Chính phủ giao các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (06-07-2020)

Ngày 29 tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Chính phủ giao các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Ảnh minh họa

Bộ Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất việc miễn, giảm các loại phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của dịch bệnh Covid-19. Báo cáo Chính phủ tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 trong tháng 5 năm 2020, trong đó có xem xét việc điều chỉnh thời gian gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất, bổ sung sắc thuế, đối tượng thụ hưởng chính sách gia hạn thời gian nộp thuế đối với báo chí, xuất bản và các đối tượng khác chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ từ ngân sách trung ương năm 2020 cho cơ quan báo chí để: thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết này; thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị khác của quốc gia, ngành, lĩnh vực và cung cấp thông tin thiết yếu cho xã hội. Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng các giải pháp huy động nguồn lực để đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử; trong đó ưu tiên bố trí kinh phí cho phát triển các nền tảng dùng chung trong năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2020.

Giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 cho các dự án theo đúng cơ chế tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Định kỳ trước ngày 25 hằng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Về hoạt động xuất – nhập khẩu

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ động xây dựng và lấy ý kiến các Bộ, cơ quan trung ương về Nghị định ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực thi Hiệp định EVFTA theo trình tự thủ tục rút gọn để kịp thời ban hành ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Xem xét gia hạn thời hạn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); chấp nhận C/O sử dụng chữ ký, con dấu điện tử hoặc bản chụp/bản scan C/O để nộp cơ quan hải quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất - nhập khẩu. Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền giảm tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp sản xuất, trực tiếp nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định bị cơ quan hải quan ấn định thuế giá trị gia tăng và đã nộp đủ số tiền thuế giá trị gia tăng bị ấn định trước ngày 01 tháng 3 năm 2020 nhưng còn nợ tiền chậm nộp. Thống nhất mã số HS hàng hóa xuất - nhập khẩu (danh mục hàng hóa, mã hồ sơ) phù hợp với các nước khác, nhất là khối EU để giảm bớt khó khăn khi áp mã thuế, bảo đảm kiểm soát được việc kê khai thống nhất.

Bộ Công Thương

Thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục sự gián đoạn nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới đối với các mặt hàng đang bị hủy hoặc giãn tiến độ giao hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh; tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt là EVFTA, CPTPP. Triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong nước, tận dụng tốt các quy định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam. Phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong việc cân đối cung cầu một số mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá cả thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn địa phương trong việc thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu phụ trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc khi đã đáp ứng đủ quy định tại Nghị định số 112/2014/NĐ-CP và bảo đảm tối đa công tác phòng chống dịch bệnh. Theo dõi sát nhu cầu nhập khẩu nông sản của thị trường thế giới để kịp thời tận dụng cơ hội từ các thị trường này. Phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan và Hiệp hội Lương thực Việt Nam bảo đảm sản lượng gạo dự trữ, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu ở mức hợp lý; bảo đảm an ninh lương thực.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương

Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao năng lực chế biến sản phẩm nông, lâm sản, xác nhận xuất xứ và nguồn gốc sản phẩm, xuất khẩu sản phẩm nông sản chính ngạch sang các thị trường, nhất là Trung Quốc. Làm tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo, hạn chế thấp nhất thiệt hại, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản bền vững.

Chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp để gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với hàng thủy sản Việt Nam. Hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm chế biến nông lâm sản; đẩy mạnh công suất các nhà máy chế biến hiện có để phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa ở các dự án đầu tư công. Phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các địa phương sử dụng vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã có hiệu quả, giúp các hợp tác xã chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế và việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; kịp thời báo cáo Chính phủ để trình Bộ Chính trị, Quốc hội trong trường hợp cần thiết; Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; đôn đốc, phối hợp với các cơ quan trong việc hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, đón đầu và tận dụng cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định việc cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30 tháng 9 năm 2020 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2020 để điều chỉnh cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2020 và các dự án khẩn cấp như ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trong tháng 10 năm 2020 (kể cả việc điều chuyển vốn sang các Bộ, cơ quan, địa phương khác). Đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2019 kéo dài sang năm 2020 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư một số dự án khẩn cấp phòng, chống và giảm nhẹ ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn đối với khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long… từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 và các nguồn vốn hợp pháp khác. Hằng tháng, công khai tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trên trang điện tử Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ Tư pháp

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát những bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhất là về hoàn thiện khung pháp lý để quản lý có hiệu quả hoạt động thanh toán, thanh toán điện tử, cho vay ngang hàng; Ngăn chặn tình trạng nhà đầu tư nước ngoài lách luật, góp vốn dưới 51% để không phải làm thủ tục đăng ký đối với nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án có tài sản là đất đai; trình cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai.

Bộ Y tế

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn và các vật tư, thiết bị y tế để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng và dự phòng trong nước và xuất khẩu; đơn giản hóa thủ tục thẩm định cho phép sản xuất, xuất nhập khẩu và điều kiện xuất khẩu khẩu trang, trang phục bảo hộ, thiết bị y tế… Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan quy định các tiêu chuẩn, điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm bảo vệ sức khỏe cho người lao động trong thời gian dịch bệnh.

Bộ Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ủng hộ chủ trương bảo vệ sức khỏe nhân dân; đấu tranh với các hoạt động đưa tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân; tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh dịch Covid-19.

Bộ Ngoại giao

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm giữ vững và phát triển các quan hệ đối ngoại, có kế hoạch, phương án cụ thể, phù hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020 và phát huy, củng cố vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế xem xét cấp thị thực cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật người nước ngoài trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Bộ Công an

Chủ trì, phối hợp với các địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường an ninh ổn định để nhà đầu tư, doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh.

Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội

Hướng dẫn các cơ quan trực thuộc việc gia hạn giấy phép lao động cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kĩ thuật là người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp; cấp giấy phép lao động mới cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kĩ thuật là người nước ngoài để thay thế cho những người không được nhập cảnh hoặc không nhập cảnh trở lại Việt Nam. Xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động để hỗ trợ thích ứng với các điều kiện, hoàn cảnh thay đổi trong dịch bệnh.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Chính phủ yêu cầu Người đứng đầu các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiến hành rà soát từng nhiệm vụ, biện pháp để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh (nhất là thu hút đầu tư phát triển); đẩy nhanh tiến độ xử lý, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển nền kinh tế. Tại Nghị quyết 84/NQ-CP, Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Ủy ban Dân tộc; Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thông tin chi tiết của Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ: Xem tại https://tongcucthuysan.gov.vn

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác