Triển khai đồng bộ các Chương trình, Đề án trong khai thác thủy sản (16-05-2023)

Sáng ngày 15/5/2023 tại thành phố Vinh – tỉnh Nghệ An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hải sản và triển khai Chương trình, Đề án trong lĩnh vực khai thác thủy sản.
Triển khai đồng bộ các Chương trình, Đề án trong khai thác thủy sản

Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, cùng đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, đại diện các Viện, Trường Đại học thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản các tỉnh thành phố ven biển và các Doanh nghiệp, Hiệp hội, ngư dân tiêu biểu trong khai thác thủy sản.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.

Hội nghị đã được nghe Tổng cục Thủy sản báo cáo khái quát tình hình khai thác thủy sản năm 2022, quí I/2023 và các giải pháp tổ chức lại sản xuất trong khai thác thủy sản; triển khai các Chương trình, Đề án trong lĩnh vực khai thác. Tại Hội nghị, Viện Nghiên cứu hải sản đã báo cáo kết quả đánh giá nguồn lợi và dự báo ngư trường khai thác hải sản; Trung tâm khuyến nông Quốc gia trình bày một số ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tính đến 31/12/2022 số lượng tàu cá toàn quốc là 86.820 chiếc. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 6 – <12 mét là 38.500 chiếc (chiếm 44,34%); Tàu cá có chiều dài từ 12 - 15 mét là 18.299 chiếc (chiếm 21,08%); Tàu cá có chiều dài từ 15 - < 24 mét là 27.503 chiếc (chiếm 31,68%), Tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên là 2.588 chiếc (chiếm 2,9%).

Năm 2022, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,86 triệu tấn (giảm 1,8% so với năm 2021), trong đó khai thác biển đạt 3,66 triệu tấn (giảm 2,0 % so với năm 2021), khai thác nội địa 198 nghìn tấn (tăng 1,6% so với năm 2021). Tổng sản lượng khai thác thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt 869,8 nghìn tấn (giảm 0,7% so với năm cùng kỳ năm 2022). Năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản đạt 3,2 tỷ USD, chiếm 29,09% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, một số mặt hàng giá trị xuất khẩu tăng mạnh như: Cá ngừ tăng đạt mức 40%, mực và bạch tuộc tăng trưởng mạnh đạt 30%.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những giải pháp tập trung để đưa ngành khai thác phát triển một cách bền vững, hiệu quả như: Triển khai thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật và các khuyến nghị của EC; hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, đặc biệt là việc  duy trì kết nối trong suốt thời gian tàu hoạt động.  Tăng cường kiểm soát tàu cá rời cảng và về cảng; đảm bảo thực hiện đúng quy định về khai báo và kiểm soát sản lượng, thành phần loài thủy sản bốc dỡ qua cảng; Tiếp tục điều tra nghề cá thương phẩm phục vụ công tác đánh giá, xác định sản lượng khai thác tối đa cho phép trên các vùng biển, nghề một cách hợp lý và bền vững; Quản lý tàu cá và hoạt động khai thác thủy sản trên biển; Công tác quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá... Đặc biệt, giải pháp liên quan đến công tác tháo gỡ cảnh báo ”thẻ vàng” của Liên minh Châu Âu (EC) đối với thủy sản khai thác của Việt Nam.

Tham luận tại Hội nghị, ông Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An đã nêu các kết quả đạt được, đánh giá thực trạng và giải pháp phát triển mô hình hợp tác xã thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng khai thác thủy sản; kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi Quyết định 118/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ; sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ tàu cá khai thác trên các vùng biển xa; bố trí kinh phí nạo vét luồng lạch và xây kè chắn cát tại các cửa lạch trọng điểm nghề cá của tỉnh, …

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Trung - Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành khai thác thủy sản của Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức Ủy ban Châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta vào Thị trường EU.

Thứ hai, năng lực khai thác thủy sản đã được cắt giảm theo lộ trình nhưng cường lực khai thác vẫn ở mức cao, sản lượng khai thác tăng, vượt quá khả năng tái tạo lại nguồn lợi.

Thứ ba, tình trạng thiếu lao động chất lượng cao trong khai thác thủy sản đã và đang phổ biến ở nhiều địa phương; Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, công tác duy tu, bảo trì chưa được địa phương quan tâm nhiều.

Thứ tư, sản phẩm từ tàu khai thác mang hàm lượng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa cao làm cho năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch và giá thành cao ảnh hưởng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường;

Thứ năm, công tác bảo quản sản phẩm thủy sản trên tàu cá, cảng cá chưa cải thiện đáng kể, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn ở mức cao, gây lãng phí nguồn lợi, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm và giá trị sản xuất.

Thứ sáu, giá xăng dầu trong năm 2022 tăng cao, gây khó khăn lớn đến hoạt động khai thác thủy sản. Theo phản ánh các chủ tàu cá và các địa phương thì với giá dầu cao như hiện nay thì khi tàu về bờ kết thúc chuyến biển thì sẽ có nhiều tàu phải tạm ngưng hoạt động do giá thu mua các mặt hàng thủy sản khai thác từ đầu năm đến nay không tăng, có loài hải sản giá lại thấp hơn cùng kỳ năm 2022.

Thứ bảy, một số địa phương chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, còn tình trạng tàu cá thường xuyên mất kết nối thiết bị VMS dẫn đến không thể kiểm soát được đầy đủ toàn bộ đội tàu theo quy định.

Thứ tám, công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU còn rất thấp so với các vụ việc vi phạm; đặc biệt là hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài, ngắt kết nối thiết bị VMS.

Thứ chín, việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng nhiều địa phương tổ chức thực hiện còn nhiều thiếu sót.

Thứ mười, hạ tầng nghề cá và nguồn lực (kinh phí, nhận lực) phục vụ cho nhiệm vụ chống khai thác IUU còn hạn chế. Chưa ngăn chặn, chấm dứt được tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Việc kiểm soát nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ tàu nước ngoài và triển khai Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng chưa có tiến bộ do chưa được đầu tư dẫn đến còn nhiều sai sót; mới chỉ tập trung làm tốt công tác kiểm dịch; việc thanh kiểm tra theo quy định của Hiệp định để đảm bảo việc kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam là sản phẩm hợp pháp chưa đáp ứng yêu cầu.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh ý nghĩa của việc tổ chức hội nghị này là giải pháp chung tay của ngành đối với những khó khăn chung về kinh tế - xã hội, cũng như tình hình xuất khẩu của đất nước. Theo đó, trong đại dịch Covid-19, nông nghiệp đã khẳng định vai trò là trụ đỡ, đảm bảo an sinh xã hội cho đất nước. Không những thế, năm 2022, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành Nông nghiệp đạt kỷ lục là 55 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD.

Thứ trưởng cho biết, hiện Bộ cùng với các bộ liên quan đang trong quá trình soạn thảo, sửa đổi các Nghị định về hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản; sửa đổi Nghị định 42/2019/NĐ-CP; triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023 về chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái; trang bị thêm các công cụ, phương tiện trên tàu cá để giám sát đánh bắt, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật trên biển./.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương tổ chức đăng ký, cấp giấy phép, nhập thông tin tàu cá vào cơ sở dữ liệu tàu cá VNFISBASE theo quy định; Có biện pháp quản lý tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, ngăn chặn tàu này đi hoạt động khai thác; xử lý triệt để, đúng quy định tàu cá bị mất kết nối.

Tổ chức rà soát và xem xét điều chỉnh giảm số hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng sát thực với số tàu cá hiện có của địa phương phù hợp với quy định tại Điều 49 Luật Thủy sản năm 2017.

Tăng cường công tác quản lý tàu cá, quản lý ngư trường nguồn lợi trên địa bàn, rà soát xóa đăng ký đối với tàu đã bị mất tích, chìm, mục nát không còn khả năng khắc phục; Công khai hạn ngạch giấy phép khai thác tại địa phương.

Chủ động tham mưu trình UBND tỉnh kế hoạch triển khai và các cơ chế chính sách trong việc triển khai các quy hoạch, chương trình, đề án khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành. Đảm bảo bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại địa phương; thông tin, truyền thông, tuyên truyền, tập huấn các quy định về phòng, chống khai thác IUU, các quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác