Tập trung mọi giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất thủy sản thời gian tới (06-04-2021)

Đó là chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân tại Hội nghị Giao ban Quý I và kế hoạch triển khai nhiệm vụ tháng 4 và Quý II/2021 của ngành Thủy sản vừa mới diễn ra tại Hà Nội.
Tập trung mọi giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất thủy sản thời gian tới

 Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản tháng 03/2021 đạt trên 656 nghìn tấn (tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó sản lượng khai thác trên 316 nghìn tấn (tăng 2,1%), sản lượng nuôi trồng thủy sản 340 nghìn tấn (tăng 4,2%).

Lũy kế đến hết quý 1/2021, tổng sản lượng thủy sản của cả nước ước đạt gần 1,798 triệu tấn (tăng 2,1% so với cùng kỳ 2020; bằng 20,9% kế hoạch 2021), trong đó, sản lượng khai thác đạt 858 nghìn tấn (tăng 1,1%), sản lượng nuôi trồng thủy sản 940 nghìn tấn (tăng 3,1%).

Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản nửa đầu tháng 03/2021 (từ 01/3 đến 15/3/2021) đạt 326 triệu USD, lũy kế giá trị xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ 2020, đạt 15,6% kế hoạch 2021 (8,5 tỷ USD). Dự kiến đến hết quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần mức kế hoạch quý I đề ra (1,85 tỷ USD).

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản tính đến ngày 18/3/2021, diện tích nuôi tôm nước lợ ước diện tích tôm thả nuôi lũy kế khoảng 508 nghìn ha, trong đó, tôm sú là 487 nghìn ha, thẻ chân trắng là 21 nghìn ha. Trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng tôm nước lợ đạt 124,8 nghìn tấn (đạt 13,8% so với kế hoạch năm 2021), trong đó: sản lượng tôm sú đạt 47,1 nghìn tấn (tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2020); tôm thẻ chân trắng đạt 77,7 nghìn tấn (tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020).

Tại Hội nghị, Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết, từ đầu năm đến nay xuất khẩu thủy sản có nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường duy trì đà tăng trưởng khá, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tiếp tục tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu. Mặt khác, giá tôm nguyên liệu có xu hướng tăng cao từ đầu năm đến nay, hiện giá tôm thương phẩm tăng 10-30% so với cùng kỳ năm ngoái, tạo điều kiện cho người nuôi đầu tư vào sản xuất. Hiện nay thời tiết diễn biến tương đối thuận lợi, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đến chính vụ nuôi tôm nước lợ, do đó, trong thời gian tới diện tích nuôi tôm nước lợ sẽ tăng mạnh.

 Về nuôi cá tra, ông Cẩn cho biết, tổng diện tích thả nuôi mới trong quý I/2021 đạt 825 ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Một tín hiệu khả quan đối với người nuôi cá tra trong thời gian vừa qua là giá cá tra thương phẩm có xu hướng tăng trở lại sau một thời gian dài ảm đạm, đặc biệt là trong năm 2020. Hiện giá cá tra thương phẩm loại 1 hiện dao động ở mức 19.500-20.500 đồng/kg.

Tuy nhiên, lĩnh vực Nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới cần phải chủ động, quyết liệt hơn nữa để thực hiện một số giải pháp như: Phối hợp chặt chẽ với phía Hoa Kỳ trong việc thực hiện đánh giá công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa kỳ; Kiểm soát giá thức ăn, vật tư đầu vào; Đẩy mạnh công tác cấp mã số vùng nuôi để đáp ứng với yêu cầu phía thị trường xuất khẩu...

Về lĩnh vực khai thác thủy sản, Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản cho biết, trong quý I/2021 thời tiết trên biển tương đối thuận lợi, ngư dân đã tích cực, chủ động tham gia bám biển ở tất cả các vùng biển để khai thác hải sản, sản lượng khai thác đạt khá. Trong quý I/2021, giá các sản phẩm khai thác duy trì mức cao do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản trong dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh.

Hiện nay, đang trong vụ cá Bắc nên ngư trường khai thác chủ yếu của ngư dân tập trung nhiều tại vùng biển phía Nam và xung quanh hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Để tăng hiệu quả kinh tế, bà con ngư dân cũng linh hoạt chuyển đổi nghề khai thác sang nghề chụp, vây hoặc câu để khai thác các loại hải sản có giá trị cao như cá ngừ đại dương, cá thu, cá hố, mực. Một số tỉnh miền Trung như:  Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hòa khai thác được nhiều loài hải sản như cá nục, cá ngừ sọc dưa, cá cơm.

Tại Hội nghị, ông Trung cho biết trong thời gian tới, lĩnh vực khai thác thủy sản cần tập trung các giải pháp như: Tiếp tục thực hiện việc công bố mở cảng cá theo Luật Thủy sản 2017; Hoàn thiện sửa đổi các Nghị định, Thông tư liên quan đến lĩnh vực khai thác thủy sản; Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, xử lý vướng mắc về chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác và quản lý tàu cá tại cảng theo Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 13/2020/TT-BNNPTNT để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hải sản không bị ảnh hưởng và triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU; Rà soát điều chỉnh hạn ngạch giấy phép khai thác vùng khơi.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị đại diện lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo tình hình chỉ đạo điều hành, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và kết quả chỉ đạo sản xuất trong quý I/2021 và giải pháp thúc đẩy nhiệm vụ trong những tháng tiếp theo để đưa ngành Thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng, đạt các mục tiêu kế hoạch đã đề ra trong năm 2021 cũng như triển khai thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược Phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ như: Tiếp tục triển khai nhiệm vụ lập các quy hoạch ngành quốc gia theo kế hoạch năm 2021; Tập trung xây dựng: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản; Thông tư quy định về quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển của lực lượng Kiểm ngư; Triển khai tổ chức các Hội nghị, hội thảo chuyên ngành về nuôi trồng, khai thác thủy sản…; Tăng cường công tác đảm bảo an toàn tàu cá; Triển khai Kế hoạch quản lý rác thải nhựa đại dương; các vấn đề liên quan đến Hợp tác quốc tế; chuyển giao khoa học công nghệ.

Phát biểu kết luật hội nghị, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân đã chỉ đạo, các đơn vị tập trung mọi giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất ngành Thủy sản trong thời gian tới, cụ thể:

Khẩn trương triển khai tổ chức các Hội nghị, hội thảo chuyên ngành trong các lĩnh vực, lồng ghép với các nội dung liên quan đến định hướng trong Chiến lược Phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân đề nghị tiếp tục bám sát diễn biến thời tiết, tiến hành quan trắc môi trường, theo dõi các địa phương thực hiện khung lịch thời vụ thả giống để có những khuyến cáo kịp thời, nhằm giảm tối đa thiệt hại do môi trường, dịch bệnh.

Khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển Việt Nam, Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản.

Đẩy mạnh công tác cấp mã số vùng nuôi trồng thủy sản phục vụ yêu cầu của các đối tác xuất khẩu về truy xuất nguồn gốc thủy sản. Tổ chức thanh tra chuyên ngành trong cơ sở nuôi trồng sản xuất.

Về lĩnh vực khai thác thủy sản, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết hoạt động trên biển để thúc đẩy ngư dân tiếp tục vươn khơi tham gia sản xuất, bám ngư trường.

Tiếp tục hoàn thiện các Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản.

Tiếp tục, nghiên cứu các tiêu chí để căn cứ đánh giá lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao về vi phạm khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Liên quan đến lĩnh vực bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân yêu cầu khẩn trương triển khai các thủ tục để điều tra nguồn lợi hải sản vùng biển sâu.

Tổ chức Hội nghị tổng kết, kết quả thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam giai đoạn 2017-2020, tiếp tục ký Bản ghi nhớ hợp tác trong thời gian tới. Xây dựng Kế hoạch quản lý và bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng yêu cầu các đơn vị tập trung phối hợp với các địa phương triển khai công tác thanh tra chuyên ngành liên quan đến hoạt động sản xuất giống, điều kiện về cơ sở nuôi trồng thủy sản, công tác giám sát tại địa phương. Triển khai phối hợp với các đơn vị và các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ triển khai hoạt động hợp tác đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) trong lĩnh vực Thủy sản. Bên cạnh đó, tiếp tục Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030, xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực thủy sản. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn tàu cá, phối hợp với các lực lượng chấp pháp trên biển để xử lý những sự cố tai nạn trên biển một cách kịp thời có hiệu quả.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác