Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (25-07-2022)

Ngày 19/7/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Thông báo số 4631/TB-BNN-VP, về ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT .
Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Trước đó, ngày 28/6/2022, Bộ trưởng  Lê Minh Hoan đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, ý kiến phát biểu của các đơn vị khách mời, ý kiến của các đồng chí Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kết luận 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các đơn vị thuộc Bộ đã chủ động, tích cực, sáng tạo trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt “Mục tiêu kép” như: tăng trưởng GDP cao, trên tất cả các lĩnh vực; đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống; giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt ở mức cao, nhất là thặng dư thương mại tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ.

Đồng thời, số xã, huyện đạt chuẩn và hoàn thành  xây dựng nông thôn mới tăng, sản phẩm đạt chuẩn OCOOP tăng mạnh gần 2000 sản phẩm so với cuối năm 2021; công tác xây dựng thể chế, nhất là các chương trình, đề án quan trọng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Bộ chủ trì, tham  gia xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành làm cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển ngành.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 6 tháng đầu năm 2022, Ngành vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở một số địa phương còn chậm, sản lượng và quy mô còn hạn chế; nguyên liệu vật tư đầu vào, giá thức ăn chăn, phân bón... tăng cao; khai thác thủy sản gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế, đời sống của người sản xuất.

 Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường của ngành nông nghiệp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu khi phải thực hiện theo hình thức trực tuyến; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp hơn nhiều so với cùng kỳ; một số địa phương có biểu hiện chạy theo phong trào công nhận sản phẩm OCOP, chưa chú ý đến hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn.

Để triển khai các nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và quyết tâm hoàn thành kế hoạch đã đề ra của ngành thủy sản; Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy sản: Tiếp tục chỉ đạo phát triển nuôi trồng các đối tượng chủ lực tôm sú, tôm chân trắng, cá tra và đẩy mạnh phát triển nuôi trồng trên biển và các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo nhân rộng các mô hình tổ, đội ngư dân sản xuất trên biển, xây dựng chuỗi liên kết; theo dõi sát thời tiết, dự báo ngư trường để hỗ trợ ngư dân sản xuất an toàn, hiệu quả. Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp, kế hoạch về chống khai thác IUU; chuẩn bị kế hoạch, kịch bản làm việc với đoàn thanh tra của EC kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam. Đề xuất chính sách phù hợp hỗ trợ chi phí xăng dầu để ngư dân vươn khơi, bám biển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tổng cục Phòng chống thiên tai: Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát an toàn thiên tai, đảm bảo an toàn đê điều kịp thời, hiệu quả, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại.

 Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo, giám sát các địa phương đẩy nhanh tiến độ duy tu bảo dưỡng đê; đánh giá hiện trạng, xác định trọng điểm xung yếu; sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn, đặc biệt lớn, tình huống bất lợi trên diện rộng. Nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các nội dung còn bất cập trong các quy trình vận hành liên hồ chứa và rà soát, sửa đổi các quy trình cho phù hợp.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: Tiếp  tục phối  hợp  với các Cục: Thú  y, Bảo vệ thực vật, Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh mở cửa thị trường các mặt hàng nông lâm thủy sản; đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, có giá trị như thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa diễn ra tại khu vực cửa khẩu như giai đoạn hiện nay.

 Đẩy mạnh tiêu thụ nông lâm thủy sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu; bảo đảm nguồn cung lương thực thực phẩm và an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống; dự báo và phối hợp với các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ kịp thời nông sản chính vụ; phối  hợp tổ chức kết nối thu mua nông sản, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản: Tiếp tục chỉ đạo các biện pháp tăng cường quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm,..

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác