Tại sao các quỹ khí hậu thế giới bỏ qua các rạn san hô? (09-03-2018)

Các rạn san hô được coi là một trong những tổn thất đầu tiên của biến đổi khí hậu. Ngay cả khi sự ấm lên toàn cầu được giữ ở mức 1,5 độ C - mục tiêu khó khăn nhất trong Hiệp định Paris - khoảng 90% các rạn san hô của thế giới sẽ bị suy thoái vào năm 2050.
Tại sao các quỹ khí hậu thế giới bỏ qua các rạn san hô?
Ảnh minh họa

Với Hội nghị Thượng đỉnh Đại dương ở Mexico 7-9/3/2018, và năm 2018 được gọi là Năm quốc tế của Rạn san hô, các rạn san hô trên thế giới đang được chú ý nhiều hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu của E3G cho thấy hầu như không có khoản tài chính về khí hậu nào đang hướng đến việc cứu san hô, mà nửa tỷ người phải dựa vào đó để tạo nguồn thực phẩm và bảo vệ bờ biển.

Các rạn san hô rất quan trọng đối với hành tinh, là nơi có khoảng ¼ các loài cá, với giá trị kinh tế khoảng 9,9 nghìn tỷ USD trên toàn cầu. Các rạn san hô cũng hỗ trợ các loài chỉ thi như cá heo và cá mập.

Nó cũng được biết rằng các đại dương có trách nhiệm sản xuất hầu hết lượng oxy mà con người thở. Những thiệt hại mà chúng ta đang làm đối với các hệ sinh thái đại dương của thế giới có thể đe doạ đến tính mạng của con người.

Các nước giàu nhất thế giới đã hứa sẽ phân phối 100 tỷ USD khoản tài chính dành cho khí hậu cho các nước đang phát triển vào năm 2020. Tuy nhiên, phân tích của chúng tôi cho thấy rằng hầu như không có khoản tài chính nào hiện tại sẽ dành cho việc cứu các rạn san hô.

Chúng tôi đã phân tích cơ sở dữ liệu OECD của gần 3.000 dự án tài chính về khí hậu từ năm 2010 đến năm 2015, bao gồm 6 ngân hàng phát triển lớn. Chỉ có 3 trong số những dự án này đề cập đến các rạn san hô trong mô tả dự án. Các dự án này có tổng giá trị 4,5 triệu USD, trong tổng số khoảng 67 tỷ USD khoản tài chính về khí hậu của các ngân hàng phát triển.

Một trong những dự án này là Chương trình phục hồi Rạn san hô được thực hiện bởi Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ tại Belize và Jamaica. Hai dự án khác là một phần của Sáng kiến ​​Tam giác San hô.

Các ngân hàng phát triển vẫn chưa thiết lập các chương trình cụ thể nhằm vào các rạn san hô ở các nước Thái Bình Dương, mặc dù các hòn đảo Thái Bình Dương đặc biệt phụ thuộc vào cá làm nguồn thực phẩm và sinh kế. Các quỹ khí hậu đa biên, bao gồm cả Quỹ Môi trường Toàn cầu, đã có 5 dự án liên quan đến rạn san hô tốt hơn (tổng cộng 42 triệu USD).

Sáng kiến ​​tam giác san hô bây giờ đã nhận được tài trợ bổ sung, và có thể có các dự án khác có lợi cho các rạn san hô đã không xuất hiện trong cơ sở dữ liệu này. Tuy nhiên, với mức độ nghiêm trọng của vấn đề, mức độ tài chính là quá ít.

Những gì có thể được thực hiện?

Ngay cả khi không có biến đổi khí hậu, các rạn san hô đang bị đe dọa bởi đánh bắt quá mức, ô nhiễm từ nông nghiệp, ô nhiễm nhựa, và các hóa chất trong kem chống nắng. Đại dương nóng lên và độ axit tăng lên đe doạ đẩy nhiều rạn san hô vào tình trạng nguy cấp.

Tuy nhiên, tình hình không hoàn toàn vô vọng. Chuyên gia về san hô Austin Bowden-Kerby đã lưu ý rằng “một số san hô đã thích ứng hơn hàng ngàn năm để sống và khỏe mạnh trong các vùng nước cực kỳ nóng”. Thông qua một chiến lược thích ứng chủ động để bảo vệ các rạn san hô với các khu vực biển, giảm ô nhiễm, và khôi phục rạn san hô, các rạn san hô có thể có cơ hội.

Ở Fiji, việc trồng san hô - một chiến lược xác định và trồng san hô thích ứng đang được các khách sạn và resort thực hiện mà không có bất kỳ sự hỗ trợ của chính phủ, những người đã chú ý tái tạo rạn san hô cho khách du lịch. Mặc dù không đủ, nhưng nó cung cấp hy vọng phục hồi rạn san hô.

Việc tài trợ cho các rạn san hô dường như là một khoảng cách lớn trong bối cảnh tài chính về khí hậu. Việc cấp vốn cũng có thể là cần thiết để làm ngân hàng gien cho các loài bị tuyệt chủng. Khoảng 50% rạn san hô có thể đã bị mất đi.

Vì nhiều rạn san hô được tìm thấy ở các nước đang phát triển và các hòn đảo nhỏ, các quốc gia này có thể được hưởng lợi từ tài trợ quốc tế để thành lập các khu bảo tồn biển và các chương trình phục hồi san hô kết nối với các viện nghiên cứu.

Rạn san hô như cơ sở hạ tầng xanh

Một vấn đề có thể là cơ sở hạ tầng xanh không được ưu tiên bởi các quỹ khí hậu. Hầu hết tập trung vào cơ sở hạ tầng cứng, như các bức tường biển, thay vì rạn san hô làm rào cản tự nhiên để bảo vệ bờ biển khỏi các cơn lốc xoáy.

Cơ sở hạ tầng xanh để bảo vệ bờ biển cũng bao gồm rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn là một trong những bể chứa các-bon quan trọng nhất trên thế giới và cũng giúp lưu giữ trầm tích, bảo vệ chống lại lốc xoáy và là nơi trú ẩn của các loài cá nhỏ.

Bowden-Kerby lập luận: “Nếu các rạn san hô mất đi, sau đó là cỏ biển, rừng ngập mặn, và các hệ sinh thái bãi biển - cũng như toàn bộ các quốc đảo cũng mất đi. Đây là hệ thống mà bây giờ chúng ta phải duy trì”.

Hơn nữa, các ngân hàng phát triển cần phải sắp xếp tốt hơn các nỗ lực của họ với Hiệp định Paris. Nghiên cứu gần đây của Oil Change International cho thấy rằng các ngân hàng phát triển đang cung cấp gấp ba lần tài chính hàng năm cho thăm dò nhiên liệu hóa thạch hơn là tài chính về khí hậu cho các quốc đảo nhỏ đang phát triển.

Các nhà tài trợ đã cam kết mở rộng nguồn tài chính cho việc ứng phó với khí hậu. Vậy nên bắt đầu với các rạn san hô.

HNN (Theo climatechangenews)

Ý kiến bạn đọc