Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã thủy sản Việt Nam (27-02-2020)

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã chú trọng phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật. Nhờ đó, hoạt động của Hợp tác xã thủy sản cũng được đẩy mạnh.
Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã thủy sản Việt Nam

Vốn – Yếu tố sống còn cho hoạt động của Hợp tác xã

Ngày 20 tháng 11 năm 2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật Hợp tác xã. Ngày 09 tháng 6 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngày 07 tháng 9 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, đã quy định:

Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm một số chính sách, biện pháp của Nhà nước để tạo điều kiện đối với tổ chức, cá nhân vay vốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực này, nhằm góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. 

Về Chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ có chính sách khuyến khích việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua hỗ trợ nguồn vốn, sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, chính sách xử lý rủi ro phát sinh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các chính sách khác trong từng thời kỳ.

Nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bao gồm: (1) Nguồn vốn tự có và huy động của các tổ chức tín dụng theo quy định; (2) Vốn vay, vốn nhận tài trợ, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; (3) Nguồn vốn ủy thác của Chính phủ để cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Hộ gia đình/ Tổ hợp tác/ Tổ chức khác không có tư cách pháp nhân khi tham gia quan hệ vay vốn thì các thành viên của Hộ gia đình/ Tổ hợp tác/ Tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn.

Hộ gia đình/ Tổ hợp tác/ Tổ chức khác không có tư cách pháp nhân bao gồm: (1) Hộ gia đình cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; (2) Hộ kinh doanh hoạt động trên địa bàn nông thôn; (3) Tổ hợp tác trên địa bàn nông thôn hoặc tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; (4) Doanh nghiệp tư nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn; (5) Doanh nghiệp tư nhân cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và các doanh nghiệp tư nhân sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp.

Diễn đàn thủy sản “Bước lên bước nữa – Chuyện người trong cuộc”

Diễn đàn thủy sản đã được Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản Bền vững (ICAFIS) tổ chức tại Cần Thơ ngày 23/02/2020. Tại Diễn đàn, các đại biểu thống nhất nhận định: Vốn chính là Thách thức lớn nhất cho hoạt động sản xuất của Hợp tác xã. Đại diện của các Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng cho biết: Do nguồn vốn đầu tư cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh là rất lớn nên các hộ thủy sản cũng như Hợp tác xã luôn trăn trở với những câu hỏi “tiền đổ xuống biển, có lấy lại được không”, việc huy động vốn đầu tư có mang lại hiệu quả không…

Tại Hợp tác xã Thành Công (tỉnh Trà Vinh), năm 2005 có 91 hộ, tổng vốn huy động 700 triệu đồng; Đến nay, số thành viên đã tăng lên 278 (tăng gấp 3 lần) với tổng vốn huy động đạt trên 4,2 tỷ đồng (tăng gấp 6 lần). Hợp tác xã Thành Công cho biết, hiện Hợp tác xã chỉ lấy nội lực, chưa cần áp dụng hình thức vay vốn bên ngoài. Giải pháp chính của Hợp tác xã là: Huy động nguồn lực tại chỗ cho tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, đối với Hợp tác xã Toàn Thắng (tỉnh Sóc Trăng) thì vấn đề tiếp cận nguồn vốn đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Toàn Thắng đã quyết định thúc đẩy nguồn vốn tại chỗ, song song với việc huy động sự hỗ trợ từ bên ngoài. Cũng tại tỉnh Sóc Trăng, Hợp tác xã Hòa Đê đang thực hiện huy động vốn từ xã viên (lợi nhuận định kỳ 3 tháng chia một lần). Hiện Hợp tác xã Hòa Đê đã huy động được 50 cổ đông trên tổng số 65 thành viên Hợp tác xã (chiếm gần 80%). Với tỷ lệ cao như thế này, có thể thấy Hòa Đê đã đạt được thành công lớn trong việc huy động vốn tại chỗ.

Sản phẩm giá trị gia tăng giúp ổn định và phát triển Hợp tác xã

Hiện tại, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản Bền vững (ICAFIS) đang triển khai 03 Dự án: (1) Dự án SusV - Phát triển chuỗi giá trị Tôm bền vững, công bằng tại Việt Nam; (2) Dự án SCBV - Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu tại Việt Nam; (3) Dự án GRAISEA - Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị Tôm). Các dự án này được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, Đại sứ quán Thụy Điển và OXFAM tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ triển khai các chương trình của 03 Dự án SusV, SCBV và GRAISEA, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản Bền vững đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 06 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (gồm: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre) hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, liên kết chuỗi giá trị, kết nối thị trường cho gần 70 Hợp tác xã/ Tổ hợp tác. Nhờ đó, đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ thủy sản, ổn định sinh kế, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng tầm thương hiệu và hình ảnh của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, để đạt được những thành tựu, thành công còn phải kể đến quá trình nỗ lực, mạnh dạn “dám nghĩ, dám làm” của tập thể Hợp tác xã.

Tại Diễn đàn thủy sản “Bước lên bước nữa – Chuyện người trong cuộc”, Hợp tác xã Thành Đạt (tỉnh Bạc Liêu) đã chia sẻ, Hợp tác xã hiện có 16 thành viên, chủ yếu khai thác thế mạnh nuôi tôm, sản phẩm đã sang được nước bạn Campuchia. Đối với Hợp tác xã Hưng Phú (tỉnh Sóc Trăng) thì tập trung phát triển 02 sản phẩm giá trị gia tăng: Một là “tôm một gió” thu hút được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng và các hệ thống lớn tiêu thụ sản phẩm thủy sản Việt Nam; Hai là mô hình kinh doanh “Farm Trip - Farmstay”. Nói về tính chuyên nghiệp trong sản xuất và tạo dựng hình ảnh sản phẩm, Hợp tác xã Công nghệ cao Bạc Liêu được các đại biểu tham gia Diễn đàn đánh giá cao. Một trong những sản phẩm của Hợp tác xã được người tiêu dùng rất ưa chuộng là “bánh tráng tôm”. Sản phẩm cũng đã được mang đến giới thiệu tại Diễn đàn.

Đại biểu đến tham dự Diễn đàn thủy sản đã trao đổi rất sôi nổi chủ đề “Sản phẩm giá trị gia tăng giúp ổn định và phát triển Hợp tác xã”. Hiện Việt Nam đang xuất khẩu da cá tra sang các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, châu Âu. Phụ phẩm da cá sau đó đã được các nước nhập khẩu này sản xuất ra các sản phẩm collagen, bán trên thị trường với các mức giá rất cao (khoảng 2-4 triệu đồng/hộp). Trong khi đó, da cá tra chỉ có giá 1.000 đồng/kg, sau tăng lên 4.000 đồng/kg, rồi 20.000 đồng/kg. Nhưng ngay cả khi đã tăng gấp 20 lần như vậy thì phụ phẩm da cá vẫn là đối tượng phụ phẩm chưa được khai thác tối đa công dụng để sản xuất ra các sản phẩm giá trị gia tăng với mức giá cao, được thị trường đón nhận. Sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng (nhất là từ các phụ phẩm thủy sản) chính là vấn đề mà ngành Thủy sản Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu.

Hợp tác xã thực hiện liên kết chuỗi, tiếp cận thị trường

Theo báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (2004-2019): Khu vực kinh tế tập thể mà trọng tâm là Hợp tác xã đang phục hồi và phát triển khá ổn định. Kinh tế hợp tác từng bước khởi sắc. Cụ thể: Về Tổ hợp tác, cả nước có 101.400 nghìn Tổ hợp tác; trong đó 58.500 Tổ hợp tác trong lĩnh vực Nông nghiệp (chiếm 57,7 %). Về Hợp tác xã, toàn quốc có 22.861 Hợp tác xã; trong đó 13.856 Hợp tác xã nông nghiệp (chiếm 60,6%). Về Liên hiệp Hợp tác xã,  cả nước có 74 Liên hiệp Hợp tác xã; trong đó, các Liên hiệp Hợp tác xã hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực Nông nghiệp 39/74 Liên hiệp Hợp tác xã (chiếm 52,7%).

Số lượng Hợp tác xã tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Các Hợp tác xã từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là Hợp tác xã nông nghiệp, thủy sản. Quy mô, vốn và các lĩnh vực hoạt động của Hợp tác xã được mở rộng. Nhiều Hợp tác xã có quy mô toàn xã, huyện. Trình độ cán bộ quản lý Hợp tác xã được nâng cao. Một số Hợp tác xã có đội ngũ cán bộ tâm huyết, có kinh nghiệm, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Thông qua Hợp tác xã, các hộ thành viên có điều kiện tham gia và được hỗ trợ của Nhà nước, của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đặc biệt gần đây, số Hợp tác xã nông nghiệp, thủy sản thực hiện liên kết chuỗi giá trị ngày càng tăng, đang trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững. Hợp tác xã đã tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; nhiều Hợp tác xã liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Một số Hợp tác xã đã chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường xuất khẩu. Người dân tham gia Hợp tác xã trên tinh thần tự nguyện, cùng góp vốn, cùng chịu trách nhiệm về hoạt động của Hợp tác xã. Nhiều Hợp tác xã có phạm vi hoạt động toàn xã, thậm chí toàn huyện. Số lượng các Hợp tác xã áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều, đặc biệt, các Hợp tác xã nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi, nhiều Hợp tác xã liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh.

Tại Diễn đàn thủy sản “Bước lên bước nữa – Chuyện người trong cuộc”, Hợp tác xã Tài Thịnh Phát (tỉnh Cà Mau), Hợp tác xã Hòa Đê (tỉnh Sóc Trăng), Hợp tác xã Cái Bát (tỉnh Cà Mau) đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện liên kết chuỗi, tiếp cận thị trường. Hợp tác xã Hòa Đê cho biết, kể từ năm 2009 đã bắt đầu hướng cho các xã viên Hợp tác xã học hỏi khoa học kỹ thuật (trước tiên là với lúa); Sau chuyển sang làm chả cá rô phi… Hợp tác xã Cái Bát đã chia sẻ con đường, lộ trình đi đến thành công; Hợp tác xã nhận định: Sức tiêu thụ của người tiêu dùng chính là minh chứng rõ nhất cho thành công của Hợp tác xã. Tài Thịnh Phát khẳng định: Làm chuẩn, làm tốt thì Khách hàng sẽ chọn mình.

Trong thời gian tới, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản Bền vững và 03 Dự án SusV, SCBV, GRAISEA sẽ tiếp tục đồng hành cùng các Hợp tác xã nhằm nhân rộng thành tựu, nâng cao năng lực cho các Hợp tác xã thủy sản Việt Nam.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác