Các tỉnh, thành phố phía Nam: Những việc cần làm ngay để bảo đảm chuỗi cung ứng nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 (20-07-2021)

Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến ngành nông nghiệp các tỉnh phía Nam. Việc sản xuất và tiêu thụ nông sản của người dân, doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn. Vì vậy, chiều 19/7/2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các tỉnh miền Nam và Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng dự còn có Tổ công tác đặc biệt phòng, chống COVID-19 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương; các Hội, Hiệp hội ngành hàng.
Các tỉnh, thành phố phía Nam: Những việc cần làm ngay để bảo đảm chuỗi cung ứng nông sản trong điều kiện dịch COVID-19
Ảnh minh họa

Hội nghị đã đi thẳng vào vấn đề tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong lưu thông nông sản hàng hóa cung ứng từ các tỉnh, thành phía Nam vào thành phố Hồ Chí Minh. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố phía Nam đều cho rằng, thị trường nông sản ở phía Nam đang tồn tại nhiều bất cập và mâu thuẫn. Nông sản hàng hóa ở các địa phương đang dư thừa rất nhiều, dẫn đến một số nông sản chủ lực, sản lượng lớn bị rớt giá, ảnh hưởng đến đời sống người nuôi, trồng. Trong khi đó, thị trường thành phố Hồ Chí Minh lại đang khan hiếm, giá cả tăng cao, khiến cho cuộc sống người dân thành phố càng thêm khó khăn, chật vật.

Những bất cập, ách tắc trong khâu vận chuyển hàng hóa nông sản thiết yếu, kết nối cung-cầu đều xuất phát từ cơ chế kiểm soát dịch bệnh của các tỉnh, mỗi nơi một kiểu, nhất là sự cứng nhắc các chốt kiểm soát dịch bệnh. Hiện tại, hoạt động sản xuất nông nghiệp của các tỉnh, thành đang diễn ra thuận lợi, nguồn hàng dồi dào. Do vậy, các tỉnh đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cùng với lãnh đạo thành phố vào cuộc tháo gỡ khó khăn, ban hành cơ chế thông thoáng, đảm bảo cung-cầu hàng hóa thiết yếu diễn ra bình thường như trước khi có dịch bệnh.     

Sản xuất thực phẩm dồi dào, cần nhất bảo đảm lưu thông

Theo Báo điện tử Chính phủ, giá nhiều nông sản giảm mạnh khi các đợt dịch bùng phát trùng với thời điểm vào vụ thu hoạch rộ. Hiện các mặt hàng nông sản thiết yếu ở các tỉnh, thành phố phía Nam rất dồi dào. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hoạt động thu mua nông sản của các thương lái đã chậm lại, (thậm chí đóng cửa do dịch bệnh). Nhiều chợ đầu mối nông sản lớn đã đóng cửa, dừng hoạt động nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Việc đóng cửa chợ đầu mối nông sản lớn đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản. Việc phân phối các mặt hàng nông sản, thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội. Nguồn tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản thiết yếu hiện nay là tại các chợ truyền thống, trong khi nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các chợ là rất cao.

Mặt khác, các xe vận chuyển nông sản khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ phải tuân thủ kiểm dịch, kiểm tra nhiều tại các chốt nên chi phí vận chuyển tăng cao (gấp 2-3 lần). Hơn nữa, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa khó khăn do nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu lái xe khi đi ra từ vùng dịch phải thực hiện cách ly, khiến các thương lái có tâm lý lo ngại khi vào địa bàn các tỉnh để thu mua nông sản. Cùng với đó là tình trạng container vận chuyển khan hiếm, giá thành vận chuyển cao, nhiều lái xe lo ngại việc thực hiện cách ly thời gian dài sau khi từ vùng có dịch trở về... Tất cả những nguyên nhân trên đã dẫn tới tình trạng sản xuất, tiêu thụ nông sản của nông dân tại các tỉnh, thành phố phía Nam đang gặp không ít khó khăn, cần sớm được tháo gỡ.

Đối với lĩnh vực thủy sản, vận chuyển khó khăn đã làm giảm giá thu mua thủy sản. Hiện các tỉnh phía Nam vẫn duy trì diện tích, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản nên vẫn đảm bảo nguồn cung nguyên liệu phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Nhìn chung, tình hình sản xuất thủy sản vẫn diễn ra tương đối ổn định và có tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, tác động của dịch Covid-19 đã khiến hoạt động vận chuyển tiêu thụ thủy sản gặp nhiều khó khăn; giá tôm, cá thương phẩm có chiều hướng giảm nhẹ so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam. Chính vì vậy, cần có các biện pháp để hỗ trợ lưu thông, vận chuyển và điều tiết hàng thủy sản đến các điểm tiêu thụ trong bối cảnh giãn cách xã hội được thực hiện tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam theo Chỉ thị 16.

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản

Tại cuộc họp trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã ghi nhận những khó khăn mà ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố phía Nam đã nêu ra, đồng thời nhấn mạnh những việc cần làm ngay của các tỉnh, thành phố phía Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch bệnh: Một là, các tỉnh có 02 nhiệm vụ về cung ứng sản xuất: Bảo đảm cung ứng cho địa bàn; Tiếp tục hỗ trợ cho thành phố Hồ Chí Minh. Hai là, các tỉnh cần báo cáo Tổ công tác đặc biệt phòng, chống COVID-19 của hai bộ (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương) về tình hình cơ sở sản xuất. Nếu một cơ sở chế biến giết mổ có nhân viên mắc COVID-19 sẽ làm đứt gãy cả chuỗi cung ứng. Các tỉnh cần rà soát lại, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh. Ba là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã tạo điều kiện tối đa để cung ứng nông sản, các tỉnh phải cung ứng sản phẩm tiêu thụ và cả vật tư để sản xuất. Cùng với đó, các tỉnh nên phối hợp với Bộ Công Thương để củng cố, phát triển chuỗi cung ứng nông sản của địa phương.

            Trước mắt, Thứ trưởng đề nghị ngành nông nghiệp phía Nam cần chủ động phối hợp với Sở Công thương địa phương nắm chắc và cung cấp nhanh chóng thông tin cụ thể hàng ngày về tình hình sản xuất, sản lượng cần thu hoạch các mặt hàng nông sản thiết yếu (kể cả các loại vật tư đầu vào thiết yếu) của tháng 7 này và tháng 8 tới cho đầu mối của Tổ công tác đặc biệt phòng, chống COVID-19 của hai bộ (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương); xây dựng các kịch bản sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản trong cả những tình huống xấu nhất nhằm đảm bảo sản xuất, cung ứng lương thực thực phẩm cho các thành phố lớn và tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Trước mắt là sản xuất phải đảm bảo đủ nguồn cung ứng cho người dân trong tỉnh, sau đó mới thực hiện liên kết đưa hàng đi tiêu thụ nơi khác.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác