các quy định chặt chẽ này đối với việc nhập khẩu thủy sản đã được Indonesia đưa ra một năm sau khi Bộ trưởng Bộ Thủy sản Indonesia cân nhắc lệnh cấm hoàn toàn đối với hải sản đông lạnh nhập khẩu vào nước này

Quản lý hoạt động khai thác trên biển

Các vấn đề trên vùng biển của hai nước đã được hai bên thảo luận nhiều lần, hướng tới tăng cường đàm phán phân định Vùng Đặc quyền Kinh tế giữa hai nước và giao Cuộc họp Nhóm Kỹ thuật đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhằm sớm đạt được thỏa thuận dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982; đồng thời nhất trí sớm xây dựng Quy tắc ứng xử trên biển và sớm ký kết Bản Ghi nhớ về Hợp tác biển và nghề cá giữa hai nước.

Theo kế hoạch, Việt Nam - Indonesia sẽ thúc đẩy thiết lập đường dây nóng về đánh bắt cá và các vấn đề trên biển, giao Bộ Ngoại giao và các Bộ ngành liên quan phối hợp triển khai; Đồng thời, tích cực phối hợp triển khai Thông cáo chung về tự nguyện tham gia Hợp tác quốc tế về chống khai thác IUU vừa được ký kết tháng 9/2018; Đẩy nhanh tiến trình phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) sau 11 vòng đàm phán, nhất trí thúc đẩy sớm đạt được giải pháp phù hợp với cả hai nước và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc