Việt Nam tích cực triển khai công tác “3 nông” đến 2030, tầm nhìn 2045 (09-03-2023)

Ngày 27 tháng 02 năm 2023, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Thay đổi tư duy của cả hệ thống chính trị về chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Việt Nam tích cực triển khai công tác “3 nông” đến 2030, tầm nhìn 2045
Ảnh minh họa

Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung tổ chức triển khai đầy đủ, toàn diện, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Đổi mới công tác truyền thông, thống nhất nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phân công trách nhiệm các cơ quan chức năng ở các cấp tổ chức quán triệt và thực hiện tuyên truyền, giáo dục, vận động sâu rộng toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cụ thể hóa những chủ trương và giải pháp lớn, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị triển khai các nội dung của Nghị quyết 19-NQ/TW và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn, cũng như các Nghị quyết khác của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nâng cao nhận thức về các mục tiêu, định hướng và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Thực hiện các Chương trình tuyên truyền thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và các hình thức khác để phổ biến thông tin phù hợp với từng nhóm đối tượng, hướng tới nhận thức, hành động đúng, đầy đủ, toàn diện và có kết quả, hiệu quả thực chất nhằm tạo đồng thuận xã hội và vào cuộc của cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 19-NQ/TW, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn...

Tạo vùng nguyên liệu bền vững cho công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản

Phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương và tạo vùng nguyên liệu tập trung, bền vững cho phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản (đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường). Nghiên cứu những cơ chế, chính sách mới hoặc sửa đổi, bổ sung những chính sách hiện có để tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn (đặc biệt là các chính sách về đất đai, đầu tư, bảo hiểm, tín dụng, tổ chức sản xuất, mở rộng thương mại nông lâm thủy sản).

Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành bảo đảm phù hợp với các chủ trương, định hướng, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 19-NQ/TW và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn để đề xuất điều chỉnh và tổ chức triển khai toàn diện, có hiệu quả. Hoàn thiện đồng bộ, toàn diện thể chế kinh tế thị trường về huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thu hút, thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. 

Nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thực chất, hiệu quả; đặc biệt là phát triển nông nghiệp sạch – xanh – tuần hoàn – bền vững, nông nghiệp thông minh, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và đưa nhanh sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản khu vực và thế giới. Định kỳ tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để nghiên cứu điều chỉnh phù hợp với yêu cầu, thực tiễn.

Phát triển thương hiệu mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế

Chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của khu vực và thế giới. Phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử hàng nông sản. Nhân rộng, phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản có giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Xây dựng, phát triển một số thương hiệu mạnh về hàng nông lâm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia, gắn với phát triển, nhân rộng thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc nông sản (nhất là đối với các nhóm nông lâm thủy sản xuất khẩu). Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng an toàn thực phẩm, gian lận xuất xứ, gian lận thương mại để giữ uy tín cho nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế. Mở rộng thị trường tiêu thụ, cùng với nâng cao giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản. Xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về tài nguyên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng gắn với các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái - tuần hoàn, bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực dự báo và công tác phòng chống, ứng phó kịp thời với dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi (nhất là dịch bệnh xuyên biên giới). Nghiên cứu, đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường, mức phát thải khí nhà kính trong sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.

Phát triển các mô hình sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như một nguồn tài nguyên tái tạo, bền vững. Rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, các sản phẩm nông nghiệp sinh thái. Quyết liệt xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; có giải pháp thu hút mạnh mẽ đầu tư xử lý nước thải, chất thải. Xây dựng và thực hiện các quy định về mua sắm xanh. Triển khai mạnh mẽ các mô hình kinh tế tuần hoàn/ kinh tế chia sẻ/ kinh tế xanh.

Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế

Xây dựng, thực hiện các chương trình, đề án nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế về nông nghiệp, nông thôn cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan. Tổ chức phổ biến, hỗ trợ thực hiện và giám sát triển khai hiệu quả các điều ước và thỏa thuận quốc tế song phương, đa phương (trong đó có các FTAs) liên quan đến nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch mở rộng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến. Chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế. Xây dựng lộ trình phù hợp để đưa cán bộ ngành nông nghiệp, nông thôn vào làm việc tại các tổ chức khu vực và quốc tế. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển thị trường xuất khẩu, chủ động tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu và đóng góp cho các nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực thế giới, hài hòa hóa quy định, quy chuẩn trong nước với quốc tế.

Đẩy mạnh công khai, minh bạch và cung cấp thông tin nông nghiệp, nông dân, nông thôn được xã hội quan tâm để tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19-NQ/TW. Xây dựng, triển khai hệ thống lập kế hoạch và giám sát ngành nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu kịp thời, chính xác, đồng bộ phục vụ công tác quản lý, quy hoạch và phát triển sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trước tiên cần phải đổi mới công tác truyền thông, thống nhất nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thay đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, xây dựng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh". Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tri thức hóa nông dân đáp ứng vị trí chủ thể, trung tâm trong xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại”.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ, ngành cơ quan liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia xây dựng và triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap gắn xây dựng sản phẩm OCOP và nông nghiệp tuần hoàn”.

Ngoài ra, để nâng cao trình độ KHCN, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (i) “Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giai đoạn 2022-2030”; và (ii) “Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ chủ trì (i) rà soát, điều chỉnh 07 Chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực (trong đó có Chiến lược phát triển thủy sản) để cụ thể hóa, thống nhất, phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; (ii) rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật và Nghị định hướng dẫn thi hành các luật (trong đó có Luật Thủy sản 2017, Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các bộ, ngành liên quan để xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án hoàn thiện chính sách để thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống dịch bệnh; thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật…

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác