VINAFIS: Đổi mới hoạt động - Phát triển bền vững (28-12-2022)

Ngày 28/12/2022, tại Hà Nội, Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu nhiệm kỳ V (2022-2027). Ông Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch VINAFIS.
VINAFIS: Đổi mới hoạt động - Phát triển bền vững

Đến dự đại hội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao vai trò của Hội Nghề cá Việt Nam, đã góp phần đưa ngành Thủy sản Việt Nam phát triển theo hướng ổn định, bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ trưởng tuyên dương các thành tích của Hội trong việc phát huy và thực hiện tốt vai trò bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các hội viên và nông ngư dân. Hội cũng đã có kiến nghị với các cơ quan Nhà nước về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thủy sản; động viên, hướng dẫn hội viên và nông ngư dân chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất thủy sản.

Với quan điểm “nội lực là quyết định”, Thứ trưởng đặt niềm tin sâu sắc trong nhiệm kỳ tới, Hội Nghề cá Việt Nam sẽ tập hợp lực lượng đông đảo; chủ động phát huy vai trò hội tụ, kết nối các doanh nghiệp, nông ngư dân, các nhà khoa học và chính quyền các cấp; đóng góp thực chất những giải pháp, cơ chế chính sách phát triển thủy sản, tham gia xây dựng thương hiệu, tổ chức đào tạo nghề, chuyển đổi số - chuyển đổi nghề, tổ chức sản xuất thủy sản theo chuỗi giá trị - trách nhiệm - chất lượng - hiệu quả - bền vững, thực hiện kinh tế tuần hoàn - kinh tế xanh, quyết liệt thực hiện đảm bảo hiệu lực - hiệu quả.

Tại Đại hội nhiệm kỳ V, Chủ tịch Nguyễn Việt Thắng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo cụ thể, rõ ràng của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Để nâng cao uy tín, tiếng nói có trọng lượng (trong nước và quốc tế), VINAFIS nêu quyết tâm đổi mới hoạt động Hội, tiếp tục góp phần thúc đẩy ngành Thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, hội nhập với khu vực và thế giới trong bối cảnh, điều kiện mới. Vì lẽ đó, Đại hội nhiệm kỳ V đã chọn chủ đề: “Đổi mới hoạt động Hội, phát triển nghề cá bền vững, hội nhập và phát triển”. Qua đó, thể hiện quyết tâm của Hội nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đồng lòng, chung sức tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực hoạt động xây dựng Hội vững mạnh, đưa nghề cá Việt Nam phát triển bền vững, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế, xã hội của ngành Thủy sản Việt Nam.

Để thực hiện được mục đích đề ra, Hội Nghề cá Việt Nam sẽ đổi mới hoạt động của Hội (cả nội dung và phương thức); xây dựng tổ chức Hội vững mạnh từ các hội thành viên và cơ sở, lấy Hội cơ sở làm nền tảng. Ban Chấp hành sẽ có thêm nhiều doanh nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, người có uy tín, tâm huyết với ngành Thủy sản và với Hội. Bên cạnh đó, Hội sẽ tích cực hơn nữa, có trách nhiệm đóng góp xứng đáng cho việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và toàn ngành Thủy sản. Các hoạt động của Hội sẽ đồng bộ cả về khoa học kỹ thuật, đào tạo, tập huấn, hợp tác quốc tế, thông tin - tuyên truyền, đến động viên thi đua khen thưởng và kiểm tra giám sát.

Thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ IV (2017-2022)

Hội Nghề cá Việt Nam từ Trung ương đến các địa phương và doanh nghiệp đều xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của Hội, có nhiều đổi mới trong phương thức và nội dung hoạt động; đã thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ IV đề  ra và đạt được kết quả nổi bật trên các mặt công tác. Tổ chức Hội đã được củng cố, hình thành và phát triển từ Trung ương đến các tỉnh, huyện, cơ sở và doanh nghiệp; đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ và khẳng định được vai trò, tác dụng của Hội đối với hội viên, nông ngư dân, doanh nghiệp nghề cá (nhất là vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho quần chúng nông ngư dân trong những thời điểm nhạy cảm).

Trong nhiệm kỳ IV, Hội đã kết nạp mới 12 hội viên tập thể, 06 hội viên cá nhân thuộc Trung ương Hội, thành lập 01 đơn vị trực thuộc. Nội dung hoạt động của Hội được đổi mới theo hướng vừa kết hợp cả bề rộng, vừa chú trọng các nội dung trọng tâm, trọng điểm và xây dựng các chuyên đề cụ thể để tọa đàm, trao đổi, giải quyết kịp thời và có chiều sâu. Tích cực tìm kiếm và tham gia thực hiện các chương trình, dự án, tư vấn, phản biện, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế có hiệu quả. Ngoài ra, Hội đã tích cực, chủ động tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực thông tin - tuyên truyền; hoạt động xã hội - tình nghĩa…Nhìn chung, tổ chức Hội đã từng bước được củng cố và phát triển.

Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội còn hạn chế và chưa ổn định. Nhiều hội viên tập thể chưa tích cực, chưa chủ động trao đổi thông tin. Đội ngũ cán bộ Hội còn chưa chuyên nghiệp, chuyên sâu. Sự phối hợp, liên kết và hợp tác còn hạn chế. Hoạt động của Hội tuy đã có đổi mới, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Cùng với đó, việc cập nhật, xử lý thông tin để bảo vệ quyền lợi chính đáng của quần chúng nông ngư dân chưa đầy đủ, kịp thời, thiếu  thống nhất. Một số Trung tâm trực thuộc Hội hoạt động còn yếu, lúng túng về định hướng hoạt động, chưa đạt được hiệu quả. Đối với các đơn vị này, Ban Chấp hành Hội và Lãnh đạo của các đơn vị rất cần củng cố để đổi mới, tìm phương thức hoạt động phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và điều kiện làm việc của Trung ương Hội cũng như nhiều Tỉnh hội còn khó khăn, thiếu thốn. Tổ chức của Hội tại nhiều địa phương có sự sát nhập, do vậy vai trò của Hội có sự tác động ảnh hưởng nhất định.

Đổi mới hoạt động trong nhiệm kỳ V (2022-2027)

Trong giai đoạn tới, khó khăn, thách thức tiếp tục xảy ra và càng ngày càng phức tạp hơn, do biến động của nền kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ô nhiễm môi trường, tình hình tranh chấp trên biển Đông, yêu cầu về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, giá cả thị trường biến động… Tất cả những yếu tố này sẽ trở nên gay gắt hơn cho sản xuất kinh doanh thủy sản và hoạt động của Hội nghề cá. Những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ nhiệm kỳ IV (2017-2022) chính là những cản trở đối với hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ V. Điều này đòi hỏi Hội phải tiếp tục đổi mới cả nội dung và phương thức hoạt động từ Trung ương đến địa phương và từng hội viên của Hội.

Hiện Trung ương Hội đang bàn phương án đổi mới theo hướng từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động, phù hợp với yêu cầu trong thời kỳ mới. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh từ các hội thành viên và cơ sở. Thành phần Ban chấp hành phải có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, người có uy tín, tâm huyết với nghề và với Hội. Thực tế cho thấy Ban chấp hành nơi nào có tính đồng thuận cao, lãnh đạo nhiệt tình, tâm huyết với nghề cá và với Hội thì nơi đó hoạt động hiệu quả, khẳng định được vai trò vị thế của Hội, được hội viên và các ngành, các cấp, các tổ chức và đơn vị ủng hộ, tạo điều kiện để Hội hoạt động.

Tổ chức và cán bộ Hội phải hoạt động chuyên nghiệp; hợp tác, phối hợp với các lực lượng có liên quan. Phải hình thành các đơn vị làm kinh tế phục vụ cho Hội hoạt động ổn định. Cụ thể, Hội sẽ hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hóa gắn liền với hợp tác, phối hợp với các đơn vị, vì sự nghiệp phát triển nghề cá hiệu quả và bền vững; tổ chức phải mạnh từ gốc, từ các tổ chức cơ sở gắn liền với nghề nghiệp và sản xuất kinh doanh thủy sản; tạo tiềm lực kinh tế để hoạt động Hội ổn định và lâu dài; trong đó, doanh nghiệp và ngư dân là lực lượng xung kích trên mặt trận sản xuất, tạo chất lượng và giá trị sản phẩm, hội nhập quốc tế, phấn đấu đạt mục tiêu: “ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG HỘI, PHÁT TRIỂN NGHỀ CÁ BỀN VỮNG, HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN”.

Mặt khác, Hội Nghề cá Việt Nam cũng xác định trong thời gian tới, mở rộng hợp tác liên kết trong nước và hội nhập quốc tế. Cụ thể là, tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức hội, hiệp hội ngành hàng (như: VASEP, Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam); mở rộng quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới; tăng cường hợp tác và mở rộng hội nhập nhằm mục tiêu phát triển sản xuất - kinh doanh thủy sản đạt hiệu quả cao, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Đặc biệt, thực hiện sửa đổi theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính  phủ về tổ chức và quản lý Hội và để phù hợp với đặc điểm tình hình của Hội Nghề cá Việt Nam trong giai đoạn tới; phù hợp với phạm vi các lĩnh vực hoạt động của tổ chức Hội ở Trung ương và các địa phương, “Hội Nghề cá Việt Nam” quyết định đổi tên thành “Hội Thủy sản Việt Nam”.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác