BÀ RỊA – VŨNG TÀU: Thực hiện 09 nhóm giải pháp đồng bộ phát triển bền vững ngành thủy sản (18-11-2021)

Đó là một trong những mục tiêu trọng tâm trong Kế hoạch hành động của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để thực hiện Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
BÀ RỊA – VŨNG TÀU: Thực hiện 09 nhóm giải pháp đồng bộ phát triển bền vững ngành thủy sản

Theo đó, để hiện thực hóa những mục tiêu Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề ra mục tiêu phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp 1ý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản thời kỳ 2021-2030 đạt 4,24%/năm. Tổng sản 1ượng thủy sản đến năm 2030 1à 352.500 tấn, trong đó, nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 22.500 tấn, sản lượng khai thác thủy sản khoảng 330.000 tấn. Đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 500 triệu USD.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề ra 09 nhóm giải pháp đồng bộ nhằm phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng đưa ngành thủy sản phát triển một cách bền vững như: Hoàn thiện tổ chức bộ máy; Tổ chức tuyên truyền; Xây dựng triển khai tác đề án, dự án phát triển; Tổ chức sản xuất thủy sản bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Nuôi trồng thủy sản; Khai thác thủy sản; Chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản; Xúc tiến và phát triển thị trường.

Hình thành trung tâm nghề cá lớn

Để phát triển một cách bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề ra một số chương trình, đề án, dự án như: Kế hoạch phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững; Kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản; Xây dựng các Đề án phát triển ngành thủy sản: Đề án Điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng trên vùng biển của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Đề án chuyển đổi nghề cho tàu cá đang hoạt động khai thác ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh; Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển và hải đảo; Đề án phát triển chế biến và thương mại thủy sản; Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thủy sản; Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản; Đề án phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản; Đề án thành lập mới các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phục hồi các hệ sinh thái biển; Xây dựng, thực hiện các dự án đầu tư: Hình thành trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Đông Nam Bộ; Nâng cấp, mở rộng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão của Tỉnh….

Phát triển bảo tồn biển gắn với du lịch

Theo Kế hoạch, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ thực hiện điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên phạm vi toàn tỉnh làm cơ sở bảo vệ, tái tạo và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản. Phát triển bảo tồn biển gắn với du lịch sinh thái và nông thôn mới. Đặc biệt, ứng dụng trồng, cấy san hô đảm bảo phục hồi các hệ sinh thái rạn san hô. Hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Một trong những điểm đáng chú ý trong Kế hoạch là việc thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với các vùng biển ven bờ, vùng nước nội địa....

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi khai khai thác thủy sản

Giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác thủy sản có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu đã được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa trong chiến lược phát triển thủy sản trong thời gian tới. Để chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm, cần thực hiện chuyển đổi các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi, sử dụng nhiều nhiên liệu sang các nghề khai thác thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức các hoạt động khai thác thủy sản vùng lộng, vùng ven bờ và khai thác thủy sản nội địa hợp lý, gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí. Phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác, đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản của các vùng biển; Tổ chức khai thác thủy sản theo hình thức đồng quản lý kết hợp bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản. Tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định…Áp dụng khoa học công nghệ trong bảo quản sản phẩm để giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản. Khai thác thủy sản gắn liền với bảo vệ và phát triển nguồn lợi, bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, giảm số lượng tàu cá toàn tỉnh xuống còn 5.000 chiếc, trong đó có 2.880 tàu cá hoạt động xa bờ; Hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó với các sự cố, rủi ro, thiên tai trên biển.

Đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ, hậu cần, sơ chế, bảo quản, trung chuyển sản phẩm tại Côn Đảo; Khuyến khích phát triển dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác thủy sản và nuôi trồng thủy sản trên biển, hình thành chợ đầu mối, chợ đấu giá thủy sản, các cơ sở chế biến, kho lạnh tại cảng cá; Áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, tự động hóa, chuyển đổi số nâng cao hiệu quả trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thủy sản.

Phát triển nuôi biển khu vực Côn Đảo và khu vực ven biển

Lập và triển khai Đề án phát triển nuôi biển khu vực Côn Đảo và khu vực ven biển, vịnh, cửa sông theo hướng ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở kêu gọi và ưu đãi đầu tư cho các tổ chức, cá nhân có khả năng về tiềm lực đầu tư nuôi hải sản; Quản lý và kiểm soát chặt chẽ dư lượng kháng sinh trong sản xuất, hoá chất, nguồn nước cấp, nước thải của các cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản tập trung; Phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP); Xây dựng hệ thống trạm quan trắc môi trường nước tự động dạng phao nổi phục vụ nuôi trồng thủy sản; dự báo, cảnh báo sớm về chất lượng môi trường và dịch bệnh thủy sản bằng công cụ tính toán khoa học và trí tuệ nhân tạo; Điều tra, đánh giá việc bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, đề ra các biện pháp xử lý nhằm giảm nguồn ô nhiễm, chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản;  Xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản. Phòng bệnh và khống chế có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm; tập trung, huy động các nguồn lực để chủ động phòng bệnh, chủ động giám sát, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và khống chế có hiệu quả các bệnh nguy hiểm trên thủy sản được ưu tiên kiểm soát….

Ngoài ra, cùng với phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đặt ra các giải pháp nhằm phát triển công nghiệp chế biến thủy sản quy mô hàng hóa lớn, thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…Phát triển, mở rộng thị trường nội địa; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tại các nước, khu vực đã và đang ký kết các Hiệp định thương mại tự do; phát triển mở rộng các thị trường trọng điểm và tiềm năng; Đưa sản phẩm tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh, đồng thời quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm; Thực hiện hoạt động nghiên cứu, dự báo thị trường thủy sản.

Nguyễn Bình

Ý kiến bạn đọc

Tin khác