Khai mạc Hội chợ Triển lãm quốc tế ngành tôm Việt Nam (VietShrimp 2021) tại Cần Thơ (14-04-2021)

Sáng ngày 14/4, tại thành phố Cần Thơ, được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản tổ chức khai mạc Hội chợ Triển lãm Quốc tế ngành tôm Việt Nam lần thứ ba năm 2021 (VietShrimp 2021) tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (108A Lê Lợi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ).
Khai mạc Hội chợ Triển lãm quốc tế ngành tôm Việt Nam (VietShrimp 2021) tại Cần Thơ

Tham dự Lễ khai mạc có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, Tổng cục Thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Hội Nghề cá Việt Nam, Tạp chí Thủy sản Việt Nam, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản các tỉnh/thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), các doanh nghiệp cung ứng thiết bị, thức ăn, sản xuất chế biến và xuất khẩu trong lĩnh vực thủy sản, người nuôi cùng các phóng viên báo chí đã đến đưa tin về buổi lễ.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức hội chợ cho biết, Hội chợ VietShrimp 2021 lần này được tổ chức đã quy tụ các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và trên thế giới hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm tôm. Ngoài ra, Hội chợ VietShrimp 2021 thu hút các doanh nghiệp cung ứng, các ngành phụ trợ phục vụ trong nuôi trồng sản xuất chế biến ngành tôm như: trang thiết bị, vật tư, vật liệu phục vụ ao nuôi tôm, các máy móc thiết bị, thức ăn, chế phẩm sinh học. Đặc biệt, Hội chợ lần này có sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng. Các doanh nghiệp mang đến Hội chợ lần này những công nghệ, giải pháp nhằm giúp người nuôi tiếp cận được những công nghệ tiên tiến trên thế giới góp phần vào nâng cao năng suất, giảm chi phí, giá thành trong sản xuất giúp người nuôi kiểm soát chặt chẽ môi trường dịch bệnh góp phần vào thành công trong nuôi tôm. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, các nhà cung ứng, các nhà sản xuất chế biến, các nhà khoa học, chuyên gia và người nuôi gặp gỡ, trao đổi các kinh nghiệm, tìm kiếm mở rộng các đối tác trong hoạt động thương mại.

Trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm lần này còn có các phiên hội thảo chuyên đề với sự tham gia và chia sẻ thông tin hữu ích liên quan đến định hướng chiến lược phát triển ngành tôm trong thời gian tới, tình hình xu thế tiêu thụ tôm trên thế giới, thực trạng phát triển ngành tôm của các nước trên thế giới, các xu thế ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số…trong lĩnh vực nuôi tôm của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu trong nước và trên thế giới.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn ra tại các nước trên thế giới và trong khu vực, Ban Tổ chức đã thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm phòng ngừa dịch Covid-19 và đảm bảo cho các doanh nghiệp, khách hàng tham quan tại Hội chợ điều kiện để thực hiện sát khuẩn trước khi tham quan.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hè Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết, đồng bằng sông Cửu Long nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng có rất nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ. Trong thời gian qua, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao đang ngày một phát triển trên cả nước, nhất là tại các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL trong đó có Cần Thơ. Thành phố Cần Thơ coi động lực phát triển nuôi trồng thủy sản làm trụ cột trong trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian qua, địa phương rất quan tâm và tạo điều kiện đầu tư phát triển, với mục tiêu hướng đến một ngành hàng phát triển hiệu quả và bền vững.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của ngành thủy sản trong trục chiến lược của ngành kinh tế tại khu vực ĐBSCL, đưa đối tượng tôm trở thành đối tượng chủ lực trong phát triển của ngành thủy sản. Đây là tiền đề hết sức quan trọng để thúc đẩy hơn nữa phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi lễ, Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đánh giá cao Hội Nghề cá Việt Nam, Tạp Chí thủy sản Việt Nam cùng với các đơn vị liên quan đã khẩn trương phối hợp tổ chức Hội chợ Triển lãm Quốc tế ngành tôm Việt Nam lần thứ ba năm 2021 tại thành phố Cần Thơ. Ban Tổ chức Hội chợ đã quy tụ các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, khu vực và thế giới trong ngành tôm. Đây là cơ hội rất lớn cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp cùng với người nuôi tìm ra các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành tôm.

 

Ngành thủy sản nói chung và lĩnh vực nuôi tôm nước lợ nói riêng ngày càng đóng vai trò rất quan trọng, đóng góp tỷ trọng trong phát triển chung của ngành nông nghiệp. Năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên toàn cầu đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ kém kéo theo giá cả tôm giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, người nuôi tôm đã vượt qua những khó khăn thách thức đạt được kết quả rất ấn tượng.  Năm 2020 xuất khẩu tôm đã cán đích 411.000 tấn, giá trị xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,73 tỷ USD, tăng 6,72% về lượng và 11,07% về giá trị so với năm 2019.

Ngành tôm nước lợ đã tận dụng tốt lợi thế từ FTA song phương và đa phương ở những thị trường lớn để duy trì và tăng thị phần trong bối cảnh nguồn cung và nhu cầu nhập khẩu tôm thế giới chịu tác động lớn từ Covid-19”. Đặc biệt là Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội lợi thế cho xuất khẩu thủy sản nói chung và xuất khẩu tôm nói riêng.

Đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025”. Theo đó, mục tiêu phát triển ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.

Kế hoạch hành động cũng nêu rõ phát triển sản xuất gắn chặt với nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm Việt Nam; đầu tư phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị; trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là động lực của toàn chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn, tạo đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2021, toàn ngành tôm nước lợ đặt mục tiêu diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 740.000 ha, sản lượng 930.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm của ngành tôm thế giới, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn. Việt Nam có thể trở thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số 1 thế giới, chiếm 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng gần 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị 20 tỷ USD vào năm 2045.

Với chủ đề “Đích đến bền vững”, VietShrimp 2021 mong muốn được chung tay đóng góp để cùng hành động, hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ, trở thành “diễn đàn” lớn của cả 4 nhà: Nhà quản lý – nhà khoa học – nhà kinh doanh – nhà nông; giới thiệu các sản phẩm công nghệ mới, mô hình tiên tiến, kết nối sản xuất, tiêu thụ, nhằm nâng cao sản lượng, giá trị, bảo đảm lợi ích cho cộng đồng ngành tôm Việt Nam; tăng cường quảng bá hình ảnh con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Hội chợ Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 14 – 16/04/2021 tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ – 08A Lê Lợi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác