Sơ kết 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Tổng cục Thuỷ sản (22-08-2022)

Chiều ngày 19/8, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa hai cơ quan. Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.
Sơ kết 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Tổng cục Thuỷ sản

Sau 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 3574/QC-BTLCSB-TCTS ngày 7/4/2020 giữa Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Tổng cục Thủy sản, hai cơ quan đã tổ chức phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc quán triệt các nội dung trong Quy chế và triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Tổng cục Thủy sản đã duy trì liên lạc, trao đổi, cung cấp thông tin, tình hình liên quan đến hoạt động nghề cá trên biển (tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta; tàu cá nước ta hoạt động trên các vùng biển Việt Nam; tàu cá nước ta vi phạm vùng biển nước ngoài và bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; tai nạn tàu cá trên các vùng biển và các thông tin tình hình khác có liên quan) theo kênh thông tin đã được thiết lập qua fax, điện thoại.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, đã tổng hợp 12 bản thông báo tháng tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài gửi cho Tổng cục Thủy sản và chính quyền địa phương để xử lý, có biện pháp tăng cường quản lý và tuyên truyền giáo dục đối với các tàu cá vi phạm theo quy định của pháp luật.

Về phía Tổng cục thủy sản đã cung cấp 06 tài khoản giám sát hành trình tàu cá phục vụ công tác theo dõi, nắm tình hình tàu cá Việt Nam. Hàng ngày, hai bên trao đổi các bản tin cảnh báo về tàu cá có dấu hiệu vi phạm qua hòm thư điện tử, trung bình 02 bản tin mỗi ngày. 

Bên cạnh đó, hai bên đã chủ động phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân hoạt động nghề cá trên biển bằng các hình thức như phát tờ rơi, sổ tay đi biển, sổ tay giới thiệu Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc, những quy định của pháp luật trong lĩnh vực thủy sản... nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển, bảo vệ nguồn lợi và môi trường thủy sản, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; thực hiện tốt các quy định của pháp luật và không vi phạm vùng biển nước khác để khai thác thủy sản.

Lực lượng Kiểm ngư chú trọng công tác giáo dục, phổ biến cho ngư dân về pháp luật thủy sản và các Chỉ thị, quy định liên quan, trong đó tập trung vào: Luật Thủy sản sửa đổi 2017; Chỉ thị 45/CT-TTg, ngày 13-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU; một số quy định của các nước có chung đường biên giới biển với nước ta; phối hợp với chi cục thủy sản của các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về chấp hành pháp luật trên biển, phát tờ rơi, sổ tay ngư dân, v.v.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục chủ trì phối hợp xây dựng và triển khai chương trình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” tại các xã, huyện đảo xa đất liền của 12 tỉnh ven biển; lấy đầu mối Hải đoàn, Hải đội Cảnh sát biển kết nghĩa với xã, huyện đảo để tổ chức phối hợp các hoạt động triển khai thực hiện Chương trình.

  Hai Bên thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên biển; chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống thiên tai, TKCN nhằm nâng cao nhận thức cho ngư dân, nhân dân. Tổ chức trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, nhất là diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới; kịp thời chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó có thể xảy ra sát với thực tế; tổ chức phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng và sẵn sàng tham gia TKCN khi có yêu cầu.

Ngoài ra, tham dự các cuộc họp, đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra tại các địa phương để chỉ đạo, điều hành giải quyết các vấn đề liên quan đến tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, tai nạn tàu cá, ngư dân trên biển; đặc biệt là tham mưu các giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Phối hợp tuyên truyền các quy định pháp luật về chống khai thác IUU trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các lớp tập huấn cho ngư dân và các đối tượng liên quan; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của Tổng cục Thủy sản tham mưu giải pháp chống khai thác IUU để khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của EC đối với Việt Nam,..

Sau hai năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai đơn vị, mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát biển và Tổng cục Thủy sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc trao đổi thông tin nắm bắt tình hình có thời điểm, tình huống chưa kịp thời, thông tin chưa đầy đủ, gây khó khăn cho công tác triển khai lực lượng, thực hiện nhiệm vụ; công tác phối hợp của các đơn vị cơ sở thuộc hai Bên còn chưa thường xuyên, chưa đi vào chiều sâu...

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và PTNT: Sau hai năm xảy ra dịch Covid-19 và thay đổi về tổ chức, nên công tác phối hợp chưa được thường xuyên. Thời gian tới, để thực thi pháp luật Thủy sản, triển khai chống IUU, sẽ có đề xuất quy chế phối hợp mới đáp ứng với tình hình tới.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn 2022-2023, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư Lê Tuấn cho biết : hai Bên sẽ tiếp tục tham mưu cho hai Bộ và Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU, chỉ đạo các lực lượng hai bên triển khai thực hiện nghiêm các Chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của EC.

Tiếp tục cung cấp, trao đổi thông tin theo quy định, trọng tâm là trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình tàu cá, ngư dân Việt Nam và nước ngoài, kết quả xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU để cùng phối hợp và kịp thời đề xuất các giải pháp xử lý theo đúng quy định; tăng cường hợp tác quốc tế trao đổi thông tin với các nước trong khu vực, đề nghị nước bạn cung cấp bằng chứng các tàu cá Việt Nam vi phạm để tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật Việt Nam khi các tàu cá vi phạm về nước.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh ven biển tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho các tổ chức, cá nhân hoạt động nghề cá trên các vùng biển về Luật cảnh sát biển Việt Nam, Luật Thủy sản 2017 và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện; tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật của Việt Nam, quốc tế trong hoạt động khai thác hải sản; tiếp tục có nhiều biện pháp hướng dẫn ngư dân nhận biết ranh giới vùng biển Việt Nam với các nước, nhất là khu vực chưa phân định, chồng lấn, nhạy cảm, để ngư dân không xâm phạm.

Phối hợp trong công tác TKCN trên biển, triển khai kịp thời lực lượng hỗ trợ khi có yêu cầu của các lực lượng hữu quan thuộc hai Bên về sự cố trên biển; bàn giao, tiếp nhận và hỗ trợ người bị nạn; tiếp tục phối hợp trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản liên quan đến thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của hai bên.

Mặt khác, tăng cường phối hợp hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, đặc biệt ở vùng biển giáp ranh để kịp thời phát hiện các tàu cá có dấu hiệu vi phạm, cố tình xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản và có biện pháp tuyên truyền, xử lý nghiêm đối với hành vi khai thác IUU; phối hợp nghiên cứu, triển khai hệ thống giám sát được thiết bị VMS trên các tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư để quản lý mục tiêu trong phạm vi được chặt chẽ hơn,..

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Quang Đạo đánh giá các nội dung trong Quy chế phối hợp đã cơ bản được thực hiện trong 2 năm qua; Thiếu tướng đề nghị bộ phận thường trực của hai cơ quan cần rà soát, đánh giá lại những nội dung nào chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa xong, cần đưa ra lộ trình cụ thể từ nay đến cuối năm 2022. Hai cơ quan hoạt động trên điều kiện đặc thù nên tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc về việc thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Quy chế phối hợp; rà soát lại đầy đủ, tỉ mỉ, khách quan về đặc điểm từng khu vực, vùng miền để bổ sung các nội dung còn thiếu vào trong Quy chế.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác