Hội thảo xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (27-07-2020)

Ngày 25/7/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội thảo xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội thảo có sự tham gia đông đảo của các chuyên gia ngành thủy sản, đại diện các đơn vị nghiên cứu thủy sản, các đơn vị có liên quan. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đã tham dự và chủ trì Hội thảo. Một trong những mục tiêu của Hội thảo là nhằm lấy ý kiến đánh giá về kết quả xây dựng thể chế, chính sách thực hiện chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020, là một trong những cơ sở quan trọng để xây dựng Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội thảo xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Theo báo cáo tại Hội thảo, Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Qua 10 năm thực hiện, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và văn bản pháp luật tạo thể chế, hành lang pháp lý phát triển ngành thủy sản, là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế, xuất khẩu ngày càng nhiều sản phẩm chất lượng cao, đóng góp ngày càng lớn cho thu nhập kinh tế quốc dân, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng trên các vùng biển đảo.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, quá trình triển khai thể chế, các chính sách đã bộc lộ nhiều khuyết điểm, hạn chế, tồn tại. Hơn nữa, tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang có nhiều biến động, thay đổi rất lớn, tác động mạnh mẽ tới tất cả các ngành kinh tế Việt Nam. Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng đã hết thời hiệu. Vì vậy, nghiên cứu, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện thể chế, chính sách trong giai đoạn 2011-2020 thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đánh giá, sau 10 năm thực hiện Quyết định 1690/QĐ-TTg, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Na Uy (chiếm 5,5% toàn cầu). Ngành thủy sản đóng góp khoảng 3,4% vào GPD toàn quốc gia và 25% vào GDP toàn ngành nông nghiệp. Năm 2019 xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD, đóng góp 1,7% vào tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn quốc và đóng góp 20,8% vào tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm cho  3,9 triệu lao động. Ban hành được Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017 và các văn bản hướng dẫn dưới luật phù hợp với thông lệ quản lý nghề cá khu vực và thế giới, đây là căn cứ quan trọng để tổ chức lại sản xuất thủy sản theo hướng hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.

Về cơ bản, các chỉ tiêu lớn chúng ta đều đạt được. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt và bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Cơ cấu sản lượng thủy sản không đạt được mục tiêu đề ra, thực tế sản lượng nuôi trồng thủy sản chỉ đạt 45% so với mục tiêu đề ra là 65-70%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất chỉ đạt 4,4%/năm so với mục tiêu từ 8-10%. Đóng góp của GDP thủy sản vào ngành nông nghiệp chỉ đạt 25% so với mục tiêu đề ra 30-35%. Thu nhập bình quân của lao động chỉ đạt cao gấp 2,5 lần so với mục tiêu đề ra cao gấp 3 lần so với năm 2010. Giải quyết việc làm cho lao động thủy sản chỉ đạt 3,9 triệu, đạt 78% so với mục tiêu đề ra. GDP bình quân đạt được thực tế hiện nay của ngành chỉ đạt 1.700 USD/người/năm, thấp hơn so với mức bình quân chung toàn quốc 2.600 USD/người/năm. Tăng trưởng kinh tế thủy sản chưa đi đôi với bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản bị khai thác quá mức, vượt trội so với mục tiêu đề ra. Ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền trung, cơ cấu nghề khai thác chưa phù hợp, bị cảnh báo thẻ vàng về khai thác bất hợp pháp. Việc xây dựng hình thành các Trung tâm nghề cá lớn còn chậm. Cơ cấu vốn đầu tư cho thủy sản giai đoạn 2010-2019 chỉ chiếm gần 5,3% so với định hướng chiếm trên 10% trong tổng vốn đầu tư cho thủy sản từ ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý.

Theo dự thảo Chiến lược, mục tiêu chung của phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa thủy sản trở thành ngành công nghiệp tiên tiến, hiện đại, khai thác tài nguyên tái tạo có trách nhiệm, hài hòa với môi trường, hệ sinh thái tự nhiên, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế, có năng lực cạnh tranh cao, phát triển bền vững, thuộc nhóm 5 quốc gia hàng đầu sản xuất, xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Đời sống vật chất, tinh thần cộng đồng ngư dân và những người lao đọng thủy sản không ngừng được nâng cao, an sinh xã hội đảm bảo, xã hội làng cá văn minh, đóng góp hiệu quả bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên các vùng biển, đảo.

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia ngành thủy sản đã đưa ra ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo. Đại diện Hội nghề cá Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn, cho rằng: Khai thác hải sản thời gian qua vượt quá kiểm soát, vì vậy,Dự thảo Chiến lược phải đưa ra được giải pháp căn cơ cho việc kiểm soát khai thác biển. Về nuôi trồng thủy sản, cơ bản đã đạt được giá trị sản lượng nhưng về cơ cấu không đạt được. Dự thảo cần chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế. Thời gian tới, sự cạnh tranh của các quốc gia phát triển thủy sản là rất lớn, nên phải sản xuất hiệu quả và rẻ hơn, bên cạnh đó phải có trách nhiệm với môi trường, trong khi ngành thủy sản vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức như dịch bệnh. Về phát triển thị trường thời gian qua chú trọng đến thị trường nước ngoài, chưa chú trọng thị trường trong nước. Trong thời gian tới cần định hướng phát triển bền vững các đối tượng nuôi chủ lực.

Về Khai thác, chuyên ngành thủy sản, Tiến sĩ Nguyễn Long đưa ra ý kiến cần tìm giải pháp giảm tàu thuyền khai thác, cần xây dựng Đề án giảm tàu thuyền thời gian tới. Mục tiêu muốn giảm tàu lưới kéo lại mâu thuẫn với mục tiêu phát triển nuôi biển vì liên quan đến thức ăn cho nuôi biển. Các giải pháp đưa ra nhiều và đưa ra quy hoạch cụ thể nhưng vấn đề đặt ra là ai sẽ là người thực hiện vì vậy cần đưa thành dự án có mục tiêu cụ thể. Do vậy phải đưa ra Kế hoạch hành động cụ thể.

Đại diện VASEP, Phó Tổng thư ký Nguyễn Hoài Nam cho rằng cần có cái nhìn tổng thể về 10 năm tới, nhu cầu cho thủy sản là rất lớn, cả trong nước và thế giới. Xu hướng tiêu dung của thế giới là sản phẩm phải có chứng nhận. Phải chịu sức cạnh tranh lớn. Giá cả tăng lên. Chiến lược cần phải đưa bối cảnh đó để xây dựng. Đồng thời phải đưa quan điểm xây dựng Chiến lược rõ ràng hơn, nên đưa quan điểm là một ngành sản xuất hàng hóa lớn thì phù hợp hơn. Tập trung vào chất lượng. Chỉ tiêu 18-20 tỷ là khó thực hiện.

Một đại biểu khác cho rằng, căn cứ đưa ra xây dựng Chiến lược còn khiêm tốn, chưa đưa vấn đề dịch bệnh Covid vào bối cảnh xây dựng, giải pháp về khoa học công nghệ và cán bộ cho lĩnh vực thủy sản, Cần có định hướng, quan điểm thay đổi so với Chiến lược cũ, đề cao vai trò của dự báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủy sản. Đặc biệt quan tâm đến đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành thủy sản, cấp các chứng chỉ hoạt động. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý một cách cụ thể.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao việc xây dựng Dự thảo cũng như ý kiến đóng góp xây dựng của các đại biểu. Đồng thời, Thứ trưởng chỉ đạo: cần có các tiểu ban để xây dựng từng nội dung cụ thể với từng lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi… Nội dung Chiến lược cần đánh giá một cách cụ thể, chi tiết đối với từng lĩnh vực trước khi đưa ra những nội dung khái quát. Phải làm rõ quan điểm thủy sản nằm trong quan điểm chung của kinh tế xã hội. Xây dựng mục tiêu phát triển phải có căn cứ cụ thể đi kèm, phân tích trong bối cảnh kinh tế xã hội trong nước và quốc tế, các tác động về biến đổi khí hậu, môi trường… Xem xét rà soát lại các giải pháp, xây dựng Đề án kèm theo đối với từng giải pháp để xây dựng một Chiến lược có tầm nhìn và khả năng thực thi lớn.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác