Tiềm năng dồi dào để phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (12-01-2022)

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 46/63 địa phương đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ, 60/97 doanh nghiệp đã thực hiện việc xuất khẩu nông sản hữu cơ đến 180 thị trường quốc tế, bình quân mỗi năm thu về khoảng 335 triệu USD.
Tiềm năng dồi dào để phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
Ảnh minh họa

Thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang rộng mở cả trong và ngoài nước. Nhưng do diện tích đất nông nghiệp ở trong nước còn nhỏ lẻ, manh mún nên khó phát triển được vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn, chất lượng đồng đều, cung ứng đều đặn cho khách hàng. Mặt khác, giá bán nông sản vẫn chưa tương xứng nên người làm nông nghiệp hữu có khó thu hồi vốn để tái sản xuất và duy trì các chứng nhận.

Với thị trường rộng lớn từ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang đối mặt nhiều thách thức như chi phí đầu vào lớn trong khi lợi nhuận thu được từ sản phẩm hữu cơ chưa tương xứng; cần có thời gian để chuyển từ tập quán canh tác thâm canh (sử dụng nhiều hóa chất, kháng sinh) sang sản xuất hữu cơ đảm bảo an toàn sinh học, gây dựng được niềm tin từ người tiêu dùng.

Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp đã gây ra nhiều hệ lụy, ô nhiễm môi trường, mất đa dạng sinh học, dư lượng thuốc kháng sinh trong nông sản vượt mức cho phép… Trong khi đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm nông sản sạch, an toàn ngày càng cao cả ở thị trường trong và quốc tế. Chính vì vậy, Việt Nam đang chuyển dần sang hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường.

Các quy trình, kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ đã được phát triển, nhân rộng nhằm giúp người sản xuất, trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã hiểu rõ hơn và áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trước tiên là với nhóm các cây trồng chính, trong đó có lúa. Bên cạnh đó, tập trung xác định các đối tượng chủ lực để sản xuất hữu cơ ở những khu vực hội tụ đủ các điều kiện đầu vào, không phát triển tràn lan, hình thức.

Ngày 29/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về Nông nghiệp hữu cơ nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Sau đó, ngày 01/11/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 16/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định này. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có Bộ tiêu chuẩn “TCVN 11041 - Nông nghiệp hữu cơ” gồm 03 phần: Phần 1 - Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; Phần 2 - Trồng trọt hữu cơ; Phần 3 - Chăn nuôi hữu cơ.

Bộ tiêu chuẩn TCVN 11041 dành riêng cho nông nghiệp hữu cơ được xác định là cơ sở quan trọng để nông dân, các tổ chức, doanh nghiệp thực hành nông nghiệp hữu cơ áp dụng. Bộ tiêu chuẩn đã quy định đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ. Các tiêu chuẩn trong Bộ tiêu chuẩn TCVN 11041 đã đưa ra các nguyên tắc chung về sản xuất hữu cơ tại các trang trại, từ giai đoạn sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, ghi nhãn, marketing và các yêu cầu đối với vật tư đầu vào.

Bên cạnh đó, Bộ tiêu chuẩn còn giúp bảo vệ người tiêu dùng tránh bị lừa dối, ngăn chặn gian lận trong thương mại và tránh công bố sản phẩm không có căn cứ. Đặc biệt bảo vệ cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ trước việc các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo phương thức khác bị hiểu sai là sản xuất hữu cơ.

Trong dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030”, đến năm 2025, diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 1,5-3% tổng diện tích gieo trồng; chăn nuôi có 5-10% sản phẩm hữu cơ; khoảng 2-3% diện tích nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ tương đương với 60 nghìn ha.

Đến năm 2030, diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 7-10% tổng diện tích gieo trồng (riêng đối với các cây dược liệu, hương liệu và các sản phẩm từ thiên nhiên, diện tích hữu cơ đạt khoảng 40-50%), năng suất cây trồng hữu cơ đạt khoảng 95-100% năng suất cây trồng thường; vật nuôi có 5-10% sản phẩm hữu cơ; thủy sản có khoảng 7-8% diện tích tương đương với 100 nghìn ha cho sản lượng khoảng 500 nghìn tấn.

Theo đánh giá chung của Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Bộ tiêu chuẩn “TCVN 11041 - Nông nghiệp hữu cơ” đã giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, cũng như sản xuất sản phẩm hữu cơ, góp phần tăng cường chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm lưu thông trong nước và xuất khẩu.  

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác