Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt 3.084 tấn/năm (12-01-2022)

Nhằm phát huy hiệu quả diện tích mặt nước sẵn có gắn với bảo vệ môi trường sinh thái thủy sinh, đáp ứng nhu cầu thực phẩm thủy sản của người dân trên địa bàn tỉnh; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng thủy sản,.. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch triển khai chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt 3.084 tấn/năm.
Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt 3.084 tấn/năm
Ảnh minh họa

Kế hoạch với mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững lĩnh vực thủy sản tỉnh Bắc Kạn, có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nuôi hiệu quả đối tượng thủy sản truyền thống và các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao nhằm tạo sinh kế, góp phần tăng thu nhập, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nâng cao đời sống cho người dân. Bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học,..

Mục tiêu cụ thể, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt 3.084 tấn/năm; nuôi cá ao, hồ, ruộng cần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên diện tích mặt nước hiện có, đa dạng đối tượng nuôi, sản lượng nuôi trồng đạt 2.950 tấn, năng suất đạt 21,7 tạ/ha; diện tích nuôi cá nước lạnh đạt 02 ha, sản lượng 22 tấn, năng suất 11 tấn/ha; nuôi cá lồng, tập trung phát triển nuôi cá lồng ở ven hồ trên sông và hồ chứa thủy lợi, sản lượng đạt 112 tấn, năng suất đạt 0,35 tạ/m3; có 1,5% diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt và bền vững; giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân 03%/năm.

Dự kiến đến năm 2045, tổng sản lượng thủy sản đạt 5.000 tấn/năm; hằng năm, duy trì mức tăng 1,5% diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt và bền vững; chủ động sản xuất giống thủy sản, cung ứng 80% nhu cầu thủy sản giống đảm bảo tiêu chuẩn.

Để phấn đấu đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Bắc Kạn đã đề ra một số nội dung chính, trọng tâm như:

Về nuôi trồng thủy sản: phát triển tăng năng suất trên cùng đơn vị diện tích, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến để mở rộng sản xuất, đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi để nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ; chuyển đổi diện tích lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản; khai thác tiềm năng mặt nước, tập trung phát triển các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, đối tượng nuôi bản địa, quý hiếm, các loài có năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện địa phương, như: Cá rô phi, cá chép, cá trắm cỏ và một số loài có giá trị cao như cá tầm, cá hồi, cá nheo mỹ,...; tổ chức lại sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị; đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... Nâng cấp trại sản xuất, ương dưỡng giống đã có đảm bảo cơ sở sản xuất, ương dưỡng con giống tại chỗ đảm bảo chất lượng cung ứng cho nhân dân trong tỉnh.

Bảo vệ, khai thác, phát triển nguồn lợi thủy sản: Bảo tồn và phát triển các loài thủy sản bản địa, quý hiếm, tổ chức quản lý, bảo vệ các khu vực cấm khai thác có thời hạn nhằm bảo vệ khu vực thủy sản tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của các loài thủy sản; tổ chức thả bổ sung các giống, loài thủy sản vào thủy vực như sông, hồ chứa, hồ thủy điện để khôi phục khả năng tái tạo quần đàn, cân bằng sinh thái, tăng sản lượng thủy sản tự nhiên, tạo sinh kế cho nhân dân.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng nhiều hình thức đến các tổ chức cộng đồng, người dân khai thác thủy sản, tổ chức ký cam kết tuân thủ quy định pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chủ cơ sở thu mua, kinh doanh thủy sản cam kết không buôn bán, nuôi nhốt các loài thủy sinh nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; quản lý chặt chẽ và ngăn chặn hiệu quả tình trạng khai thác không tuân thủ theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản,..

Phát triển sơ chế, chế biến, thương mại thủy sản: Phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, đồng quản lý, liên doanh, liên kết giữa các tổ chức, cá nhân theo hình thức hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị một số sản phẩm có lợi thế gồm: Cá rô phi, cá tầm, cá hồi... Xây dựng thương hiệu sản phẩm đối với các loài cá nước lạnh, các loài cá đặc sản, các sản phẩm đã qua chế biến; kiểm soát, quản lý chất lượng các sản phẩm chế biến thủy sản đáp ứng yêu cầu thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Kạn đưa ra một số giải pháp chủ yếu như phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản; phát triển kết cấu hạ tầng thủy sản; ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt các cơ chế chính sách; tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh....

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác