QUẢN LÝ RÁC THẢI NHỰA ĐẠI DƯƠNG, HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN THỦY SẢN BỀN VỮNG (23-12-2021)

Ngày 23/12/2021, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với IUCN, WWF tổ chức “Diễn đàn quốc gia Quản lý rác thải nhựa đại dương: hướng tới phát triển Thủy sản bền vững”.
QUẢN LÝ RÁC THẢI NHỰA ĐẠI DƯƠNG, HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN THỦY SẢN BỀN VỮNG

Để triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động Quản lý rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản, giai đoạn 2020-2030” được phê duyệt tại Quyết định 687/QĐ-BNN-TCTS của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 05/2/2021, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp cùng Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tổ chức “Diễn đàn quốc gia “Quản lý rác thải nhựa đại dương: hướng tới phát triển Thủy sản bền vững sản” (theo hình thức họp trực tiếp kết hợp trực tuyến). Chủ trì diễn đàn là ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản.

Thành phần tham dự gồm có các đại biểu của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính, Vụ Pháp chế, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản); Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Viện Chiến lược Chính sách Tài Nguyên và Môi Trường); Tổng cục Thủy sản (Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Vụ Khai thác thủy sản, Vụ Nuôi trồng thủy sản, Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Vụ Pháp chế thanh tra, Vụ Kế hoạch tài chính, Trung tâm Thông tin thủy sản) và các Viện nghiên cứu: RIA 1, 2, 3, VIFEP, Viện Tài nguyên và Môi trường…

Cùng tham dự Diễn đàn còn có các tổ chức trong nước và quốc tế như: IUCN, WWF, UNDP, FAO, GIZ, Innovation Norway, Greenhub, IDH, MCD, ICAFISH; các Hội và Hiệp hội (VASEP, Hội Nghề cá, Hiệp hội Nuôi biển, Hội Nước mắm truyền thống, Hiệp hội cá Tra); nhóm PPP Thủy sản; các chuyên gia; doanh nghiệp trong các lĩnh vực thủy sản, môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Quảng Ninh, Phú Yên, Kiên Giang…; Mạng lưới các khu bảo tồn biển; Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, ngư dân Tp Đà Nẵng…

Diễn đàn đã được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ kết quả triển khai Kế hoạch hành động Quản lý rác thải nhựa đại dương ngành Thuỷ sản và hướng thực hiện trong thời gian tới của một số tỉnh, một số tổ chức. Đồng thời, chia sẻ những sáng kiến/ đề xuất mới liên quan đến rác thải nhựa hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động Quản lý rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản, lấy ý kiến tham vấn của đại biểu.

Phiên I – Tổng kết các hoạt động quản lý rác thải nhựa hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động Quản lý rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản

Tại phiên I, diễn đàn đã cập nhật tiến độ thực hiện Kế hoạch hành động Quản lý rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản; Tình hình triển Kế hoạch hành động Quản lý rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản và kế hoạch 2022 tại các tỉnh Quảng Ninh, Phú Yên và Kiên Giang; Rác thải tàu cá - một số thực tiễn từ thí điểm các dự án nhỏ của UNDP/GEF; Kết quả hoạt động quản lý rác thải nhựa tại Khu bảo tồn; Khó khăn và thách thức trong quá trình thực hiện; Những hoạt động/dự án IUCN đang thực hiện, hỗ trợ Kế hoạch hành động Quản lý rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản; Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế để bảo vệ môi trường biển, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và triển vọng cho quản lý rác thải lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; Những hoạt động/dự án WWF Việt Nam đang thực hiện, hỗ trợ Kế hoạch hành động Quản lý rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản; Những sáng kiến của IDH trong quản lý rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản

Đặc biệt tại Phiên I, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân đã đọc bản khai mạc Lễ công bố: Khởi động thực hiện“Mô hình thí điểm quản lý rác thải nhựa cho tàu cá, cảng cá thực hiện phụ lục V công ước MARPOL”.

Phiên II – Chia sẻ các sáng kiến quản lý RTN, hỗ trợ thực hiện KHHĐ quản lý rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản

Phiên II chủ yếu tập trung vào 04 nhóm sáng kiến cụ thể như sau: Sáng kiến 1 - Báo cáo lượng vật liệu nhựa sử dụng trong ngành nuôi tôm và đề xuất thành lập nhóm hợp tác công-tư về quản lý vật liệu nhựa ngành nuôi tôm, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; Sáng kiến 2 - Giới thiệu nội dung, hoạt động “Mô hình thí điểm quản lý rác thải nhựa cho tàu cá, cảng cá thực hiện phụ lục V công ước MARPOL”; Sáng kiến 3 - Chia sẻ những sáng kiến GreenHub đang thực hiện, hỗ trợ Kế hoạch hành động Quản lý rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản; Sáng kiến 4 - Chia sẻ các sáng kiến thúc đẩy sự chủ động của ngư dân tham gia vào giảm thiểu, thu gom, sử dụng hợp lý rác thải nhựa đại dương.

Theo Tổng cục Thủy sản, thực hiện “Kế hoạch hành động Quản lý rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản, giai đoạn 2020-2030” (phê duyệt tại Quyết định 687/QĐ-BNN-TCTS của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 05/2/2021), nhiệm vụ quá nhiều và không dễ thực hiện. Tuy nhiên, đây là nội dung quan trọng, cần thiết, cấp bách, phải hạ quyết tâm thực hiện. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Trần Đình Luân nhấn mạnh: Ngành Thủy sản cần tăng cường tuyên truyền để triển khai thực hiện hiệu quả cho dù có thể còn phải tiếp tục bàn bạc trong nhiều lần, 3-5-7 năm… Nhất là, cần tuyên truyền để các tổ chức tài chính có thể nắm được tầm quan trọng của việc quản lý rác thải nhựa, tình trạng thực tế, từ đó quyết định cùng chia sẻ với ngành Thủy sản để đạt được mục tiêu chung.

Công cuộc quản lý rác thải nhựa là công cuộc dài hơi. Tuy nhiên, ngành Thủy sản sẽ không để những khó khăn về mặt tài chính, nhân lực, tính chất công việc (khó làm, khó triển khai) mà chùn bước

Tỉnh Quảng Ninh chính là một điểm sáng trong việc triển khai Kế hoạch hành động Quản lý rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản. Các kết quả mà tỉnh Quảng Ninh đạt được (trong việc sử dụng vật liệu mới, thay thế, phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản và tự xây dựng Bộ tiêu chuẩn riêng của địa phương) một lần nữa đã chứng minh rằng: Không có cái gì là khó, chỉ có quyết tâm thực hiện hay không. Ông Luân mong muốn rằng mô hình thực hiện của tỉnh Quảng Ninh cần được nhân rộng trong tương lai, nhằm khuyến khích các địa phương khác cùng thực hiện (nhất là các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam).

Ngoài ra, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân cũng chỉ đạo: Việc tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, liên tục (từ những mô hình nhỏ, kết quả nhỏ) chứ không ồ ạt thông tin, tuyên truyền sau mỗi sự kiện về rác thải nhựa đại dương. Đồng thời, ông nhấn mạnh về việc “tích hợp đa giá trị” gắn với du lịch, bảo vệ môi trường… Ông Luân cho biết, “tích hợp đa giá trị” chính là nội dung mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thường xuyên nói tới và mong muốn toàn ngành hướng tới.  

Đối với ngành Thủy sản, nếu việc quản lý rác thải nhựa được thực hiện tốt, nhất định sẽ đem lại giá trị cao về nhiều mặt: Ngư dân không phải đi xa mới có thu nhập; Do không hủy hoại môi trường và hệ sinh thái nên có thể tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên ngay tại quê nhà; Quê hương chính là nơi đáng sống… Đó cũng là mục tiêu phấn đấu của ngành Thủy sản để bà con nông ngư dân luôn được hưởng những điều tốt đẹp nhất.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác