Các giải pháp chủ yếu để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia (06-04-2021)

Ngày 25 tháng 3 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; Trong đó nêu rõ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết này.
Các giải pháp chủ yếu để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia
Ảnh minh họa

Đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất lương thực, gắn với thị trường: Đa dạng hóa đối tượng, phương thức nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, chú trọng các đối tượng nuôi chủ lực, gắn với cấp mã vùng, truy xuất nguồn gốc. Giảm khai thác thủy sản ven bờ, phát triển khai thác hải sản xa bờ bền vững. Cơ cấu lại trồng trọt theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, miền; gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, đáp ứng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp; ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất lương thực: Tiếp tục đầu tư, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai hiện đại, đồng bộ; bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, bảo đảm tưới tiêu chủ động cho đất chuyên trồng lúa và tăng diện tích tưới cho cây trồng cạn. Phát triển thủy lợi đa mục tiêu, ưu tiên đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Tập trung đầu tư phát triển cảng cá kết hợp với khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá.

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến lương thực: Tập trung nghiên cứu, chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với cây lúa, cây ăn quả tập trung chọn tạo các giống giàu dinh dưỡng, chịu mặn, chịu hạn, chịu úng. Nghiên cứu vắc xin vật nuôi thế hệ mới phòng các bệnh nguy hiểm; phát triển công nghệ chế biến sâu các sản phẩm vật nuôi đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển các vùng sản xuất tập trung, an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP), gắn với cấp mã số vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến. Thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm; thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đáp ứng yêu cầu cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, thông minh, hữu cơ. Tăng cường thu hút, đào tạo chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, công nhân nông nghiệp đảm bảo đủ năng lực tiếp thu, vận hành chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất lương thực, thực phẩm. Đồng thời, tiếp tục đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo hướng phục vụ cơ cấu lại ngành và xây dựng nông thôn mới; chú trọng đào tạo các ngành, nghề phát triển sản xuất, chế biến, khoa học kỹ thuật, quản trị, kinh doanh lương thực, thực phẩm.

Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất lương thực: Sắp xếp, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất; nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức của nông dân trong sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm. Với vùng chuyên canh, ưu tiên tổ chức lại sản xuất gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực (lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản...). Với các vùng không chuyên canh, tăng quy mô, tích tụ, tập trung ruộng đất, hỗ trợ về giống, kỹ thuật. Hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị (trong đó: Doanh nghiệp giữ vai trò là “trụ cột”, nòng cốt, dẫn dắt, nhằm góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và tăng thu nhập cho các thành viên).

Tăng cường ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông sản dược liệu. Sắp xếp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước lĩnh vực lương thực, thực phẩm. Tăng cường sự tham gia của các hội, hiệp hội ngành hàng trong các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là trong phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ lương thực, thực phẩm. Đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương trong sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng, địa phương hướng tới phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị, tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Đổi mới cơ chế chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia: Hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai, đầu tư, tài chính, tín dụng, thương mại hỗ trợ cho nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lương thực, thực phẩm, trong đó chú trọng lúa gạo. Điều chỉnh chính sách hỗ trợ các địa phương, hộ gia đình bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất lúa (nhất là đất lúa 2 vụ); thực hiện chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa. Hoàn thiện cơ chế điều hành xuất, nhập khẩu lương thực, thực phẩm linh hoạt, phù hợp với cơ chế thị trường; kết hợp tốt giữa dự trữ lưu thông và dự trữ quốc gia để bảo đảm đáp ứng yêu cầu cứu trợ lương thực, thực phẩm (trong trường hợp khẩn cấp). Hoàn thiện các quy định pháp lý về thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm liên quan đến an ninh lương thực, thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi của tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm và an ninh lương thực quốc gia…

Phát triển hệ thống lưu thông, tăng khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm cho người dân ở mọi lúc, mọi nơi: Phát triển và hỗ trợ thương mại lương thực, thực phẩm. Phát triển hạ tầng thương mại hiện đại và truyền thống đồng bộ trên cơ sở tận dụng những ưu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện tốt công tác dự báo về tình hình sản xuất và tiêu thụ lương thực, thực phẩm. Nâng cao hiệu quả phối hợp quản lý giữa dự trữ lưu thông và dự trữ quốc gia để phòng ngừa thiên tai và bình ổn thị trường. Thực hiện cơ chế điều hành xuất khẩu lương thực, thực phẩm linh hoạt, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả xuất khẩu; quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân phù hợp với tình hình thị trường, tạo thuận lợi tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát triển hệ thống thông tin, truyền thông về an ninh lương thực quốc gia: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền với các loại hình, phương thức, nội dung phù hợp với từng vùng, miền và từng nhóm đối tượng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an ninh lương thực; quán triệt nhận thức về an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới. Xây dựng, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu, mạng thông tin an ninh lương thực, thực phẩm toàn quốc để cung cấp thông tin, số liệu chính xác về sản xuất, thu hoạch, dự trữ, thị trường và xuất khẩu lương thực, thực phẩm. Đồng thời, thường xuyên cập nhật hệ thống thông tin dự báo về cung - cầu lương thực, thực phẩm phục vụ quản lý, điều hành.

Bên cạnh đó, đầu tư, xây dựng mạng lưới cảnh báo, dự báo thiên tai, khí tượng thủy văn, theo dõi chặt chẽ quá trình biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tại các địa phương, xây dựng hệ thống thông tin dự báo về sản xuất, chế biến, tiêu thụ lương thực, thực phẩm để định hướng, chỉ đạo sản xuất. Nâng cao vai trò của các Hiệp hội ngành hàng trong cung cấp thông tin thị trường, sản phẩm lương thực, thực phẩm. Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục sức khỏe nhân dân. Phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm đối tượng.

Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai: Nâng cao hiệu quả quản lý; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, nước, rừng; Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý, bố trí, sử dụng đất trồng lúa tập trung, hiệu quả, bền vững. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống hồ chứa nước, công trình, hệ thống kiểm soát mặn, ngọt, đập ngăn mặn đảm bảo an ninh nguồn nước cho sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững; bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Đồng thời, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động phát sinh chất thải, nước thải, khí thải và các chất gây ô nhiễm môi trường khác; sử dụng hợp lý phân bón hóa học, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo vệ môi trường đất và nước ngầm.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực: Tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức lương thực quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến an ninh lương thực, như: biến đổi khí hậu, sử dụng nguồn nước, kiểm soát dịch bệnh, khoa học công nghệ, thương mại xuất nhập khẩu… Đàm phán hài hòa hóa và công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm. Tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật trên cơ sở quản lý hiệu quả sản xuất và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nhằm đẩy mạnh thị trường xuất khẩu lương thực, nhất là các thị trường Việt Nam đã ký kết, tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs), trong đó có các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới và chất lượng cao như CPTPP, EVFTA, RCEP...

Thông tin chi tiết: Xem tại Trang tin điện tử Tổng cục Thủy sản https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác