Lô hàng xuất khẩu tôm hưởng thuế xuất 0% đang trên đường sang Châu Âu (11-09-2020)

Sáng nay (11/9), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Công ty TNHH Thông Thuận đã tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng tôm nước lợ vào thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA.
Lô hàng xuất khẩu tôm hưởng thuế xuất 0% đang trên đường sang Châu Âu

Tham dự Lễ xuất khẩu có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ông Phùng Đức Tiến và Ông Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận.

Chứng kiến buổi Lễ còn có bà Madam Elsbeth Akkerman, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam; Ông Carsten Schittek, đại diện phái đoàn EU tại Việt Nam và Ông Trương Hữu Thông, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Thông Thuận Group.

Bên cạnh đó, có đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban ngành: Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, Tổng cục Thủy sản, các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản cùng ban lãnh đạo và nhân viên công ty Thông Thuận, các phóng viên đến dự và đưa tin về buổi lễ.

Những xe container đầu tiên chuyên chở sản phẩm tôm nước lợ hưởng thuế suất 0% đã chính thức rời khu kho xưởng của Công ty TNHH Thông Thuận (tại Ninh Thuận) để qua thị trường EU. Đây là dấu mốc quan trọng đối với ngành tôm Việt Nam nói riêng và Công ty TNHH Thông Thuận nói chung mở ra bước đột phá trong hoạt động xuất khẩu tôm trong thời gian tới.

Hiện nay, Công ty Thông Thuận đang nuôi tôm giống chất lượng cao với sản lượng hàng năm đạt 5 tỷ con giống. Ngoài ra, công ty còn tiến hành nuôi tôm thương phẩm tại tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Kiên Giang để phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Toàn bộ các Xí nghiệp nuôi và nhà máy của Thông Thuận đều đạt tiêu chuẩn quốc tế như: BRC, Global GAP, ASC, BAP….

Đối với lĩnh vực chế biến tôm xuất khẩu, hiện Thông Thuận Group có hai nhà máy: Một nhà máy đặt tại khu công nghiệp Thành Hải, tỉnh Ninh Thuận và một nhà máy đặt tại khu công nghiệp Suối Dầu, tỉnh Khánh Hòa. Doanh số xuất khẩu của hai nhà máy hằng năm đạt 100-120 triệu USD.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu chủ yếu của Thông Thuận là Nhật Bản (35% doanh thu), Châu Âu (45% doanh thu), thị trường Hoa Kỳ chiếm 10% và các thị trường khác là 10%.

EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc – Hồng Kông. Thị trường này luôn chiếm trên 15,12% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường. Trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm khoảng 20,5% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, cá tra chiếm khoảng 11,7%, cá ngừ chiếm khoảng 19,4%, các mặt hàng hải sản chiếm khoảng 30 -35%.

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Đây là một Hiệp định có mức cam kết cao nhất mà một đối tác cam kết dành cho Việt Nam. Với cộng đồng kinh tế hàng đầu trên thế giới gồm 27 quốc gia, trong đó có nhiều nước là cường quốc kinh tế như Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Đan Mạch… với quy mô GDP lên gần 18,3 nghìn tỷ USD, chiếm tỉ trọng 40% ngoại thương toàn cầu là dư địa cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.

Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về về 0% sau từ 3 đến 7 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.

Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%.

Đối với sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh (HS 03061792) được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3-5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm. Đối với sản phẩm cá tra lộ trình giảm thuế 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình 7 năm. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay, trừ thăn cá ngừ đông lạnh (loin) cần lộ trình 7 năm và sản phẩm cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0% là 11.500 tấn.

Văn Thọ

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác