Việt Nam tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (03-07-2020)

Ngày 29 tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Việt Nam tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Ảnh minh họa

Trên cơ sở thống nhất tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2020 về nội dung các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 3218/TTr-BKHĐT ngày 18 tháng 5 năm 2020, Chính phủ đã ra Quyết nghị: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội đề ra thông qua các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Sáu nguyên tắc thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ

Một, Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Hai, Vận động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra, quyết liệt thực hiện và nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đề ra theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Ba, Động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, nâng cao hiệu quả làm việc, sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh. Xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật. Khắc phục triệt để tình trạng trì trệ, thiếu trách nhiệm tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong thời gian qua, đặc biệt ở cấp cơ sở.

Bốn, Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung ngay các văn bản pháp luật để khắc phục sự chồng chéo, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển đất nước. Thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền; kịp thời báo cáo các cấp những vấn đề vượt thẩm quyền để khai thông nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy đầu tư. Năm, Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách hiện hành nhằm tạo nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Việc hỗ trợ phải đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, cắt giảm, hạn chế các cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm 2020, không thanh tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được cấp có thẩm quyền giao hoặc có dấu hiệu vi phạm. Chuyển từ phương pháp tiền kiểm sang hậu kiểm, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng, vi phạm quy định trong quá trình thực hiện các chính sách.

Đặc biệt là, Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Chính phủ sẽ giảm 15% tiền thuê đất năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp hàng không còn dư nợ đến ngày 31 tháng 12 năm 2019.

Giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9 năm 2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9 năm 2020. Giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.

Đồng thời, gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3 năm 2020 (thời gian gia hạn không muộn hơn thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2020). Nghiên cứu sửa đổi quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước. Cấp phép thí điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile money).

Cho phép các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm phù hợp với các quy định về phòng, chống dịch. Nghiêm cấm phân biệt, kỳ thị người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Gia hạn giấy phép lao động cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kĩ thuật là người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp; cấp giấy phép lao động mới cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kĩ thuật là người nước ngoài để thay thế cho những người không được nhập cảnh hoặc không nhập cảnh trở lại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, kinh phí thực hiện năm chủ tịch ASEAN 2020 và các hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.

Cho phép các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch Covid-19 là khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ các nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu khác. Xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật theo đúng Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội

Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp; tuyệt đối không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết; chủ động khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền. Hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu kép: “Phòng, chống dịch tốt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo giai đoạn”. Đồng thời, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư mới như: công tác quy hoạch; hạ tầng; công tác đào tạo nguồn nhân lực; đảm bảo về năng lượng; cải cách thủ tục hành chính. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương cần chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách; chấm dứt tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu; phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp.

Đối với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các Nộ, ngành, địa phương: Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và các Chỉ thị số: 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017, 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, rà soát lại kế hoạch thanh tra, kiểm tra để hạn chế, giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong thời kỳ dịch bệnh, không thanh tra ngoài kế hoạch, chuyển từ phương pháp tiền kiểm sang hậu kiểm. Đối với những dự án đã thanh tra, khẩn trương hoàn thành kết luận, tham mưu, đề xuất hướng xử lý theo quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công

Chính phủ cho phép không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư đối với dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và được bố trí vốn từ kế hoạch đầu tư công năm 2020. Tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2019 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Cho phép giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và Đề án phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người theo các Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2016 và số 2086/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ theo tổng mức vốn cho từng địa phương. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ để làm căn cứ chỉ đạo, điều hành cụ thể.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác