Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành thủy sản năm 2020 triển khai nhiệm vụ năm 2021 (26-03-2021)

Ngày 26/3, tại thành phố Hải Phòng, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng tổ chức “Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống thiên tai chuyên ngành thủy sản và triển khai nhiệm vụ năm 2021”.
Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành thủy sản năm 2020 triển khai nhiệm vụ năm 2021

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Cục Cảnh sát giao thông, Cục An ninh Kinh tế – Bộ Công an, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản, Chi cục Thủy sản của 28 tỉnh/thành phố ven biển, cùng các phóng viên báo chí đến đưa tin về Hội nghị.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Nguyễn Quang Hùng và ông Vũ Bá Công, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng, Vũ Bá Công đã chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Lê Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết năm 2020 tình hình thiên tai diễn ra dồn dập và khốc liệt, đặc biệt những tháng cuối năm, mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền của cả nước với 16 loại hình thiên tai, trong đó có 12 đợt rủi ro thiên tai cấp độ 3 với 14 cơn bão và 02 ATNĐ (tăng 06 cơn bão so với năm 2019). Tính đến ngày 2/12, thiên tai đã làm 288 người chết, 65 người mất tích và 876 người bị thương; 3.424 nhà sập, 333.050 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp; 509.793 lượt nhà bị ngập. Ngoài ra, các loại hình thiên tai cũng làm thiệt hại 196.887 ha lúa và hoa màu; 51.923 con gia súc và 4,11 triệu con gia cầm chết, cuốn trôi; hàng nghìn km đê kè, kênh mương, bờ sông, bờ biển, đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng. Ước tính thiệt hại về kinh tế lên đến hơn 35.181 tỷ đồng. Đặc biệt, từ giữa tháng 9/2020 đến tháng 11/2020, bão, lũ xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung với quy mô rộng lớn, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức triển khai theo dõi và nắm bắt số lượng tàu cá hoạt động trên các vùng biển, khu neo đậu phòng tránh trú bão, khu vực nuôi trồng thủy sản, đối tượng nuôi trồng thủy sản nghiêm túc, hiệu quả góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, cụ thể: Tổng cục thủy sản đã tổ chức trực ban 24/24 theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão/ATNĐ, thông qua Hệ thống Giám sát tàu cá đã thông tin kịp thời đường đi, hướng di chuyển của bão, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nắm thông tin và kêu gọi tàu cá nằm trong vùng ảnh hưởng của bão di chuyển tìm nơi tránh trú, hỗ trợ kịp thời tàu cá và ngư dân bị tai nạn, sự cố trên biển góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản do bão gây ra; Chủ động ứng phó với các tác động của biển đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết; Tổng cục Thủy sản cũng đã cập nhật và kịp thời ban hành hướng dẫn tàu thuyền tránh, trú, neo đậu và các giải pháp bảo vệ ao, đầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi có bão, ATNĐ; Công tác phối hợp với các đơn vị đã được tăng cường, trao đổi thông tin, các biện pháp kịp thời tháo gỡ, khó khăn vướng mắc, theo dõi và nắm số lượng tàu cá hoạt động trên các vùng biển, khu neo đậu phòng tránh trú bão, khu vực nuôi trồng thủy sản, đối tượng nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, do các đợt bão, lũ lớn xuất hiện liên tiếp với cường độ mạnh đã vượt mức lũ lịch sử. Ngập lụt đã xảy ra trên diện rộng, ngập lụt nhiều nơi trên nửa tháng đã gây ảnh hưởng rất nặng nề đối với lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản, theo thống kê tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 12.672ha/27.660 ha (chiếm 45,8% diện tích đang nuôi); 828 ô, lồng (ước khoảng 49.740 m3 lồng nuôi); 88 tàu thuyền khai thác hải sản bị hư hại, trong đó 69 tàu bị chìm, tổng thiệt hại kinh tế đối với lĩnh vực thủy sản khoảng 1.151 tỷ đồng.

Trước những thiệt hại, khó khăn của người dân chịu thiệt hại của bão, lũ Tổng cục Thủy sản đã ban hành công văn gửi Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh miền Trung, Cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; đồng thời gửi 89 doanh nghiệp sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, Hiệp hội tôm giống Bình Thuận, Ninh Thuận và các cơ sở sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng, kêu gọi ủng hộ người dân nuôi trồng thủy sản khôi phục sản xuất do mưa bão gây ra. Trong một thời gian ngắn đã kêu gọi hỗ trợ được trên 76 triệu giống tôm thẻ chân trắng, 150 tấn thức ăn hỗn hợp nuôi tôm nước lợ, 150 tấn sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, tổng trị giá 27,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản cũng đã phối hợp với các tổ chức, các nhân, doanh nghiệp, ngân hàng hỗ trợ hàng chục tỷ đồng và hiện vật cho gia đình và ngư dân có người gặp nạn trên biển, kịp thời động viên ngư dân vượt qua khó khăn, tiếp tục bám biển sản xuất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản cũng đã tổ chức các đoàn kịp thời hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất tại các tỉnh chịu thiệt hại.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn như: công tác phối hợp trong tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra các tình huống tai nạn trên biển; vấn đề xác thực thông tin, vị trí tàu cá tai nạn trên biển; công tác quản lý, vận hành hệ thống giám sát thiết bị hành trình tàu cá, chia sẽ, phân quyền dữ liệu phần mềm giám sát tàu cá; công tác tuyên truyền cho ngư dân kiến thức, kỹ năng liên quan đảm bảo an toàn tàu cá trên biển,…Công tác đẩy mạnh lắp đặt, duy trì giám sát hành trình tàu cá; công tác xử lý những trường hợp vi phạm trong việc duy trì thiết bị giám sát hành trình; cập nhật thông tin dự báo về thiên tai.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Bão và ATNĐ có khả năng xuất hiện sớm và xảy ra nhiều cơn bão hơn trên khu vực Biển Đông. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới năm 2021 trên khu vực Biển Đông, cũng như ảnh hưởng đến đất liền có xu hướng xấp xỉ trong những năm trước. Cụ thể, năm 2021 dự báo sẽ có khoảng 10-13 cơn bão/ATNĐ trên Biển Đông, trong đó dự báo có khoảng 4 cơn bão cường độ mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, xu hướng ảnh hưởng đến đất liền tập trung nhiều trong các tháng, giữa năm và cuối năm. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết, khí hậu thường có những biến động mạnh. Trên phạm vi toàn quốc cũng như khu vực Biển Đông sẽ có bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong các tháng mùa hè năm 2021. Năm 2021, về tổng lượng mưa dự báo sẽ cao hơn trung bình so với nhiều năm trước.

Tại Hội nghị, ông Lê Văn Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thủy sản cho biết, hiện nay Trung tâm Thông tin thủy sản được giao tổ chức thực hiện quản lý hệ thống giám sát tàu cá và dữ liệu giám sát tàu cá toàn quốc. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới, hệ thống sẽ cập nhật kịp thời thông tin bão, áp thấp từ Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia lên hệ thống giám sát tàu cá từ đó biết được số lượng tàu cá nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, thông tin các tàu xung quanh khi một tàu có sự cố. Thông qua Hệ thống Giám sát tàu cá, Trung tâm Thông tin thủy sản đã thông tin kịp thời đường đi, hướng di chuyển của bão, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nắm thông tin và kêu gọi tàu cá nằm trong vùng ảnh hưởng của bão di chuyển tìm nơi tránh trú, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản do bão gây ra. Chính vì vậy, để phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển mang lại hiệu quả, kịp thời xử lý những tình huống tai nạn xảy ra trên biển, phục vụ thông báo cho tàu thuyền vào nơi tránh, trú bão an toàn khi có bão, ATNĐ xảy ra, các cơ quan quản lý tại địa phương cần tuyên truyền cho người dân  nghiêm túc thực hiện việc duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình, không cho ra khơi những trường hợp tàu cá không lắp đặt và không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Phòng cho biết, mặc dù, trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trước, trong và sau bão, địa phương cũng đã triển khai đồng bộ tất cả các lực lượng tại cơ sở như Bộ đội Biên phòng, Ban quản lý cảng cá, UBND các huyện, thị xã, UBND các xã/ phường ven biển trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, khi có bão, ATNĐ vẫn xảy ra những tổn thất, thiệt hại về người và phương tiện của người dân tham gia hoạt động khai thác trên biên…Nguyên nhân chủ yếu là do một số ngư dân vẫn còn chủ quan trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, các khu neo đậu tránh trú bão chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu của số lượng tàu thuyền trong toàn tỉnh khi có bão xẩy ra. Mặt khác, hệ thống luồng lạch cạn dẫn đến khó khăn trong việc điều động tàu thuyền, lực lượng chức năng yếu và mỏng nên nhiều lúc chưa đảm bảo bố trí đầy đủ lực lượng tại các vị trí.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Quang Hùng đánh giá cao sự phối hợp với các lực lượng trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành thủy sản trong năm 2020 góp phần vào giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và vật chất của người dân trong nuôi trồng và khai thác thủy sản. Đặc biệt, trong năm 2020, thiên tai, bão lũ xảy ra liên tục, cường độ mạnh, diễn biến dị thường nhưng các lực lượng đã kịp thời thông báo thường xuyên, liên tục đến người dân, chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, chủ tàu thuyền đường đi, hướng di chuyển của bão di chuyển tìm nơi tránh trú, hỗ trợ kịp thời tàu cá và ngư dân bị tai nạn.

Để công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành thủy sản được thực hiện hiệu quả, kịp thời, đồng bộ góp phần giảm thiểu tối đa những thiệt hại của người dân về người và của giúp ngành thủy sản thực hiện các mục tiêu kế hoạch đặt ra trong năm 2021, ông Nguyễn Quang Hùng yêu cầu:

Cần kiện toàn Ban chỉ huy PCTT & TKCN; ban hành Quy chế mới về PCTT & TKCN chuyên ngành thủy sản.

Tiếp tục tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi tổ chức thông báo, cảnh báo và kịp thời tham mưu chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Đẩy mạnh công tác tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân về công tác đảm bảo an toàn tàu cá nhằm thực hiện có hiệu quả các quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Các biện pháp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra đối với bà con ngư dân nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt hướng dẫn tàu thuyền tránh, trú, neo đậu và các giải pháp bảo vệ ao, đầm, di chuyển lồng bè nuôi trồng thủy sản khi có bão, áp thấp nhiệt đới

Tăng cường truyền thông, đào tạo tập huấn cho người dân về Luật, quy định quốc tế liên quan đến đảm bảo an toàn hàng hải cho người dân.

Tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Cục cảnh sát giao thông, Cục Lãnh sự - Bộ ngoại giao, Viện Y học biển, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải để trao đổi thông tin cũng như kịp thời hỗ trợ, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cho tàu cá và ngư dân hoạt động trên biển

Tăng cường phối hợp, sử dụng hiệu quả đường dây nóng các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa Việt Nam và các nước, đồng thời tăng cường phối hợp chặt chẽ với Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao để kịp thời hỗ trợ cho ngư dân gặp sự cố do thiên tai khi hoạt động khai thác trên biển.

Tiếp tục triển khai quy hoạch và kế hoạch đầu tư cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Rà soát, cập nhật và tham mưu công bố đóng, mở mới các cảng cá, công bố danh sách khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên cả nước theo quy định.

Rà soát lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn vào trong các quy hoạch, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành thủy sản.

Yêu cầu các tỉnh/thành phố ven biển thực hiện kiểm tra, kiểm soát công tác an toàn tàu cá và các quy định về an toàn tàu cá, trước khi xuất bến và cập bến theo quy định pháp luật đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác