Sản xuất thủy sản đang dần phục hồi (07-08-2020)

Trong tháng 7/2020, toàn ngành Nông nghiệp tiếp tục vừa triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 vừa tích cực tổ chức triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch năm 2020.
Sản xuất thủy sản đang dần phục hồi
Ảnh minh họa

Toàn ngành Nông nghiệp tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, ứng phó với nạn hạn hán, xâm nhập mặn và phòng chống dịch bệnh. Do vậy, sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, lâm nghiệp và thủy sản đã phục hồi sản xuất. Xuất khẩu nhiều mặt hàng đã lấy lại đà tăng trưởng.

Tháng 7, sản xuất thủy sản phục hồi; sản lượng thuỷ sản ước đạt 783,3 nghìn tấn, tăng 1,5% so với tháng 7/2019. Lũy kế 7 tháng, tổng sản lượng ước đạt gần 4,65 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể: Sản lượng khai thác tháng 7 đạt 344,9 nghìn tấn, tăng 2,5% so với tháng 7/2019. Lũy kế 7 tháng, sản lượng khai thác đạt 2,23 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, khai thác biển đạt 2,14 triệu tấn, tăng 1,7%. Sản lượng nuôi trồng tháng 7 ước đạt 438,4 nghìn tấn, tăng 0,7% so với tháng 7/2019. Lũy kế 7 tháng, sản lượng nuôi trồng ước đạt 2,42 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng cá các loại ước đạt 1,69 triệu tấn, giảm 0,1% (cá tra đạt 731,5 nghìn tấn, giảm 2,3%); sản lượng tôm các loại đạt 457,7 nghìn tấn, tăng 6,5% (tôm sú đạt 156,46 nghìn tấn, tăng 1,4%; tôm thẻ chân trắng đạt 217 nghìn tấn, tăng 3,9%).

Trong 7 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông - lâm - thủy sản ước đạt 39,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 22,3 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước đạt 17,2 tỷ USD, giảm 4,6%; Xuất siêu gần 5,2 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Về xuất khẩu

Tháng 7/2020, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng 6/2020. Tuy nhiên, nếu so với tháng 7/2019 thì giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản giảm 1,8%; Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính giảm 13,3%, thủy sản giảm 1,3%, chăn nuôi giảm 32,2%. Trong tháng 7, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 1,4 tỷ USD (giảm 1,0%), lâm sản chính khoảng 1,1 tỷ USD (tăng 9,8%), thủy sản đạt 780 triệu USD (tăng 8,4%).

Lũy kế 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ước đạt 22,3 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt 10,4 tỷ USD (giảm 4,0%), lâm sản chính đạt 6,5 tỷ USD (tăng 6,7%), thủy sản ước đạt 4,4 tỷ USD (giảm 6,4%).

Nhìn chung, các mặt hàng có giá trị xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm 2019 (như: gạo, rau, sắn, tôm, gỗ, quế, mây tre). Xuất khẩu tôm thu về gần 2 tỷ USD (tăng 12,1%). Hiện Việt Nam có 06 nhóm mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, còn có những mặt hàng giảm nhiều (như: cao su, chè, hồ tiêu, quả, cá tra). Xuất khẩu cá tra đạt 828 triệu USD (giảm 26,9%).

Về nhập khẩu

Tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản ước đạt 17,2 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản chính ước đạt 13,9 tỷ USD, giảm 6,1%. Ngoại trừ các mặt hàng dầu mỡ động thực vật, lúa mì, ngô, đậu tương và chăn nuôi có giá trị nhập khẩu tăng, các mặt hàng còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó, thủy sản giảm 6,2%).

Trong tháng 8/2020

Dự kiến, trong tháng 8 tình hình thiên tai, dịch Covid19, dịch bệnh diễn biến khó lường, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất; việc tiêu thụ nông sản (nhất là xuất khẩu) sẽ tốt hơn nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, toàn ngành Nông nghiệp đã hạ quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Cụ thể là, trong lĩnh vực Thuỷ sản: Tập trung hướng dẫn phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao trước diễn biến phức tạp về thời tiết, dịch bệnh; Thông tin kịp thời về thị trường; Triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị mà Liên minh Châu Âu đã đưa ra đối với Việt Nam, nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” hướng tới phát triển thủy sản bền vững. Bên cạnh đó, tổ chức Hội nghị với các địa phương chuyên đề về Xử lý tàu cá vi phạm IUU; Tổng hợp số liệu về tàu cá của các địa phương và trên phần mềm Vnfishbase để điều chỉnh hạn ngạch khai thác; Duy trì tổ chức tuần tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm liên quan khai thác hải sản bất hợp pháp; Tiếp nhận và xử lý thông tin thông qua đường dây nóng, kịp thời tham mưu xử lý sự cố nghề cá trên biển và hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn tàu cá và ngư dân; Xây dựng và hoàn thiện dự thảo Kế hoạch quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2025; Trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác bảo tồn biển; Đặc biệt, tổ chức Hội thảo với các trường học trên địa bàn Thành phố Hà Nội nhằm đưa sản phẩm cá tra vào trường học, hướng tới chuyển dịch cơ cấu tiêu dùng đối với cá tra ở thị trường các tỉnh phía Bắc.

Đối với hoạt động Chế biến và Phát triển thị trường: Sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu trong nước để cân đối cung - cầu, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu nông sản; nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thủy sản tại các khu công nghiệp, đơn vị vũ trang và trường học; Đồng thời, chủ động thông tin tuyên truyền nhằm đa dạng hóa thị trường, hướng người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm để giảm áp lực cho nguồn cung thịt lợn hiện nay. Tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường (mở rộng công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu) sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á - Âu, Hoa Kỳ, Brazil… và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Ả rập xê út; Chuẩn bị kế hoạch làm việc, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tại Trung Quốc, Brasil, Liên bang Nga, Nhật Bản, Úc sau khi dịch Covid-19 chấm dứt.

Đặc biệt, thường xuyên cập nhật diễn biến, tình hình tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch, kịp thời các giải pháp ứng phó; Phổ biến quy định thị trường, chính sách trong thúc đẩy thương mại nông - lâm - thủy sản. Trong đó, phổ biến các quy định mới của Trung Quốc về quy định kiểm tra hàng hóa thủy sản nhập khẩu phải chấp hành nghiêm ngặt về chất lượng hàng hóa, không lây nhiễm Covid-19.

Về Quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm: Tiếp tục triển khai các chương trình giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trong thủy sản nuôi; vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ; sản phẩm nông - thủy sản chế biến. Căn cứ kết quả giám sát, sẽ áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm. Các nhà máy chế biến cần có phương án và thực hiện tốt phòng, chống dịch Covid-19 để bảo đảm an toàn cho người lao động không để ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hàng nông - thủy sản. Đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông - lâm - thủy sản Việt Nam; chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ về tái đánh giá tương đương cá tra xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Đoàn Thanh tra EC sang tái kiểm tra “thẻ vàng”. Bên cạnh đó, tập trung xử lý rào cản thị trường tại Ả rập xê út, Liên bang Nga, Trung Quốc...; Cung cấp kịp thời, chính xác cho các Báo, Đài phổ biến pháp luật, thông tin quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm; Truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác