Hướng dẫn thực hành Luật Lao động trong ngành Thủy sản – Phần 1 (10-05-2022)

Mới đây, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) đã phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) xuất bản “Sổ tay hướng dẫn thực hành Luật Lao động 2019 trong ngành Thủy sản”.
Hướng dẫn thực hành Luật Lao động trong ngành Thủy sản – Phần 1
Ảnh minh họa

Trong đó đề cập đến nhiều nội dung quan trọng và hết sức cần thiết đối với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam như: Tuyển dụng lao động; Hợp đồng lao động; Độ tuổi lao động; Lương, công lao động và các phúc lợi xã hội; Chống cưỡng bức lao động; Không phân biệt đối xử/ đối xử bình đẳng trong tuyển dụng, làm việc và hưởng chế độ; Tham gia Công đoàn, tổ chức xã hội, hiệp hội ngành nghề; Môi trường làm việc an toàn và vệ sinh lao động (trong các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản); Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR)…

Các doanh nghiệp phải tuân thủ/thực hiện CSR

Việt Nam là nước có sản lượng thủy sản lớn trên thế giới. Năm 2020, sản lượng thủy sản Việt Nam đạt 8,4 triệu tấn, trong đó sản lượng thủy sản khai thác đạt 3,84 triệu tấn, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn. Sản lượng thủy sản không chỉ cung cấp đầy đủ cho nhu cầu của gần 100 triệu dân Việt Nam, phần còn lại đã và đang sử dụng cho xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2020 đạt 8,6 tỷ đô la Mỹ. Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới khoảng 195 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang lại nguồn thu ngoại tệ cũng như uy tín ngày càng cao cho đất nước. Việt Nam đã ký 15 hiệp định thương mại với các nước cũng như với các khu vực và khối.

Mặc dầu những kết quả nêu trên rất ấn tượng, nhưng đặc điểm sản xuất hàng hóa thủy sản của Việt Nam (trừ nuôi cá tra) quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu nông hộ, có quá nhiều quy trình và hình thức nuôi trồng, đánh bắt và chế biến. Trong khi đó người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng có yêu cầu cao hơn về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất có trách nhiệm và bền vững. Một trong số các tiêu chí đó là thúc đẩy thực hành trách nhiệm xã hội của các nhà sản xuất. Hơn nữa, trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, các bên đều có điều khoản về các vấn đề liên quan đến lao động sản xuất và xã hội cũng như điều khoản về thúc đẩy thực hành trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất.

Do đó, yêu cầu thực hiện trách nhiệm xã hội là yêu cầu của người tiêu dùng, là một yêu cầu chính đáng mà các nhà sản xuất từ nuôi trồng, khai thác tới chế biến, thương mại đều có trách nhiệm thực hiện.

Nói về trách nhiệm xã hội, hiện nay đang tồn tại nhiều khái niệm. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (TNXHDN) là cách doanh nghiệp xem xét ảnh hưởng từ các hoạt động của họ đối với xã hội, khẳng định các nguyên tắc và giá trị được lồng ghép trong các phương pháp và quy trình nội bộ của doanh nghiệp cũng như trong các tương tác với các đối tác khác. TNXHDN là sáng kiến tự nguyện, xuất phát từ động lực của chính doanh nghiệp và hướng tới các hoạt động vượt trên mức độ tuân thủ luật pháp. Để dễ hiểu, chúng ta có thể nói ngắn gọn đó là trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động nói riêng và cộng đồng người lao động nói chung trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình họ, của cộng đồng địa phương và xã hội thông qua tạo công ăn việc làm, cân bằng cuộc sống và công việc, các chế độ lương, điều kiện làm việc, bảo hiểm, an sinh, khen thưởng...

Pháp luật Lao động Việt Nam gồm có Bộ luật Lao động (được ban hành từ năm 1994, đã được sửa đổi qua 5 lần và lần gần nhất sửa đổi năm 2019) và các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết. Hệ thống quy phạm pháp luật Lao động Việt Nam đã nội luật hóa các cam kết về lao động trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia gần đây với EU (EVFTA) và các quốc gia thuộc hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã quy định phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Các nguyên tắc Quyền cơ bản trong lao động. Bộ luật Lao động là khung tổng thể cho mọi người lao động, cho tất cả các ngành nghề. Mỗi ngành nghề dựa trên khung đó, có thể cụ thể hóa, làm rõ hơn để đáp ứng đối với tính đặc thù của từng ngành nghề.

Với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc, Tổng cục Thủy sản đã xây dựng cuốn sổ tay hướng dẫn trên cơ sở luật pháp Việt Nam, thực tiễn và đặc thù của ngành nghề và nhằm giúp cho người sử dụng lao động và người lao động trong ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản nắm rõ được một số các quy định về pháp luật lao động có liên quan nhất đến lĩnh vực thủy sản, một số chú giải phù hợp với đặc thù ngành nghề trong công tác tuyển dụng và sử dụng lao động. Đồng thời, sổ tay cũng giúp cho người lao động trong ngành thủy sản hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm cơ bản khi được tuyển dụng và làm việc. Đối với những vấn đề rộng lớn hơn, bao trùm hơn, người lao động và sử dụng lao động có thể tìm hiểu tra cứu trực tiếp qua Bộ luật Lao động năm 2019, các nghị định, văn bản hướng dẫn Bộ luật Lao động và pháp luật khác có liên quan (http://boluatlaodong2019.molisa.gov.vn/).

Cuốn sổ tay đã được các chuyên gia ngành Lao động và ngành Thủy sản soạn thảo với lời văn đơn giản nhất, lược trích nội dung pháp luật cơ bản nhất, cần thiết nhất và chú trọng tới các hành động và công việc thực tiễn để người người sử dụng lao động và người lao động dễ hiểu và dễ thực hiện. Qua đó, sổ tay đã cung cấp các thông tin ngắn gọn về bối cảnh hiện tại của các vấn đề, đưa một số cơ sở pháp lý và đặt một số tình huống ở dạng câu hỏi và giải quyết tình huống ở dạng câu trả lời đơn giản, ngắn gọn. Sau đó, tổng hợp một số ý kiến tư vấn của các chuyên gia để tham khảo.

Với việc ban hành “Sổ tay hướng dẫn thực hành Luật Lao động 2019 trong ngành Thủy sản”, Tổng cục Thủy sản đã trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS) và các chuyên gia tư vấn đã dành thời gian và tâm huyết để biên soạn và hoàn thiện sổ tay, đã cho ra mắt tài liệu phù hợp với người sử dụng lao động và người lao động trong ngành Thuỷ sản Việt Nam.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác