Hội nghị Khoa học công nghệ Sản xuất nghêu bền vững tại Việt Nam (18-07-2020)

Sáng 18/7/2020, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã diễn ra “Hội nghị Khoa học công nghệ Sản xuất nghêu bền vững tại Việt Nam”. Đây là Hội nghị đầu tiên về ngành hàng Nghêu; Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đã dự và chỉ đạo Hội nghị. 
Hội nghị Khoa học công nghệ Sản xuất nghêu bền vững tại Việt Nam

Trong những năm qua, nghề nuôi nhuyễn thể nói chung và đặc biệt là nghề nuôi nghêu nói riêng đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo và cải thiện đáng kể đời sống của người dân ở các vùng ven biển Việt Nam. Tuy nhiên, nghề nuôi nghêu hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: nguồn lợi suy giảm, tác động của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. 

Trong khuôn khổ dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu tại Việt Nam – SCBV” do Liên minh Châu Âu tài trợ và được thực hiện bởi Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm ICAFIS đã phối hợp cùng Nhóm nghiên cứu khoa học đánh giá nguồn lợi nghêu tại 03 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra: Trong giai đoạn 2010-2019, hầu hết bãi nghêu tại 03 tỉnh thể hiện xu hướng thu hẹp về diện tích và thay đổi vị trí phân bố theo hướng ra xa bờ hơn; Tỷ lệ giảm diện tích trung bình tại 03 tỉnh là 21,7%; Mật độ và sinh lượng cũng giảm. Nguyên nhân chính là do xói lở và bồi tụ diễn ra liên tục, xen kẽ tại các vùng ven biển; Hơn nữa, đặc điểm của nghề nghêu là nghề mở và quá trình sinh trưởng của nghêu phụ thuộc hoàn toàn vào các yếu tố tự nhiên nên dễ chịu các tác động thay đổi bên ngoài. Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, nghêu liên tục bị chết ở hầu hết ở các tỉnh thành ven biển nuôi nghêu, điển hình như ở vùng nuôi nghêu huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), trong các tháng 10-12/2018, tỷ lệ nghêu chết lên tới 70-90% đúng thời điểm đang chuẩn bị thu hoạch. Tháng 1/2020, hiện tượng nghêu chết hàng loạt lại xảy ra tại hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang (tỷ lệ chết 80-90%); Thiệt hại ước tính hơn 70 tỷ đồng.

Trước những thách thức và khó khăn mà nghề nuôi nhuyễn thể nói chung và đặc biệt là nghề nuôi nghêu nói riêng đang phải đối mặt; Ngay lúc này, ngành Thủy sản rất cần có Kế hoạch và Biện pháp khắc phục, ứng phó kịp thời. Trước tiên, cùng nhau xem xét, tìm hiểu nguyên nhân chính tác động đến nghề nghêu. Đây được coi là việc làm vô cùng cần thiết và cấp bách tại thời điểm này; Đồng thời, cần sự chung tay, hợp tác từ các Cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu khoa học, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các hộ nuôi nghêu, hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua nghêu…

Xuất phát từ thực trạng trên, trong khuôn khổ dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu tại Việt Nam”, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (Hội Nghề cá Việt Nam) đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tổ chức “Hội nghị Khoa học công nghệ Sản xuất nghêu bền vững tại Việt Nam” nhằm xác định tiềm năng, hiện trạng sản xuất; các giải pháp khoa học công nghệ trong sản xuất giống; các giải pháp công nghệ trong ương nuôi và sản xuất nghêu thương phẩm. Từ đó, xác định Giải pháp Sản xuất nghêu bền vững tại Việt Nam.

Đến tham dự “Hội nghị Khoa học công nghệ Sản xuất nghêu bền vững tại Việt Nam” với sự góp mặt của trên 100 đại biểu là lãnh đạo và cán bộ của các đơn vị hữu quan thuộc Tổng cục Thủy sản (Vụ Nuôi trồng thủy sản, Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Thông tin thủy sản); Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS); Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II, III; Đại học Nha Trang; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của các tỉnh có triển khai hoạt động sản xuất nghêu; Đại diện những người nuôi nghêu trên toàn quốc từ Bắc tới Nam (như: Nam Định, Thái Bình, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long) và các Doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu nghêu Việt Nam.

Hội nghị đã tập trung nghiên cứu, thảo luận các vấn đề chính liên quan đến nghề nuôi dưỡng và tiêu thụ Nghêu của Việt Nam, như: Tổng quan và hiện trạng sản xuất nghêu tại Việt Nam; Hiện trạng sản xuất nghêu giống; Thoái hoá giống trong sản xuất nghêu nhân tạo và các công nghệ áp dụng sản xuất nghêu thương phẩm thành công ở một số nước; Bảo tồn và phát triển nguồn lợi nghêu bố mẹ và nghêu giống tự nhiên (quá trình 10 năm MSC, tỉnh Bến Tre); Quan trắc chất lượng môi trường tại vùng nuôi nghêu (hai miền Nam, Bắc); Hiện tượng nghêu chết hàng loạt và các giải pháp hạn chế thiệt hại; Mô hình nghêu thương phẩm và nghêu giống tại Hợp tác xã Đồng Tiến (tỉnh Bạc Liêu); Tiềm năng thị trường sản phẩm nghêu Việt; Kinh nghiệm xử lý môi trường trong nuôi nghêu thương phẩm của Nhật Bản... Trong đó, Hội nghị đặc biệt chú trọng trao đổi các giải pháp khoa học công nghệ nhằm sản xuất hiệu quả nghêu giống và nghêu thương phẩm, hướng tới: Sản xuất nghêu bền vững tại Việt Nam.

Tại Hội nghị, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã khẳng định: Cơ hội nuôi nghêu tại Việt Nam là rất lớn, ngành Thủy sản Việt Nam cần khai thác tiềm năng, lợi thế một cách hiệu quả, cần xác định những việc cần làm; Liên kết từ đầu vào tới đầu ra; Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm ở tất cả các khâu, từ sản xuất giống, sản xuất nghêu thương phẩm đến thu mua, tiêu thụ. Thị trường trong nước và thị trường thế giới luôn rộng mở; Trong khi đó, 28 tỉnh ven biển Việt Nam lại có nhiều bãi trống (có thể nuôi được nghêu). Do thời tiết diễn biến phức tạp, khó đoán (hạn hán, xâm nhập mặn và những tác động xấu mà người nuôi không thể lường hết) nên người nuôi cần tuân thủ nghiêm các hướng dẫn kỹ thuật và chỉ đạo của cơ quan quản lý (để đảm bảo tỷ lệ nghêu sống cao).

Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng nhấn mạnh, trong quá trình tổ chức sản xuất, Chứng nhận quốc tế (MSC) và vấn đề truy xuất nguồn gốc cũng cần được các Hợp tác xã địa phương chú ý; Đồng thời, chủ động hợp tác với các nhà máy để kiểm soát đầu ra. Ngược lại, các doanh nghiệp nghêu muốn phát triển thì phải gắn chặt với vùng nuôi. Đối với thông tin quan trắc, cảnh báo môi trường, ông yêu cầu thông tin phải sát, khi khuyến cáo truyền tải phải rõ ràng. Tổng cục Thủy sản và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương sẽ luôn sát cánh, đồng hành. Sang năm, khi tổ chức hội nghị lần hai, Tổng cục trưởng hy vọng sẽ nhìn thấy chuyển biến tích cực của ngành hàng. Thủy sản Việt Nam rất cần sự chung sức chung lòng, góp phần cho sự phát triển ngành hàng Nghêu, giúp ngành hàng Nghêu vươn cao, vươn xa và bền vững.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác