Hướng dẫn thực hành Luật Lao động trong ngành Thủy sản – Phần 4 (12-05-2022)

Đối với người lao động thì công việc và việc làm; lương, công lao động và các phúc lợi xã hội chính là mối quan tâm hàng đầu khi họ tham gia vào lực lượng lao động.
Hướng dẫn thực hành Luật Lao động trong ngành Thủy sản – Phần 4
Ảnh minh họa

Lao động trong khai thác, nuôi trồng thủy sản có tính tập thể cao, nhiều người cùng một lúc phải làm 2-3 việc. Việc phân công lao động cũng khá đơn giản. Người lao động quan trọng nhất là cùng phối hợp để thực hiện nhiệm vụ cụ thể được giao cho cả nhóm. Trong khai thác, nuôi trồng thủy sản, có những việc được xem là việc nặng (khuân vác vật nặng, công việc điện, máy, cơ khí), hoặc việc làm nguy hại (liên quan đến hóa chất, xăng dầu, làm việc trong nước- lặn biển, lội ao…). Những công việc như vậy phải phân công cho những người có sức khỏe, có nghiệp vụ chuyên môn và kinh nghiệm và phải có những phương tiện bảo hộ lao động cho họ trong thời gian làm việc. Những công việc cụ thể như vậy cũng phải được ghi rõ trong hợp đồng của từng người lao động.

Về cơ sở pháp lý, Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 quy định quyền và nghĩa vụ của người lao động như sau:

Người lao động có quyền: Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc; từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc.

Người lao động có nghĩa vụ: Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động; thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

Người trong độ tuổi lao động (từ đủ 18 tuổi cho tới tuổi về hưu)

Khi được tuyển dụng, người lao động sẽ làm những công việc được ghi trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng. Người lao động phải chấp hành kỷ luật, nội quy lao động, tuân thủ phân công, quản lý điều hành của người sử dụng lao động.

Người lao động hoàn toàn có quyền từ chối làm những công việc không ghi trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng, đặc biệt đối với những việc không phù hợp, gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của bản thân

Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp: Hợp đồng không được người sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc; Người sử dụng lao động có các hành vi cưỡng bức lao động, phân biệt đối xử trong phân công lao động, trong hưởng lương và các phúc lợi khác.

Người lao động chưa thành niên, người cao tuổi

Người lao động chưa thành niên/ người cao tuổi cần được bố trí những công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động. Cụ thể trong lĩnh vực thủy sản, người lao động chưa thành niên/ người cao tuổi sẽ được bố trí những công việc sau:

Các công việc trên tàu: Phụ giúp kéo lưới; Nhặt và phân cỡ cá; Nhà bếp; Các việc phụ khác (ghi chép nhật trình, nhật ký...); Liên lạc với các trạm ven bờ bằng điện thoại, giám sát hành trình.

Các công việc trong trang trại: Cho cá ăn; Hỗ trợ vệ sinh phương tiện nuôi (ao, bể); Thả con giống; Thu mẫu nước nếu có yêu cầu; Ghi nhật ký nếu có yêu cầu; Cán bộ văn phòng, bảo vệ, công việc hành chính quản trị.

Đặc biệt, đối với người cao tuổi và người lao động chưa thành niên sẽ không bố trí thực hiện những công việc sau:

Trong khai thác thủy sản: Không làm những công việc nặng nhọc, độc hại (như: mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên; thợ máy, thợ cơ khí, thợ điện; lặn kiểm tra lưới, cá).

Trong trang trại nuôi trồng thủy sản: Không bố trí làm công việc rải/ phun hóa chất xử lý đáy ao; công việc cơ khí, điện tại trang trại; mang vác nặng các vật liêu xây dựng, máy móc, thiết bị…

Khi sử dụng lao động chưa thành niên/ người cao tuổi trong khai thác thủy sản, trang trại nuôi thủy sản thì người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động chưa thành niên/ người cao tuổi (chế độ chăm sóc sức khỏe định kỳ, thời gian làm việc phù hợp, các chế độ khen thưởng...); Đồng thời, lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; Quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động.

Tư vấn của các chuyên gia

Người lao động cần tuân thủ sự phân công lao động (như hợp đồng hoặc như đã thỏa thuận) và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; xây dựng mối quan hệ lao động tốt với đồng nghiệp và người sử dụng lao động. Trong trường hợp thấy có dấu hiệu, biểu hiện không như thỏa thuận hợp đồng, thì nên trao đổi với đồng nghiệp, tập thể để nêu vấn đề, thỏa thuận, thương lượng và giải quyết vấn đề với người sử dụng lao động theo khuôn khổ của pháp luật. Trong trường hợp không thể giải quyết, đồng thời người lao động mong muốn chấm dứt hợp đồng thì nên tham khảo tư vấn pháp luật trước khi quyết định chấm dứt hợp đồng để được hưởng quyền lợi chính đáng trong thời gian làm việc.

Lương, công lao động

Hiện nay hoạt động khai thác thủy sản, nuôi trồng phần lớn là do các chủ tàu/ chủ trang trại tổ chức thực hiện. Trang trại nuôi trồng thường chi trả lương tháng và thưởng theo sản lượng thu được nếu vượt khoán. Trong khai thác, tùy từng vùng, khu vực có thể có hình thức trả lương, nhưng phần lớn là trả theo cách ăn chia sản lượng khai thác được, vì thực sự trả lương cố định theo tháng là rất khó do việc đi biển phụ thuộc vào thời tiết và mùa vụ. Đồng thời, do không có hợp đồng nên phần lớn chỉ thỏa thuận miệng về mức lương hoặc tỷ lệ ăn chia. Đa số người lao động chỉ hưởng lương/ ăn chia theo sản lượng còn các chế độ khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các phúc lợi xã hội khác ít được hai bên quan tâm. Đây là vấn đề cần phải xem xét.

Về cơ sở pháp lý, Điều 5 Bộ luật Lao động quy định quyền và nghĩa vụ của người lao động như sau: Người lao động có quyền hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể.

Thực tế hiện nay trong các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, người lao động được chi trả lương hoặc công lao động theo bốn hình thức: (i) trả lương theo tháng; (ii) trả lương theo sản phẩm thu được; (iii) kết hợp trả lương cơ bản và sản phẩm thu được; (iv) chia theo lợi nhuận thu được (doanh thu trừ chi phí, lợi nhuận sẽ thường được chia 50% cho chủ tàu hoặc chủ ao nuôi; 50% còn lại chia cho người lao động theo công sức đóng góp của từng người).

Trong nuôi trồng thủy sản, người sử dụng lao động thường tiến hành trả lương theo tháng, áp dụng phổ biến ở các trang trại. Mức lương cố định đã được thảo luận và thống nhất giữa đôi bên. Có trang trại có chế độ thưởng nếu vượt mức khoán theo tỷ lệ thỏa thuận.

Trong khai thác thủy sản, người sử dụng lao động thường tiến hành trả lương hoặc công lao động theo sản phẩm (có sự thỏa thuận của tập thể người làm công và chủ tàu), áp dụng phổ biến ở các tàu khai thác cá. Tỷ lệ ăn chia được thống nhất với chủ tàu/ người sử dụng lao động. Có thể có trường hợp trả lương theo tháng nhưng rất ít và thường chỉ trả cho người làm cơ hữu hay chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp trả lương tối thiểu cộng thêm hưởng theo sản lượng (áp dụng đối với tàu khai thác cá ngừ, để giữ lao động). Sau khi lấy doanh thu trừ chi phí thì lợi nhuận thu được thường được chia theo tỷ lệ 50% cho chủ tàu, 50% cho người lao động (theo công sức đóng góp của từng người).

Nếu người lao động muốn đề xuất tạm ứng tiền lương hoặc công lao động thì điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cam kết đôi bên. Tuy nhiên, ngay cả khi có sự đồng ý thì vẫn nên ghi rõ trong hợp đồng.

Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác

Trong trường hợp người lao động thương lượng, trao đổi với người sử dụng lao động về việc cùng hợp tác để mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội thì điều này hoàn toàn phù hợp. Thông thường, người sử dụng lao động muốn tránh vấn đề này để giảm bớt chi phí. Người lao động có thể tham khảo công ty luật (nếu thấy cần thiết) để đề xuất với người sử dụng lao động về phương án trích lương hoặc sản phẩm theo tỷ lệ để mua bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động.

Người sử dụng lao động/ chủ tàu/ chủ trang trại được phép cung cấp thực phẩm, vật tư (xăng dầu…) cho tàu thuyền/ trang trại nhưng phải kèm theo hóa đơn chứng từ đầy đủ, minh bạch giá cả theo giá thị trường tại địa phương.

Ở trang trại, khi phải làm ngoài giờ (ví dụ, khi thu hoạch cá) hoặc vào ngày nghỉ người lao động được hưởng quyền lợi, chế độ như sau: Nếu hợp đồng không có thỏa thuận làm ngoài giờ hoặc chưa có thỏa thuận trước đó thì chủ trang trại phải trả lương hoặc công lao động làm thêm giờ/ làm ban đêm (theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019).

Khi người lao động phát hiện người sử dụng lao động cố tình không trả lương (hoặc không chi trả theo sản lượng như đã cam kết trong hợp đồng) thì bước đầu có thể trực tiếp đề nghị với chủ tàu/ chủ trang trại chi trả lương hoặc các chế độ như trong hợp đồng. Trong trường hợp không được giải quyết, có thể yêu cầu cả tập thể người lao động (hoặc công đoàn, nếu có) cùng có ý kiến với chủ tàu/ chủ trang trại để thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng.

Trong trường hợp khi đã yêu cầu tập thể thuyết phục không được thì người lao động có thể nhờ tư vấn của luật sư để giải quyết vấn đề. Thậm chí, người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động có mong muốn, cùng với sự tư vấn của các tổ chức luật pháp. Ngoài ra, người lao động có quyền viết đơn khiếu nại tố cáo và có thể nhờ sự trợ giúp, tư vấn của các tổ chức hỗ trợ pháp lý để thực hiện quyền lợi theo đúng luật pháp.

Ngoài lương và công lao động thì người lao động còn có thể được hưởng những phúc lợi sau: Về nguyên tắc, người lao động cần được tham gia mua bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Trong thực tế hiện nay, phần lớn người lao động trong nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản chưa được mua các gói bảo hiểm này. Vì vậy, người lao động trong quá trình chuẩn bị hợp đồng cần thảo luận với người sử dụng lao động về các phúc lợi xã hội như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thưởng năng suất, sản lượng, thưởng tết, lễ v.v. Đặc biệt là các mức bảo hiểm hoặc thưởng cần cụ thể, rõ ràng. Nếu có sự thống nhất thì đưa vào hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng lao động để hai bên thực hiện.

Tư vấn của chuyên gia

Người lao động cần hiểu rõ: Lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là quyền lợi trước mắt và lâu dài của người lao động, cho nên phải bảo vệ quyền lợi đó. Người lao động cần thảo luận rõ ràng, cụ thể về mức lương, thưởng với người sử dụng lao động và sau đó đưa vào hợp đồng. Ngoài ra, người lao động cần thảo luận về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, cũng như thảo luận về mức đóng của người lao động và mức đóng góp của người sử dụng lao động. Sau khi đã có sự thống nhất, phải đưa tất cả những thông tin này vào hợp đồng. Nếu có điều kiện, nên tìm kiếm tư vấn ở các công ty tư vấn luật hoặc các tổ chức bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội về các vấn đề này trước khi thảo luận với người sử dụng lao động.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác