Cần Thơ: Tập trung phát triển thủy sản theo hướng ổn định và bền vững (20-01-2021)

Năm 2020, kết quả khai thác và nuôi trồng thủy sản của Cần Thơ đạt khá; trong khi dịch bệnh Covid-19 khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Bước sang năm 2021, Cần Thơ đã xác định mục tiêu phấn đấu: Phát triển thủy sản theo hướng ổn định và bền vững.
Cần Thơ: Tập trung phát triển thủy sản theo hướng ổn định và bền vững
Ảnh minh họa

Năm 2021, Cần Thơ đặt chỉ tiêu Tổng diện tích nuôi thủy sản là 8.200 ha; trong đó, chủ yếu là diện tích nuôi cá 8.189 ha, chiếm 99,86% (diện tích nuôi cá tra 736 ha); diện tích nuôi tôm 11 ha. Tổng sản lượng thủy sản 202.000 tấn: (1) Sản lượng nuôi thủy sản 199.600 tấn, chiếm 98,81% tổng sản lượng thủy sản của Cần Thơ; trong đó: Sản lượng tôm là 12 tấn; Sản lượng cá các loại là 199.588 tấn (sản lượng cá tra 163.765 tấn, chiếm 82,05% tổng sản lượng cá các loại); (2) Sản lượng khai thác thủy sản 2.400 tấn.

Nhìn chung, Cần Thơ có thế mạnh về nuôi cá nên sẽ tập trung nuôi các loài cá tra, cá chép, thát lát, rô phi, rô đồng, điêu hồng, trê lai, sặc rằn, chạch lấu... Trong đó, chú trọng phát triển mô hình nuôi cá tra thâm canh, mô hình nuôi cá thát lát có giá trị kinh tế cao, mô hình nuôi cá lồng bè với đối tượng nuôi là cá sát sọc (một đối tượng nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm tăng thêm sự đa dạng về đối tượng nuôi), mô hình nuôi cá chạch lấu thương phẩm và mô hình nuôi cá cảnh.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra “Phát triển thủy sản theo hướng ổn định và bền vững”, ngay từ đầu năm, thành phố Cần Thơ sẽ tăng cường công tác quản lý chất lượng giống thủy sản và vật tư đầu vào nhằm duy trì lợi nhuận tối đa cho người nuôi. Đồng thời, duy trì và đẩy mạnh hình thức nuôi gia công, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Tăng cường xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực nuôi thương phẩm, sản xuất giống, vật tư và chế biến thủy sản. Xây dựng Kế hoạch Chương trình Khuyến ngư ổn định từ 3-5 năm theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP để theo dõi, đánh giá rút kinh nghiệm kết quả một cách liên tục và hiệu quả.

Tăng cường áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: công nghệ sản xuất giống thủy sản mới, kỹ thuật nuôi thủy sản hiện đại nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên nước và bảo vệ môi trường. Đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi, phát triển các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả như: nuôi cá sặc rằn, rô đồng trong ao, nuôi lươn trên bể không bùn sử dụng con giống nhân tạo và thức ăn viên, nuôi cá chạch lấu trong ao, cá tai tượng da beo… Xây dựng vùng nuôi các đối tượng thủy đặc sản tập trung thông qua việc hỗ trợ các mô hình trình diễn thuộc Chương trình Khuyến ngư địa phương. Tiếp tục hỗ trợ cho người nuôi thủy sản áp dụng Quy phạm thực hành nuôi thủy sản tốt (VietGAP) trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Thực hiện “Kế hoạch quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2025” và phối hợp thực hiện Dự án Quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi thủy sản trên sông Hậu, giúp địa phương trong tổ chức sản xuất, phòng tránh dịch bệnh trên động vật thủy sản. Thực hiện Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao (giai đoạn 2020-2025). Triển khai Dự án “Đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp sản xuất giống cá tra tập trung”. Xây dựng Vùng sản xuất giống cá tra tập trung với quy mô 100 ha để ương nuôi cá bột lên cá giống. Nâng cấp cơ sở hạ tầng (thủy lợi, giao thông, điện…), cải thiện quy trình ương nuôi cá giống để tăng tỷ lệ sống, nâng cao chất lượng giống cá tra. Triển khai Dự án “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại Trung tâm giống thủy sản cấp I Cần Thơ.

Bên cạnh đó, tổ chức lại các hộ nuôi thủy sản theo hình thức như: Tổ hợp tác, Hợp tác xã... Tổ chức lại các Hội, Hiệp hội nhằm đảm bảo vai trò trong việc làm cầu nối và tổ chức liên kết giữa các khâu của quá trình sản xuất và tiêu thụ. Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nguyên liệu - chế biến - tiêu thụ nhằm bảo vệ lợi ích các bên tham gia, mở rộng và khuyến khích các hình thức nuôi “gia công”, “liên kết”, “nuôi theo hợp đồng”. Với mục tiêu tất cả các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn được bao tiêu sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết với thương lái, các chợ đầu mối, các siêu thị và hệ thống bán lẻ nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm thủy sản.

Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủy đặc sản ở địa phương. Quảng bá sản phẩm thông qua Hội nghị kết nối cung cầu với các tỉnh thành khác, liên kết giữa người nuôi thủy sản với các doanh nghiệp, các hệ thống siêu thị hoặc thương lái trong việc bao tiêu sản phẩm cho người nuôi thủy sản.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức/ cá nhân thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến tại Cổng thông tin dịch vụ công của thành phố Cần Thơ (dichvucong.cantho.gov.vn). Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản. Tích cực tuyên truyền, vận động các cơ sở thực hiện tốt các quy định pháp luật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần phát triển ngành Thủy sản Cần Thơ theo hướng ổn định và bền vững.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác