Hướng dẫn thực hành Luật Lao động trong ngành Thủy sản – Phần 3 (10-05-2022)

Được sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu thông qua Dự án Chuỗi cung ứng có trách nhiệm tại châu Á, cùng với sự hợp tác của Ban Cố vấn Thúc đẩy Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp (CSR) trong ngành Thủy sản, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra nhận định: Đa số lao động làm việc trên tàu cá và các trang trại thủy sản Việt Nam đều không có hợp đồng lao động.
Hướng dẫn thực hành Luật Lao động trong ngành Thủy sản – Phần 3
Ảnh minh họa

Trừ các công ty có đăng ký và tư cách pháp nhân, phần lớn lao động trong khai thác, nuôi trồng thủy sản là người dân địa phương, nên quan hệ việc làm chủ yếu mối quan hệ làng xóm, họ hàng. Mặt khác, do thói quen nên hầu hết người lao động không hiểu quyền và nghĩa vụ của mình nên không thích giấy tờ văn bản pháp lý hóa quyền và nghĩa vụ; người sử dụng lao động không muốn thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với người lao động, dẫn đến, đại đa số lao động làm việc trên tàu cá, các trang trại đều không có hợp đồng lao động. Người sử dụng lao động cũng vì vậy mà bỏ qua bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế và các chế độ phúc lợi khác của người lao động.

Về cơ sở pháp lý, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động (Khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019).

Theo tư vấn của các chuyên gia thì người lao động cần nỗ lực tiếp xúc trực tiếp/ trực tuyến, hoặc liên lạc qua điện thoại với người có nhu cầu tuyển hoặc các công ty tư vấn để biết rõ và thảo luận kỹ những thông tin trong thông báo tuyển dụng. Đặc biệt cần thảo luận kỹ về điều kiện làm việc, nơi làm việc và các chế độ được hưởng để đưa vào hợp đồng lao động. Khuyến cáo người lao động không thông qua “cò”, “môi giới”, những tổ chức, cá nhân không có chức năng giới thiệu việc làm.

Thời điểm làm hợp đồng lao động

Sau khi người tuyển dụng đồng ý nhận người lao động vào làm việc, người lao động đồng ý làm việc với những điều kiện đã nêu trong thông tin tuyển dụng, cũng như đã thống nhất trong các thảo luận, thời gian làm việc từ 1 tháng trở lên thì hai bên phải lập và ký hợp đồng lao động. Hai bên sẽ ký vào hợp đồng lao động với các nội dung quan trọng được quy định tại Khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động. Cụ thể, Hợp đồng lao động bắt buộc phải có 10 nội dung chủ yếu sau đây:

Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động; Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động; Công việc và địa điểm làm việc; Thời hạn của hợp đồng lao động; Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; Chế độ nâng bậc, nâng lương; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp; Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Lợi ích của hợp đồng lao động

Khi có tranh chấp, pháp luật sẽ bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của cả người lao động và người sử dụng lao động. Người lao động làm việc không có hợp đồng sẽ gặp nhiều bất lợi như: Không được pháp luật bảo hộ, bảo vệ để duy trì công việc, có thể bị cho thôi việc vô cớ, không được hưởng hoặc hưởng không đầy đủ các chế độ làm việc, bị phân biệt đối xử, bị cưỡng bức lao động và các trường hợp bất lợi khác. Có một số trường hợp người lao động không muốn tiếp tục hợp đồng lao động, sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Đặc biệt, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong các trường hợp sau:

Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận; Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Lao động nữ mang thai; Đủ tuổi nghỉ hưu; Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận miệng (không cần ký hợp đồng lao động) trong các trường hợp lao động dưới 01 tháng. Tuy nhiên, theo tư vấn của các chuyên gia thì các bên nên cố gắng thực hiện theo luật vì luật pháp sẽ bảo vệ cái đúng cho cả hai bên (người lao động và người sử dụng lao động). Đừng vì bất cứ một lý do nào mà không ký hợp đồng lao động, như vậy sẽ tạo bất lợi cho bản thân trong mọi trường hợp.

Cũng theo tư vấn của các chuyên gia, người lao động nên nghiên cứu kỹ thông báo tuyển chọn lao động, trực tiếp làm việc với người sử dụng lao động hoặc trung tâm/công ty tư vấn việc làm để đưa các thỏa thuận vào hợp đồng; Không làm việc qua “cò” không có tư cách pháp nhân. Đối với những người lao động hiện đang làm việc mà chưa có hợp đồng, nên trao đổi với người sử dụng lao động lập hợp đồng (trên nền tảng thỏa thuận đã có).

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác