Các hành vi được coi là khai thác bất hợp pháp của Hoa Kỳ và Việt Nam (07-04-2021)

Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về thuỷ sản bền vững và cũng là những nước lớn, sớm tham gia vào các nỗ lực quốc tế chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và gian lận thương mại, thông qua các chương trình hoạt động, các biện pháp cùng hệ thống pháp lý nhằm giảm thiểu hoạt động khai thác, thương mại sản phẩm khai thác IUU gây tổn hại đến môi trường biển và nguồn lợi thuỷ sản.
Các hành vi được coi là khai thác bất hợp pháp của Hoa Kỳ và Việt Nam
Ảnh minh họa

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã có những chương trình và quy định cụ thể nhằm chống lại hoạt động khai thác IUU như Đạo luật thực thi chống khai thác IUU năm 2015, Đạo luật bảo vệ động vật biển có vú, Chương trình an toàn cá heo, Chương trình kiểm soát thủy sản nhập khẩu…Theo đó, Hoa Kỳ có các quy định áp dụng đối với nghề cá thương mại và nghề cá xuất khẩu của các nước. Đối tượng áp dụng là sản phẩm nhập khẩu từ các nước được xác định có thể khai thác IUU hoặc khai thác ảnh hưởng đến động vật biển có vú.

Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng đứng thứ 6 về xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 7% trong thị phần và Hoa Kỳ luôn nằm trong nhóm 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Chính vì vậy, hai bên cần nỗ lực hợp tác quốc tế trong các hoạt động chống khai thác bất hợp pháp (IUU).

Trong năm 2020, Tổng cục Thủy sản và Cục Phòng chống ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế (INL), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ký kết một Bản ghi nhớ (MoU) nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật thủy sản, quản lý nghề cá và phòng chống khai thác IUU.

Hiện Hoa Kỳ và Việt Nam đã liệt kê cụ thể một số nhóm hành vi bị coi là khai thác bất hợp pháp và các quy định về xử lý đối với các trường hợp vi phạm, cụ thể:

Đối với Hoa Kỳ

Liên quan đến hoạt động khai thác (IUU), khai thác không chủ ý và bảo tồn cá mập được Hoa Kỳ luật hóa trong các Đạo luật như: Đạo luật Magnuson-Stevens (MSA) năm 1976; Đạo luật Bảo tồn cá mập năm 2010; Đạo luật thực thi chống khai thác IUU năm 2015; Đạo luật Đảm bảo tiếp cận nghề cá Thái Bình Dương; Đạo luật cấm đánh bắt bằng lưới kéo trên biển; Đạo luật thực thi nghề khai thác bằng lưới kéo trên biển; Đạo luật Tuân thủ đánh bắt trên biển; Đạo luật Bảo vệ động vật biển có vú; Đạo luật về các loài nguy cấp;…

Trong đó, đáng chú ý ngày 22/10/2015, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật chống khai thác IUU. Luật này mới trao thêm quyền cho các thanh tra viên của NOAA được phép kiểm tra kỹ lưỡng và từ chối cập cảng Hoa Kỳ đối với các tàu cá bị nghi ngờ khai thác IUU.

Điểm nổi bật của Luật mới tăng cường thực thi chống khai thác IUU: (1) Bổ sung thêm thẩm quyền thực thị cho Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ và Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA); (2) Đưa ra các quy tắc và quy định về việc xác nhận giấy phép tàu, lên tàu và tìm kiếm tàu, từ chối cập cảng, giúp thúc đẩy nghề cá có trách nhiệm và bền vững bằng cách loại bỏ các sản phẩm bất hợp pháp khỏi chuỗi cung ứng thủy sản; (3) Nâng cao năng lực giám sát các tàu cá nước ngoài hoạt động bất hợp pháp thông qua tăng cường chia sẻ thông tin với các chính phủ nước ngoài. Việc tăng cường tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc sẽ giúp nhiều cơ quan có thẩm quyền xác định và xử phạt quốc gia không tuân thủ các quy định quản lý nghề cá; Thiết lập các chế tài xử lý dân sự và hình sự đối với các tàu bị phát hiện vi phạm công ước;…

Theo đó, một số nhóm hành vi chung bị coi là khai thác bất hợp pháp được Hoa Kỳ quy định như: (1) Đánh bắt hải sản không có giấy phép hoặc hạn ngạch cho một số loài nhất định; (2) Không báo cáo sản lượng đánh bắt hoặc báo cáo sai (3) Đánh bắt/thu giữ các loài hải sản không đủ kích thước hoặc các loài được bảo theo quy định (4) Đánh bắt trong các khu vực đóng cửa hoặc trong các mùa đóng cửa và sử dụng các ngư cụ bị cấm (5) Thực hiện chuyển tải trái phép (ví dụ: chuyển thủy hải sản) sang tàu hàng.

Đối với Việt Nam

Luật Thủy sản 2017 đã quy định những hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp được quy định chi tiết tại Điều 60 Mục 4 Chương IV, có 14 nhóm hành vi dưới đây được coi là hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, cụ thể như:

(1) Khai thác thủy sản không có giấy phép; (2) Khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm; (3) Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; (4) Khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác; (5) Khai thác thủy sản vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép; (6) Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; (7) Ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; (8) Chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng; (9) Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định; (10) Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; (11) Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp; (12) Không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định; (13) Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực; (14) Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác