Việt Nam cam kết mạnh mẽ hướng tới nghề cá có trách nhiệm tại Hội nghị thường niên WCPFC19 (28-11-2022)

Sáng nay ngày 28/11, tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ban Thư ký WCPFC tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 19 Uỷ ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (Hội nghị WCPFC19).
Việt Nam cam kết mạnh mẽ hướng tới nghề cá có trách nhiệm tại Hội nghị thường niên WCPFC19

Hội nghị lần này có sự tham gia của đại diện 26 quốc gia thành viên chính thức, các tổ chức phi chính phủ trong nước và ngoài nước, 8 nước thành viên có hợp tác (trong đó có Việt Nam) và 11 vùng lãnh thổ có tham gia một số hoạt động của WCPFC, Đại diện Diễn đàn nghề cá các quốc đảo Thái Bình Dương, Tổ chức Hòa bình xanh, Tổ chức Birdlife, Ủy ban cá ngừ nhiệt đới liên Mỹ, Trung tâm Phát triển thủy sản đông nam châu Á (SEAFDEC), Ban thư ký cộng đồng nghề cá Thái Bình Dương (SPC), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Ban Thư ký WCPFC, các chuyên gia tư vấn thực hiện các dự án trong khuôn khổ WCPFC đến từ nhiều quốc gia với khoảng 550 đại biểu.

Ngài Feleti Penitala Teo, Tổng Giám đốc điều hành, đã chủ trì cuộc họp WCPFC19.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Trần Đình Luân đã có bài phát biểu chào mừng và khai mạc phiên họp toàn thể WCPFC19.

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Luân cho biết, ngành khai thác thủy sản của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, từ một nghề cá với quy mô nhỏ, khai thác thủy sản đa nghề, đa loài để đảm bảo sinh kế và tham gia phát triển kinh tế. Đến nay, ngành thủy sản Việt Nam đang từng bước chuyển đổi sang nghề cá phát triển theo hướng hiện đại bền vững, ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế. Tổng sản lượng thủy sản đến tháng 11 năm 2022 ước đạt 8,2 triệu tấn; trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 3,5 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 4,6 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 9,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngành khai thác thủy sản của Việt Nam đã và đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Với mục tiêu duy trì phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản với cơ cấu tàu, nghề phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản; sản xuất an toàn, hiệu quả kinh tế cao góp phần nâng cao đời sống ngư dân, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đồng thời tuân thủ các quy định của khu vực, quốc tế có liên quan, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thực hiện mục tiêu nói trên như Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững; Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 – 2030; Đề án phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định IUU đến năm 2025.

Đặc biệt, cùng với việc phê chuẩn và tham gia thực thi hiệu quả các điều khoản của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam đã là thành viên chính thức của “Hiệp định đàn lưỡng cư và di cư xa của Liên Hợp Quốc - UNFSA” và “Hiệp định biện pháp các quốc gia có cảng – PSMA” của FAO từ năm 2019.

Thời gian qua, mặc dù chưa phải là thành viên chính thức nhưng Việt Nam đã rất tích cực đồng hành cùng với 26 quốc gia thành viên chính thức và 07 quốc gia chưa phải là thành viên chính thức khác để thực thi các điều khoản của WCPFC về công tác quản lý và bảo tồn nguồn lợi thủy hải sản di cư trong khu vực Tây và Trung Thái Bình Dương.

Thông qua các dự án của WPCPFC đã tạo điều kiện cho Việt Nam được tiếp nhận sự hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo quản cá ngừ, cá kiếm, nhận được thông tin đầy đủ hơn về nguồn lợi, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và nghiên cứu thông qua các chương trình đào tạo và hội thảo/hội nghị chuyên đề, đồng thời được tiếp cận và áp dụng những công cụ đánh giá và xác định sản lượng khai thác tối đa cho phép hàng năm hoặc trong từng giai đoạn nhất định, trên cơ sở đưa ra những giải pháp quản lý nguồn lợi và phương pháp khai thác để bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi hải sản di cư, trong đó chủ yếu là cá ngừ tại vùng biển Việt Nam.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia tích cực và đóng góp có hiệu qua hơn nữa trong cơ chế quản lý nghề cá khu vực của WCPFC với tư cách là thành viên đầy đủ của WCPFC; thực hiện cam kết và nỗ lực chung của khu vực nhằm tăng cường truy xuất nguồn gốc các sản phẩm cá ngừ, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi hải sản di cư xa, chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, tuân thủ các quy định của khu vực, quốc tế hướng tới nghề cá có trách nhiệm, ông Luân nhấn mạnh.

Nhiệm vụ chính của WCPFC là quản lý và bảo tồn nguồn lợi cá di cư trong khu vực Tây và Trung Thái Bình Dương, trong đó tập trung chủ yếu vào cá ngừ (cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và cá ngừ vây ngực dài), đồng thời áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ khai thác đối với các loài thủy sinh không chủ ý đang được bảo vệ như cá mập, rùa biển...

Đây là Hội nghị thường niên quan trọng nhất của WCPFC nhằm: (1) đánh giá một số hoạt động quan trọng của Ủy ban hoạt động trong năm; (2) quyết định sự tham gia; (3) các chính sách, biện pháp quản lý nghề cá ngừ trong khu vực trong năm tiếp theo. Trong đó, có việc xem xét trách nhiệm tuân thủ và quyết định chấp thuận hay từ chối Đơn xin là CNM của các quốc gia (trong đó có Việt Nam).

Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đều cử đầu mối tham gia Hội nghị thường niên của WCPFC để giải trình các trách nhiệm tuân thủ và bảo vệ Đơn đăng ký cơ chế CNM cho năm tiếp theo và tiếp tục vận động để các nước thành viên WCPFC ủng hộ Việt Nam tiến tới trở thành thành viên chính thức của WCPFC.

 Việc tham gia WCPFC cũng giúp Việt Nam tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo quản cá ngừ, thông tin đầy đủ hơn về nguồn lợi, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý. Việt Nam đã được tham gia là một trong ba nước hưởng lợi từ Dự án Quản lý nghề cá đại dương ở Tây Thái Bình Dương và Đông Á góp phần nâng cao năng lực cán bộ quản lý các cấp liên quan đến quản lý nghề cá ngừ xem xét hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý nghề cá ngừ ở Việt Nam phù hợp với các yêu cầu của WCPFC, tích cực chuẩn bị cho Việt Nam gia nhập tổ chức nghề cá này. Hiện nay, Tổng cục Thủy sản đang triển khai thực hiện Dự án Quản lý nghề cá ngừ trong vùng biển Tây Thái Bình Dương và Đông Á do New Zealand tài trợ thông qua WCPFC từ năm 2019-2022, được gia hạn đến 2023 do tác động của đại dịch Covid-19. Hơn nữa, Tổng cục thủy sản đang thực hiện đề án Quản lý nghề khai thác cá ngừ bằng hạn ngạch theo hướng tiếp cận quản lý cá ngừ của WCPFC. Việc tham gia WCPFC sẽ giúp Việt Nam tranh thủ sự hỗ trợ của WCPFC để hoàn thiện hệ thống quản lý và thực hiện có hiệu quả tiếp cận quản lý nghề khai thác cá ngừ bằng hạn ngạch.

Việc đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên Ủy ban WCPFC lần thứ 19, năm 2022 sẽ tạo điều kiện để nghề cá ngừ nước ta hội nhập sâu rộng nghề cá thế giới, đóng góp cho việc đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ thẻ vàng của EC, thúc đẩy hợp tác song phương để phát triển khai thác viễn dương theo đề án khai thác viễn dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1047/QĐ-TTg ngày 17/8/2018 và giúp việc Việt Nam xin trở thành thành viên CNM năm 2023 và các năm tiếp theo của WCPFC thuận lợi hơn.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác