Đề án hợp tác về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 (27-05-2020)

Ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 647/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hợp tác về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.
Đề án hợp tác về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030
Ảnh minh họa

Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm nhúc đẩy đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác, góp phần thực hiện thành công các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW; đóng góp tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về vấn đề biển và đại dương; nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu trên, Đề án cũng đưa ra các nhiệm vụ cho từng nội dung. Cụ thể:

Về quản trị biển và đại dương, quản lý tổng hợp vùng bờ: Định kỳ rà soát, đánh giá, các cơ chế, chính sách, pháp luật về biển, hải đảo phù hợp với chuẩn mực quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách, pháp luật về biển và hải đảo sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thúc đẩy tham gia và hình thành các cơ chế hợp tác trong quản trị khu vực và toàn cầu đối với các hệ sinh thái biển lớn và bờ biển; quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển; lập, thực hiện quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin, dữ liệu về sinh thái biển cấp độ khu vực và toàn cầu. Nghiên cứu và xây dựng mạng thông tin đa ứng dụng trên biển. Tăng cường năng lực cho hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo từ trung ương đến địa phương, bảo đảm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

 

Về phát triển kinh tế biển, ven biển, với hoạt động du lịch và dịch vụ biển, Đề án tập trung phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo. Hình thành các trung tâm du lịch ven biển lớn.Phát triển du lịch tàu biển và hệ thống cảng biển du lịch quốc tế, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế; phát triển các tuyến du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ kết hợp với dịch vụ biển khác. Đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch ngắn hạn và dài hạn về phát triển và đầu tư quảng bá hình ảnh Việt Nam và du lịch biển Việt Nam ra thế giới, tập trung quảng bá đối với các thị trường trọng điểm về du lịch.

Với hoạt động kinh tế hàng hải: Phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, đặc biệt các cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, khoáng sản, năng lượng tái tạo... Tăng cường mối liên kết chuyên ngành giữa các cảng lớn trong nước với các cảng khu vực và quốc tế; phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Phát triển đội tàu vận tải biển hiện đại, cơ cấu hợp lý, an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Song song đó là đào tạo và huấn luyện sỹ quan, thuyền viên, nhân viên làm việc trong lĩnh vực hàng hải; đẩy mạnh hợp tác tìm kiếm thị trường xuất khẩu thuyền viên, sỹ quan hàng hải. Nâng cao năng lực công tác bảo đảm an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn hàng hải trên biển Đông. Thực hiện hiệp định hàng hải với các nước; ký kết các hiệp định, các nghị định thư và các thỏa thuận liên quan đến hàng hải của ASEAN, quốc tế và các thỏa thuận công nhận chứng chỉ chuyên môn hàng hải với các nước.

Đối với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, Đề án chỉ ra các nhiệm vụ: Xây dựng kết cấu hạ tầng, khu công nghiệp có tính dẫn dắt và hạt nhân cho chuỗi hoạt động dầu khí và khoáng sản; nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh cung cấp dịch vụ dầu khí, tiến hành có hiệu quả các hoạt động đầu tư về dầu khí ở nước ngoài. Xây dựng hệ thống mạng lưới tuyến đường ống vận chuyển dầu khí dưới biển để tăng tính kết nối nội địa, từng bước kết nối vào mạng lưới đường ống khu vực, nhất là với các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan.

Đồng thời nâng cao khả năng tìm kiếm, thăm dò khoáng sản, dầu khí và các dạng hydrocarbon phi truyền thống tại các bể trầm tích vùng nước sâu xa bờ. Xây dựng, triển khai các chương trình hợp tác quốc tế về điều tra khoáng sản biển sâu nhằm xây dựng kế hoạch quốc gia về bảo tồn và khai thác bền vững nguồn khoáng sản biển sâu. Nâng cao hiệu quả khai thác, tăng hệ số thu hồi các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; đảm bảo việc khai thác, chế biến các tài nguyên khoáng sản với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Đối với hoạt động nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thủy sản đồng bộ, gắn kết các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và tiêu thụ. Tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhất là các giống loài thủy sản quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng; nghiên cứu ngư trường phục vụ quy hoạch phát triển các ngành, nghề thủy sản hiệu quả cao, bền vững; nghiên cứu tham gia các hiệp định nghề cá khu vực và thế giới. Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, chế biến hải sản; phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, ven biển theo hướng sản xuất hàng hoá, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện của môi trường và nguồn lợi thủy sản.

Đối với phát triển các ngành công nghiệp ven biển: Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao ở vùng ven biển thân thiện với môi trường, công nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn. Phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu, lọc hóa dầu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ. Xây dựng và phát triển các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh, đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng. Tăng cường tính liên kết ngành trong phát triển và quản lý các ngành công nghiệp tại các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển. Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững tại các khu kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành công nghiệp ven biển.

Về nhiệm vụ nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển, Đề án đưa ra nội dung xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục tại các hải đảo. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái và bản sắc biển, không gian văn hóa, kiến trúc và di sản thiên nhiên ở vùng ven biển và hải đảo.

Về nhiệm vụ điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển: Triển khai các nội dung, nhiệm vụ và yêu cầu về hợp tác quốc tế, bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020. Nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ biển gắn với điều tra cơ bản biển; phối hợp với các nước có thế mạnh về khoa học biển trong hợp tác, nghiên cứu xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xuất sắc; chủ động tham gia tích cực các hoạt động quốc tế trong khuôn khổ Thập kỷ của Liên hợp quốc về khoa học biển vì sự phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030.

Đồng thời chú trọng đào tạo phát triển nhân lực biển chất lượng cao, chú trọng các lĩnh vực kinh tế hàng hải, du lịch biển, thủy hải sản, y học biển; xây dựng cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế; đào tạo lại, đào tạo mới, hình thành đội ngũ chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia khoa học đầu đàn, cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao về tài nguyên, môi trường biển. Có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam tham gia vào các tổ chức khoa học công nghệ biển quốc tế, các ban biên tập các tạp chí quốc tế về biển.

Về nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng: Nâng cấp hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần; phòng, chống biển xâm thực, xói sạt lở bờ biển, ngập lụt, xâm nhập mặn; hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường, ứng phó với sự cố môi trường, hóachất độc trên biển; đầu tư, đưa vào hoạt động ít nhất một vệ tinh chuyên dụng, phục vụ việc giám sát thiên tai, môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Thực hiện nghiêm túc các điều ước, thoả thuận khu vực và quốc tế về biển, đại dương mà Việt Nam đã tham gia; nghiên cứu thúc đẩy tham gia các điều ước quốc tế về các lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển; thúc đẩy hình thành khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam. Tăng cường quản lý rác thải biển, nhất là rác thải nhựa đại dương; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển, trọng tâm là môi trường ở các khu vực đô thị, khu vực kinh tế, khu công nghiệp, các đảo ven biển có người sinh sống.

Về nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thông tin tuyên truyền: Đầu tư trang thiết bị hiện đại, đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tăng cường khả năng hiệp đồng, tác chiến của các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lợi ích quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế biển. Đổi mới công tác tập huấn, học tập và trao đổi kinh nghiệm tại các quốc gia có nền quốc phòng phát triển. Xác lập, thực thi và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta tại các đảo, quần đảo và trên các vùng biển của Việt Nam. Củng cố niềm tin và sự trao đổi thông tin giữa các quốc gia về an toàn và an ninh, kiểm soát biên giới, hải quan, kiểm soát đánh bắt cá, bảo vệ môi trường, phòng thủ và thực thi pháp luật trên biển.

Phổ biến rộng rãi ra khu vực và trên thế giới các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về biển và hợp tác quốc tế về biển; Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; các Công ước và luật pháp quốc tế về biển; quảng bá sâu rộng tiềm năng, thế mạnh về biển Việt Nam. Thông tin kịp thời, đầy đủ chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác quốc tế về biển Việt Nam. Phản ánh các hoạt động hợp tác quốc tế về biển nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác