Ninh Bình: Thực hiện chuyển đổi số, tiêu thụ thủy sản tăng gần 5 lần (28-02-2022)

Nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của tỉnh Ninh Bình, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay toàn tỉnh có trên 14.700 ha nuôi trồng thủy sản. Để có thể phát triển bền vững trong thời đại công nghệ 4.0, ngành thủy sản đã triển khai thực hiện chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng tự động hóa trong khâu nuôi trồng để tiết kiệm chi phí và chủ động phòng trừ dịch bệnh; thực hiện kết nối thị trường tiêu thụ, đưa một số sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử. 
Ninh Bình: Thực hiện chuyển đổi số, tiêu thụ thủy sản tăng gần 5 lần
Ảnh minh họa

Việc triển khai chuyển đổi số trong ngành thủy sản được thực hiện trên 3 nội dung: quản lý điều hành; nuôi trồng và thị trường tiêu thụ. Việc áp dụng công nghệ đã giúp cho sản lượng thủy sản của tỉnh Ninh Bình liên tục tăng trong những năm gần đây. Năm 2021, đạt trên 63.300 tấn, tăng 7,5% so với năm 2020. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, phương thức tiêu thụ truyền thống thông qua các thương lái ở các chợ đầu mối trở nên khó khăn. Do đó, các hộ nuôi trồng, hợp tác xã thủy sản đã nhanh chóng tiếp cận chuyển đổi, đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử, dễ dàng tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng. 

Đối với hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản an toàn xã Yên Hòa, huyện Yên Mô đã tạo lập gian hàng trên các sàn thương mại điện tử và bán các sản phẩm thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử PostMart, Voso với sản phẩm cá chạch sụn, sản phẩm OCOP được dán tem mã vạch rõ ràng. Trên môi trường mạng, người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã kết nối đặt hàng trực tiếp với hợp tác xã. Thị trường tiêu thụ được mở rộng, sản lượng bán ra trong năm 2021 đạt trên 4.380 sản phẩm, tăng gần 5 lần so với khi chưa thực hiện chuyển đổi số.  

Chi cục Thủy sản Ninh Bình đã đặt mục tiêu phấn đấu nằm trong nhóm các đơn vị dẫn đầu về chuyển đổi số của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình. Mục tiêu đến năm 2025 có 90% hồ sơ được giải quyết trên môi trường mạng và đến năm 2030 đạt tỷ lệ 100%. Để thực hiện mục tiêu này, Chi cục Thủy sản đang triển khai thực hiện hiệu quả việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, giúp công tác quản lý, điều hành tốt hơn.

Thực hiện thành công chuyển đổi số đòi hỏi sự đồng bộ ở tất cả các khâu, sự liên kết và chia sẻ dữ liệu từ Chi cục đến Cục Thủy sản, đến các hộ chăn nuôi; với các đơn vị trong ngành Nông nghiệp và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.  Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử và Chuyển đổi số của Chi cục Thủy sản Ninh Bình đã tăng cường kiểm tra, giám sát và điều phối chung việc tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đạt hiệu quả cao.

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc chuyển đổi số đã giúp các hộ nuôi trồng, hợp tác xã nhanh chóng tiếp cận thị trường, nắm bắt thời cơ đẩy mạnh phát triển, giúp toàn ngành Thủy sản phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đây cũng chính là cơ hội để sản phẩm thủy sản Ninh Bình vươn xa ra thị trường trong nước và quốc tế.

Ngọc Thúy (theo NBTV.VN)

Ý kiến bạn đọc