17 nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp để thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ (09-02-2021)

Ngày 21 tháng 01 năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt Nghị quyết số 06/NQ-CP ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị.
17 nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp để thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ
Ảnh minh họa

Theo đó, các nhiệm vụ cụ thể về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai được quy định như sau: Chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn; xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hệ thống quan trắc tai biến địa chất và phòng chống thiên tai; tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống giám sát bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng công nghệ viễn thám; Triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chổng, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn; Đánh giá rủi ro do biến đổi khí hậu theo vùng, miền; cập nhật các bản đồ nguy cơ ngập lụt theo kịch bản nước biển dâng đến cấp xã; Triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, đầu tư hoàn thiện và nâng cấp hệ thống đê biển, các công trình chống sạt lở ven sông, ven biển (nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long).

Về quản lý tài nguyên nước: Thực hiện quy hoạch, quan trắc, giám sát tài nguyên nước và giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Xây dựng và duy trì hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra. Xây dựng và thực hiện Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Theo dõi, đánh giá, dự báo, thực hiện các giải pháp chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn (ưu tiên những vùng bị ảnh hưởng nặng); thực hiện các giải pháp tổng thể để tăng cường khả năng trữ nước của những vùng thường xuyên bị hạn hán…

Đối với tài nguyên biển: Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát triển và hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát tổng hợp và thống nhất tài nguyên và môi trường biển.       Hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, tập trung xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường biển quốc gia; đầu tư phát triển đội tàu điều tra, khảo sát, nghiên cứu biển. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, giá trị, biến động tài nguyên biển, nguồn lợi thủy sản. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản; ngăn chặn tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt, không theo mùa vụ, khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

17 nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình, đề án của ngành Nông nghiệp

Theo Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì thực hiện 17 nội dung sau: (1) Xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030; (2) Xây dựng Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (3) Xây dựng Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (4) Xây dựng Quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai; (5) Xây dựng Quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê; (6) Xây dựng Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (7) Xây dựng Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (8) Xây dựng Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia; (9) Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; (10) Xây dựng Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; (11) Xây dựng Chương trình phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; sắp xếp dân cư vùng rủi ro thiên tai cao giai đoạn 2021-2025; (12) Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã giai đoạn 2021-2025; (13) Xây dựng Đề án tổng thể phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên; (14) Xây dựng Đề án tổng thể phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc; (15) Xây dựng Đề án phát triển hợp tác xã nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long 2020-2022; (16) Xây dựng Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; (17) Xây dựng Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2025.

Trên cơ sở các nhiệm vụ cụ thể nêu trêm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình tình thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch, chương trình thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Thông tin chi tiết: Xem tại Trang tin điện tử Tổng cục Thủy sản https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác