Sắp diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 19 của Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC19) tại Việt Nam (27-11-2022)

Từ ngày 27/11 đến 03/12/2022 tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy sản) phối hợp với Ban Thư ký WCPFC tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 19 Uỷ ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (Hội nghị WCPFC19).
Sắp diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 19 của Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC19) tại Việt Nam

Hội nghị lần này có sự tham gia của đại diện 26 quốc gia thành viên chính thức, các tổ chức phi chính phủ trong nước và ngoài nước, 8 nước thành viên có hợp tác (trong đó có Việt Nam) và 11 vùng lãnh thổ có tham gia một số hoạt động của WCPFC, Đại diện Diễn đàn nghề cá các quốc đảo Thái Bình Dương, Tổ chức Hòa bình xanh, Tổ chức Birdlife, Ủy ban cá ngừ nhiệt đới liên Mỹ, Trung tâm Phát triển thủy sản đông nam châu Á (SEAFDEC), Ban thư ký cộng đồng nghề cá Thái Bình Dương (SPC), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Ban Thư ký WCPFC, các chuyên gia tư vấn thực hiện các dự án trong khuôn khổ WCPFC đến từ nhiều quốc gia với khoảng 550 đại biểu.

Nhiệm vụ chính của WCPFC là quản lý và bảo tồn nguồn lợi cá di cư trong khu vực Tây và Trung Thái Bình Dương, trong đó tập trung chủ yếu vào cá ngừ (cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và cá ngừ vây ngực dài), đồng thời áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ khai thác đối với các loài thủy sinh không chủ ý đang được bảo vệ như cá mập, rùa biển...

Đây là Hội nghị thường niên quan trọng nhất của WCPFC nhằm: (1) đánh giá một số hoạt động quan trọng của Ủy ban hoạt động trong năm; (2) quyết định sự tham gia; (3) các chính sách, biện pháp quản lý nghề cá ngừ trong khu vực trong năm tiếp theo. Trong đó, có việc xem xét trách nhiệm tuân thủ và quyết định chấp thuận hay từ chối Đơn xin là CNM của các quốc gia (trong đó có Việt Nam).

Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều cử đầu mối tham gia Hội nghị thường niên của WCPFC để giải trình các trách nhiệm tuân thủ và bảo vệ Đơn đăng ký cơ chế CNM cho năm tiếp theo và tiếp tục vận động để các nước thành viên WCPFC ủng hộ Việt Nam tiến tới trở thành thành viên chính thức của WCPFC.

 Việc tham gia WCPFC cũng giúp Việt Nam tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo quản cá ngừ, thông tin đầy đủ hơn về nguồn lợi, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý. Việt Nam đã được tham gia là một trong ba nước hưởng lợi từ Dự án Quản lý nghề cá đại dương ở Tây Thái Bình Dương và Đông Á góp phần nâng cao năng lực cán bộ quản lý các cấp liên quan đến quản lý nghề cá ngừ xem xét hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý nghề cá ngừ ở Việt Nam phù hợp với các yêu cầu của WCPFC, tích cực chuẩn bị cho Việt Nam gia nhập tổ chức nghề cá này. Hiện nay, Tổng cục Thủy sản đang triển khai thực hiện Dự án Quản lý nghề cá ngừ trong vùng biển Tây Thái Bình Dương và Đông Á do New Zealand tài trợ thông qua WCPFC từ năm 2019-2022, được gia hạn đến 2023 do tác động của đại dịch Covid-19. Hơn nữa, Tổng cục thủy sản đang thực hiện đề án Quản lý nghề khai thác cá ngừ bằng hạn ngạch theo hướng tiếp cận quản lý cá ngừ của WCPFC. Việc tham gia WCPFC sẽ giúp Việt Nam tranh thủ sự hỗ trợ của WCPFC để hoàn thiện hệ thống quản lý và thực hiện có hiệu quả tiếp cận quản lý nghề khai thác cá ngừ bằng hạn ngạch.

Việt Nam cũng đã và đang tham gia vào các cuộc họp thường niên của WCPFC với tư cách là quan sát viên, qua đó nắm bắt được các quy định của WCPFC tại mỗi kỳ họp để có sự chuẩn bị, từng bước đầu tư xây dựng nghề cá Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế nghề cá khu vực và thế giới. Việc tham gia với tư cách ‘Quốc gia không phải thành viên chính thức có hợp tác” là cần thiết và được thực hiện hàng năm để từng bước chuẩn bị đủ điều kiện để trở thành thành viên chính thức của WCPFC. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên Ủy ban WCPFC lần thứ 19, năm 2022 sẽ tạo điều kiện để nghề cá ngừ nước ta hội nhập sâu rộng nghề cá thế giới, đóng góp cho việc đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ thẻ vàng của EC, thúc đẩy hợp tác song phương để phát triển khai thác viễn dương theo đề án khai thác viễn dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1047/QĐ-TTg ngày 17/8/2018 và làm cho việc Việt Nam xin là CNM năm 2023 và các năm tiếp theo của WCPFC thuận lợi hơn.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác