Phát triển bền vững ngành hàng Nhuyễn thể Việt Nam (01-04-2022)

Dự kiến chiều Thứ Tư (ngày 06/4/2022) tại thành phố Nam Định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức Diễn đàn “Phát triển ngành hàng Nhuyễn thể bền vững”. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định sẽ đến dự và cùng chủ trì diễn đàn.
Phát triển bền vững ngành hàng Nhuyễn thể Việt Nam

Đến tham dự diễn đàn sẽ có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Văn phòng Bộ, Tổng cục Thủy sản, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Thú y, Vụ Kế hoạch, Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II, II, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững,  Hội nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), Hiệp hội Nuôi biển và các Hội, Hiệp hội, tổ chức NGO có liên quan.

Cùng tham dự sẽ có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định và một số tỉnh, thành phố ven biển có hoạt động sản xuất giống, nuôi và chế biến nhuyễn thể, Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi Thú y, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Đại diện các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất giống, nuôi nhuyễn thể, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sản phẩm nhuyễn thể; Cơ quan truyền thông báo chí như Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam… Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự sẽ xem xét, đánh giá hiện trạng ngành Nhuyễn thể Việt Nam, cùng bàn bạc, thống nhất các giải pháp triển khai phát triển sản xuất, tiêu thụ mặt hàng nhuyễn thể trong thời gian tới.

Hiện tại, nhuyễn thể vẫn được đánh giá là ngành hàng chủ lực của ngành Thủy sản Việt Nam bởi giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển

Các đối tượng nuôi chủ yếu là: Ngao, sò huyết, ốc hương, trai ngọc, điệp, bào ngư, hầu. Các tỉnh sản xuất giống và nuôi nhuyễn thể chủ lực là Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tp Hồ Chí Minh. Việt Nam đã và đang xuất khẩu nhuyễn thể sang nhiều thị trường trên thế giới. Năm 2021, trong khi xuất khẩu các mặt hàng thủy sản khác giảm thì xuất khẩu nhuyễn thể sang thị trường EU tăng mạnh 37% đạt 87 triệu USD, trong đó xuất khẩu sản phẩm ngao tăng 42% với 78 triệu USD. Hiện nay cả nước có khoảng gần 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống nhuyễn thể, trong đó chủ yếu sản xuất giống ngao. Sản lượng giống ngao hàng năm hơn 130 tỷ con, đáp ứng được trên 60% nhu cầu nuôi. Tính đến tháng 12/2020 diện tích nuôi ngao ước khoảng trên 15.720 ha, sản lượng ước đạt 190.000 tấn, năng suất đạt 11,82 tấn/ha.

Nghề nuôi nhuyễn thể nói chung và nghề ngao nói riêng đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống người dân các vùng ven biển. Tuy nhiên, nghề nuôi nhuyễn thể, đặc biệt nuôi ngao hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn như nguồn lợi suy giảm, chất lượng con giống không ổn định, tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Đặc biệt hiện tượng ngao chết hàng loạt trong những năm gần đây gây nhiều thiệt hại cho người nuôi. Bên cạnh đó, công tác quản lý môi trường, quản lý nuôi nhuyễn thể cũng như chất lượng con giống còn một số bất cập.

Chính vì vậy, việc tổ chức Diễn đàn phát triển ngành hàng Nhuyễn thể là hết sức cần thiết, nhằm đánh giá tình hình quản lý, sản xuất, cung ứng giống nhuyễn thể; Phát triển chuỗi các liên kết ngành hàng Nhuyễn thể bền vững, có thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm nuôi, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường; Đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sản xuất và nâng cao chất lượng giống nhuyễn thể trong cả nước.

Diễn đàn bàn giải pháp phát triển ngành hàng Nhuyễn thể bền vững dự kiến sẽ tiến hành những nội dung cụ thể sau:

(1) Tổng cục Thủy sản (Vụ Nuôi trồng thủy sản): Tổng quan tình hình sản xuất giống, nuôi thương phẩm và quản lý môi trường nhuyễn thể; giải pháp phát triển nuôi nhuyễn thể năm 2022. (2) Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I: Đánh giá hoạt động nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất giống nhuyễn thể; Giải pháp nâng cao chất lượng giống nhuyễn thể; Kiểm soát môi trường vùng nuôi nhuyễn thể. (3) Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản: Hoạt động giám sát an toàn vệ sinh, kiểm soát chất lượng nhuyễn thể đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. (4) Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: Đánh giá công nghệ chế biến và hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhuyễn thể.

(5) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định: Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nghêu/ngao từ vùng sản xuất giống, nuôi đến chế biến tiêu thụ sản phẩm. (6) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre: Xây dựng vùng nguyên liệu nhuyễn thể đạt chứng nhận thực hành tốt (ASC, VietGAP…) phục vụ xuất khẩu. (7) và (8) Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS): Thực hiện Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) trong sản xuất, chế biến ngao; Các giải pháp kỹ thuật nuôi ngao nhằm giảm thiểu các rủi ro từ môi trường, dịch bệnh trong thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau 08 bài tham luận trên, các địa phương, doanh nghiệp và đại biểu tham dự diễn đàn sẽ tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến thảo luận nhằm mục tiêu: Phát triển bền vững ngành Nhuyễn thể Việt Nam.

Sẽ có một hoạt động khác cũng rất quan trọng bên lề của Diễn đàn, đó là hoạt động đi thăm, tham quan vùng nuôi ngao và nhà máy chế biến ngao tại Nam Định. Thời gian dự kiến sáng Thứ Tư ngày 06/4/2022 tại vùng nuôi ngao Giao Thủy và Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam.

Diễn đàn “Phát triển ngành hàng Nhuyễn thể bền vững” được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đại biểu có thể tham dự theo địa chỉ dưới đây: https://zoom.us/j/92700676255?pwd=eXJDTk80N0N6UnRhQTVNNWRYdGxhZz09

Meeting ID: 927 0067 6255; Passcode: 483674

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác