Hiện đại hóa công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (29-06-2020)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo đến năm 2030.
Hiện đại hóa công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
Ảnh minh họa

Theo đó, Chương trình nhằm thiết lập hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và phương tiện hiện đại, đạt trình độ tiên tiến phục vụ công tác điều tra cơ bản, quan trắc, kiểm soát, bảo vệ môi trường và xây dựng cơ sở dữ liệu về biển, hải đảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, hải đảo trong tình hình mới, góp phần đạt được các mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để thực hiện có hiệu quả và bảo đảm tiến độ triển khai Chương trình, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Chính, Bộ Khoa học và Công nghệ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Tăng cường năng lực quan trắc tài nguyên, môi trường biển và hải đảo: Đầu tư, nâng cấp mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường biển, hải đảo, bao gồm: 32 trạm quan trắc tổng hợp tài nguyên và môi trường, 25 trạm radar biển, 35 trạm phao biển theo Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2016.

Đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm DGPS Hải Phòng, Quảng Nam và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tăng cường năng lực quản lý tổng hợp; điều tra, khảo sát; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo: Tăng cường phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ điều tra, khảo sát, kiểm soát ô nhiễm và quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cho Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật thiết yếu phục vụ điều tra cơ bản cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam;

Đầu tư đội tàu nghiên cứu biển, điều tra tài nguyên, môi trường biển, đóng mới 06 tàu điều tra, nghiên cứu tài nguyên và môi trường biển, bao gồm: 03 tàu có dung tích 3.000 GT, 02 tàu có dung tích 600 GT và 01 tàu có dung tích 500 GT.

Đầu tư hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin tích hợp và hiện đại hóa công tác quản lý tổng hợp tài nguyên - môi trường biển và hải đảo.

Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ điều tra cơ bản cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; cơ sở vật chất phục vụ hợp tác quốc tế, nghiên cứu về rác thải nhựa đại dương; cơ sở lưu trữ, bảo quản mẫu vật và nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo miền Trung và miền Tây Nam bộ.

Tăng cường phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.

Đa dạng hóa các hình thức hợp tác giữa tư nhân và nhà nước, trong nước và nước ngoài để tăng cường năng lực quan trắc, điều tra, khảo sát, nghiên cứu khoa học biển và kiểm soát, bảo vệ môi trường biển.

Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có biển trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án đảm bảo chia sẻ thông tin, dữ liệu; khai thác tối đa năng lực, kinh nghiệm, phương tiện, trang thiết bị trong phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác