Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đăng ký vùng nuôi trồng thủy sản (23-09-2020)

Sáng nay ngày 23/9, tại Cần Thơ, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị “Đánh giá kết quả và bàn giải pháp thực hiện đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực tại Đồng bằng sông Cửu Long”.
Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đăng ký vùng nuôi trồng thủy sản

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Trần Đình Luân và Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, Ông Phạm Trường Yên đã chủ trì Hội nghị

Tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đại diện các Hiệp hội ngành hàng, các viện, trường và các phóng viên báo đài đến đưa tin Hội nghị

Trước những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thủy sản nuôi nhằm đáp ứng yêu cầu mới từ thị trường EU, Trung Quốc và một số thị trường khác. Ngoài ra, Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu (gọi tắt là SIMP) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp dụng kể từ ngày 31/12/2018 đối với một số sản phẩm thủy sản, trong đó bao gồm tôm nước lợ xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ phải thực hiện khai báo xuất xứ, chứng minh tính pháp lý. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang các thị trường trên.

Triển khai thực hiện Luật Thuỷ sản 2017 và các văn bản hướng dẫn về công tác quản lý nuôi trồng thủy sản, theo đó, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp các địa phương triển khai thực hiện công tác đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực tại Đồng bằng sông Cửu Long. Việc này giúp các cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp và các đối tác thương mại nắm bắt được thông tin về từng vùng nuôi từ diện tích, sản lượng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, nhằm minh bạch thông tin sản phẩm và kiểm soát được chất lượng đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn thị trường. Tuy nhiên trong quá trình triển khai công tác đăng ký nuôi trồng thủy sản vẫn còn chậm, một phần, do ảnh hưởng bởi Dịch bệnh Covid_19.

Hiện công tác đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực được thực hiện theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản năm 2017, để thực hiện có hiệu quả, Tổng cục Thủy sản cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn về việc triển khai đăng ký nuôi cá tra và các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, đồng thời tổ chức nhiều Hội nghị, hội thảo, tập huấn hướng dẫn, triển khai tới cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương và người sản xuất thủy sản. Đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã tiến hành cấp mã số cho ao nuôi của cơ sở nuôi cá tra; cơ sở nuôi tôm nước lợ cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ước có khoảng 494.635 cơ sở nuôi tôm nước lợ thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký và cấp giấy xác nhận. Đến nay, các tỉnh (Sóc Trăng; Kiên Giang; Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu...) cũng đang tập trung đẩy mạnh cấp cấp mã số cho ao nuôi cho hai đối tượng tôm và cá tra. Tuy nhiên quá trình triển khai vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Tại Hội nghị, Ông Trần Đình Luân cho biết, hiện nay, Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU đã có hiệu lực. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22% sẽ được giảm về 0%, trong đó đáng chú ý là các sản phẩm tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh (mã HS 03061792) được giảm từ mức đang áp dụng là 4,2% (thuế GSP) về 0% ngay từ ngày 1/8/2020. Sản phẩm tôm mã HS03 hiện đang chiếm khoảng 30% giá trị XK thủy sản Việt Nam, 55% giá trị xuất khẩu tôm với giá trị dao động 300 – 500 triệu USD/năm. Lợi thế rõ rệt để nhà xuất khẩu Việt Nam đàm phán với nhà NK EU khi so sánh với tôm cùng loại từ Thái Lan đang bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia bị thuế GSP4,2%, Ecuador thuế cơ bản 12%.

Tuy nhiên, để tận dụng được ưu đãi thuế quan, ngành thủy sản cần có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng ATVSTP đạt tiêu chuẩn và tuân thủ quy định của thị trường EU. Điều quan trọng là doanh nghiệp biết tận dụng hiệu quả và linh hoạt, trung thực và hiệu quả quy tắc xuất xứ của hiệp định. Chính vì vậy, quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm phải được thực hiện nghiêm túc đồng bộ, do đó, các địa phương, các doanh nghiệp cần vào cuộc quyết liệt đẩy mạnh công tác cấp mã số vùng nuôi, đăng ký vùng nuôi, lồng bè…Ông Luân chỉ đạo.

Tại Hội nghị, các đại biểu chỉ ra rằng hiện nay, trong quá trình triển khai, công tác tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký nuôi đối tượng thủy sản chủ lực và nuôi thủy sản lồng bè của chính quyền địa phương đến người dân còn chậm và chưa được quan tâm thực hiện. Số cơ sở nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số, nhận thức, chưa hiểu rõ mục đích của việc đăng ký nuôi đối tượng thuỷ sản chủ lực hoặc không chủ động thực hiện các thủ tục do phải chuẩn bị thành phần hồ sơ và đến nộp hồ sơ tại cơ quan cấp tỉnh. Một trong những vướng mắc nhất hiện nay, các cơ sở nuôi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không chính chủ và số còn lại thì không có hợp đồng thuê đất dài hạn...Ngoài ra, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân nuôi trồng thủy sản phần lớn là đất trồng lúa, đất rừng, trồng cây hàng năm, đất ven sông... là chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Thủy sản 2017, vì vậy người dân gặp khó khăn khi thiết lập hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản.

Một nguyên nhân khác, hiện nay, đa số người nuôi tôm dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thuế chấp cho ngân hàng vay vốn sản xuất nên gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất nuôi trồng thủy sản. Do đó, việc thực hiện đăng ký nuôi đối tượng thủy sản chủ lực của người dân đến nay chưa thực hiện được theo quy định. Nhiều tổ chức, cá nhân đang nuôi tôm trong vùng đất trồng lúa kém hiệu quả được phép chuyển đổi sang đất nuôi trồng thủy sản nhưng chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn ghi mục đích sử dụng là đất trồng lúa).

Phát biểu kết luận Hội nghị, Ông Trần Đình Luân đề nghị các địa phương cần triển khai nghiêm việc thực hiện đăng ký cấp giấy xác nhận (mã số) đối tượng thủy sản lồng bè, đối tượng thuỷ sản nuôi chủ lực đặc biệt cơ sở nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng).

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn về các quy định của Luật Thuỷ sản 2017; Nghị định 26/2019/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thuỷ sản, đặc biệt thủ tục đăng ký nuôi đối tượng thủy sản chủ lực và nuôi thủy sản lồng bè (trong đó có tôm nước lợ) đến người dân biết và thực hiện tốt hơn.

Rà soát và triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc thực hiện thủ tục hành chính cấp giấy xác nhận cơ sở nuôi tôm để người dân thực hiện; Lập các đoàn công tác phối hợp với các đơn vị, địa phương xuống trực tiếp với người dân để hướng dẫn cơ sở nuôi trồng thuỷ sản về hồ sơ đăng ký cấp giấy xác nhận nuôi thủy sản.

Về một số khó khăn trong được các đại biểu nêu, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản các địa phương sớm tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị chức năng triển khai nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất nuôi trồng thuỷ sản và các vướng mắc liên quan. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức để xử lý những khó khăn, vướng mắc, tồn tại nhất là với ngành Tài nguyên môi trường để có giải pháp tháo gỡ.

Đối với các Hội, hiệp hội, đề nghị Hiệp hội VASEP và cộng đồng doanh nghiệp tích cực phối hợp, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở nuôi tôm, cá tra xuất khẩu thực hiện nghiêm việc đăng ký, cấp mã số theo quy định tại Luật Thủy sản, các văn bản quy định chi tiết và đáp ứng yêu cầu từ thị trường nhập khẩu.

Vận động, tuyên truyền các hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất; Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật.

Các doanh nghiệp, người nuôi tôm cần thực hiện nghiêm việc đăng ký, cấp mã số theo quy định tại Luật Thủy sản. Nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm khâu trung gian để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC, … để nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các thị trường mới. Không sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc, hóa chất trong nuôi tôm; nâng cao chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác